Những người đi 'cho máu' giữa mùa dịch

27-09-2021 11:29 | Y tế
google news

SKĐS - Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, xuất hiện tình trạng khan hiếm máu. Tuy nhiên, những đơn vị máu sống được các tình nguyện viên, lực lượng tuyến đầu của tỉnh Quảng Bình hiến tặng đã cứu sống nhiều bệnh nhân.

Máu dự trữ khan hiếm, công tác cứu chữa bệnh nhân trong mùa dịch gặp khó

Trao đổi cùng phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống (Bộ Y tế), BS Hồ Hoàng Thị Kim Huệ, Trưởng Khoa, Sinh hóa - Huyết học - Truyền máu, BV Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết, trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát tại địa phương này, số bệnh nhân mắc các bệnh lý về máu không giảm, lượng máu cần cho công tác chữa trị vẫn ở mức cao. Trung bình mỗi ngày cần 40 – 50 đơn vị máu và chế phẩm máu cho công tác cứu chữa bệnh nhân.

Những người đi "cho máu" giữa mùa dịch - Ảnh 2.

Trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát tại Quảng Bình, lượng máu được hiến giảm đi. Trong khi đó, số bệnh nhân mắc các bệnh lý về máu vẫn không giảm, lượng máu cần cho công tác chữa trị vẫn ở mức cao.

Trong khi đó lượng máu được cung cấp từ BV Trung ương Huế, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương lại ít đi. Cùng với đó, số lượng người đi hiến máu giảm, dẫn đến nguồn máu và chế phẩm máu dự trữ phục vụ cấp cứu, điều trị tại bệnh viện sụt giảm và thiếu trầm trọng.

"Từ trước đến nay, bệnh viện sử dụng nguồn máu từ Huế là chủ yếu. Từ năm 2021 bệnh viện thường phải tự chủ động thu gom máu trên địa bàn. Nhưng từ khi Quảng Bình bùng phát dịch, việc thu gom máu phải tạm dừng dẫn đến việc thiếu máu để điều trị", BS Huệ cho biết.

Trước tình hình đó, Khoa đã phải lên kế hoạch tự thu gom tại đơn vị và thông báo để Ban Giám đốc Bệnh viện làm việc với Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh bố trí lực lượng hiến máu.

Những người đi "cho máu" giữa mùa dịch - Ảnh 3.

Lực lượng công an vừa tham gia công tác phòng chống dịch vừa tổ chức hiến máu hỗ trợ công tác cứu chữa người bệnh.

Theo BS Huệ, trong thời gian tới, nếu tình hình dịch bệnh trên địa bàn cơ bản được khống chế, bệnh viện sẽ lên phương án tổ chức gom máu trong cộng đồng để đảm bảo lượng máu dự trữ sử dụng trong những tháng cao điểm cuối năm.

"Càng về cuối năm lượng máu cần cho công tác điều trị càng tăng. Sắp tới mùa mưa bão việc thu gom máu càng khó khăn nên cần thực hiện nhanh", BS Huệ cho biết.

Những người đi "cho máu" giữa mùa dịch - Ảnh 4.

Anh Hoàng Tuấn Mạnh, nhân viên Khoa Sinh hóa - Huyết học - Truyền máu cho biết sau khi thu máu từ tình nguyện viên cần kiểm tra, xử lý trước khi sử dụng và bảo quản.

Những người "cho máu" giữa đại dịch

Trước thực trạng trên, nhằm hỗ trợ công tác cứu chữa bệnh nhân trong lúc dịch COVID diễn biến phức tạp, thành viên các CLB hiến máu trên địa bàn, Công an tỉnh, Đoàn Thanh niên khối các cơ quan tỉnh Quảng Bình trở thành lực lượng chính cung cấp máu.

Việc tham gia hiến máu trong lúc dịch bệnh bùng phát cũng gặp không ít khó khăn, khi phần lớn tình nguyện viên nằm trong khu vực cách ly, giãn cách. Lực lượng chức năng lại đang tham gia nhiệm vụ phòng, chống dịch.

Những người đi "cho máu" giữa mùa dịch - Ảnh 5.

Trước khi tham gia hiến máu, các tình nguyện viên được đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe, text nhanh COVID-19.

Công tác hiến máu tại bệnh viện cũng cần đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Không tụ tập đông người mà chia theo từng nhóm nhỏ. Trước khi vào viện cần khai báo y tế, test nhanh...

Chia sẻ về lần hiến máu sống trong lúc TP. Đồng Hới thực hiện giãn cách, anh Nguyễn Lương Hòa (SN 1993), trú tại phường Bắc Lý cho biết, khi có thông tin người bệnh đang điều trị tại BV Việt Nam - Cuba Đồng Hới trong tình trạng nguy kịch cần gấp máu sống. Biết bản thân có nhóm máu phù hợp, anh Hòa đã nhanh chóng có mặt tại bệnh viện hiến máu cứu người.

Những người đi "cho máu" giữa mùa dịch - Ảnh 6.

Anh Nguyễn Lương Hòa nhanh chóng có mặt tại bệnh viện hiến máu cứu bệnh nhân nguy kịch khi đang tham gia hỗ trợ tại chốt kiểm dịch.

"Khi đang tham gia hỗ trợ chốt kiểm dịch tại tổ dân phố thì biết có bệnh nhân cần máu. Ngay lập tức mình tới viện, làm các thủ tục khai báo, test nhanh để vào hiến máu cứu sống người bệnh. Trong dịch bệnh việc hiến máu khó khăn, mình tới hiến cứu sống được bệnh nhân nên cảm thấy rất vui", anh Hòa chia sẻ.

Trao đổi cùng PV, Thượng úy Dương Quốc Khánh, Bí thư Đoàn thanh niên Công an tỉnh Quảng Bình cho biết, nhằm hỗ trợ các bệnh viện trên địa bàn trong tình trạng khan hiếm máu do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Ngoài công tác hỗ trợ chống dịch, đơn vị còn tổ chức cho các cán bộ, chiến sĩ tham gia hiến máu đột xuất. Đã có gần 100 đơn vị máu được hiến, phục vụ nhu cầu cấp cứu và điều trị của bệnh nhân.

Những người đi "cho máu" giữa mùa dịch - Ảnh 7.

Việc hiến máu cứu người thể hiện tinh thần vì cộng đồng của cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Quảng Bình.

"Đây là hoạt động nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm và thể hiện nghĩa cử cao đẹp, sống vì xã hội, sống vì cộng đồng của cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh Quảng Bình. Qua đó góp phần trao cơ hội sống, tiếp thêm hy vọng sống cho những người bệnh cần máu", Thượng úy Khánh cho biết.

BS Huệ cho biết thêm, trong quá trình điều trị, nhiều ca bệnh trong tình trạng nguy kịch nhưng kho máu của bệnh viện không thể cung cấp, người thân bệnh nhân nằm trong khu cách ly, phong tỏa. Khi đó, cán bộ, nhân viên bệnh viện luôn sẵn sàng tạm dừng công việc để "cho máu" cứu bệnh nhân.

Những người đi "cho máu" giữa mùa dịch - Ảnh 8.

BS Lê Sang công tác tại Khoa Mắt tạm gác lại công việc tham gia hiến máu cữu chữa người bệnh.

Những người đi "cho máu" giữa mùa dịch - Ảnh 9.

Phần lớn cán bộ, nhân viên bệnh viện đều tham gia hiến máu, nhiều người luôn sẵn sàng cung cấp máu khi bệnh nhân cần.

"Đối với những trường hợp không thể tìm nguồn máu từ kho lưu trữ hay cộng đồng thì cán bộ, nhân viên của bệnh viện luôn sẵn sàng hiến máu. Nhiệm vụ hàng đầu là cứu sống bệnh nhân", BS Huệ chia sẻ.

Bác sĩ trong tâm dịch: 'Những gì tôi chứng kiến đủ đau thương cho cả đời người!' 



Hùng Trần
Ý kiến của bạn