Hà Nội

Những người 'đến sớm, về muộn' ở Khu di tích Kim Liên

19-05-2022 09:22 | Xã hội
google news

SKĐS - Công việc của hơn 30 chị em thuyết minh và cán bộ bảo quản tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên (huyện Nam Đàn, Nghệ An) thầm lặng, là sợi dây kết nối làm nên mạch đời sống động giữa cuộc đời giản dị và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Bác với muôn nẻo du khách gần xa.

Vở diễn về Bác Hồ: Lan tỏa di sản tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí MinhVở diễn về Bác Hồ: Lan tỏa di sản tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

SKĐS - Nhiều vở diễn sân khấu về Bác Hồ dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2022), đã lan tỏa những giá trị tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người tới các khán giả.

Kìm giữ được giọt nước mắt của mình trước giọt nước mắt của du khách

Vừa thuyết minh xong đoàn hơn 50 người đến làng Sen - quê nội Bác Hồ, chị Lê Thị Hà – cán bộ thuyết minh tại khu di tích tranh thủ uống ngụm nước, chỉnh lại micro để đón đoàn tiếp theo.

Chị Hà kể: "Những ngày này, chúng tôi ít có thời gian nghỉ bởi ai cũng làm việc thông tầm. Có chăng chỉ kịp uống tạm ngụm nước để đỡ khan cổ rồi tiếp tục thuyết minh, hướng dẫn đoàn".

Những công việc thầm lặng tại Khu di tích Kim Liên  - Ảnh 1.

Chị Lê Thị Hà đang thuyết minh cho các em học sinh tại quê nội của Bác.

Vào ngày lễ lớn, khu di tích đón khoảng 500 đoàn khách từ khắp mọi miền đất nước, chưa kể du khách nước ngoài. Nhiều đoàn thường có yêu cầu thuyết minh riêng để cảm nhận sâu sắc nhất, kĩ lưỡng nhất về làng quê, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Bác. Những lúc đó, chị em vận dụng tối đa kinh nghiệm và kiến thức thuộc phạm vi thuyết minh về Bác để đáp ứng nhu cầu của du khách.

Những em học sinh đến, các chị giới thiệu từng hiện vật gắn liền với tuổi thơ của Bác. Thuyết minh với các em cần uyển chuyển, cách kể chuyện cuốn hút, ngắn gọn. Sau kể chuyện, các chị hỏi lại các em những điểm chính để các em luôn ghi nhớ. Có thời gian thì các chị lại lồng vào những bài hát về Bác Hồ với thiếu nhi khiến các em rất hào hứng.

Có đoàn là những nhà nghiên cứu khoa học, các chị chú trọng giới thiệu những mốc thời gian và bước ngoặt mang tính lịch sử trong hành trình cách mạng của Bác. "Thời gian thuyết minh phục vụ các đoàn khách này thường dài hơn. Đặc biệt nhất là khi nghe du khách nêu câu hỏi về những gì họ muốn hiểu sâu thêm về Bác. Đây là dịp chúng tôi trả lời bằng cách kể những câu chuyện phong phú gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác" – chị Hà kể.

Những công việc thầm lặng tại Khu di tích Kim Liên  - Ảnh 2.

Chị Lê Thị Hà đã gắn bó với nghề thuyết minh tại khu di tích hơn 18 năm.

Chị Hà tâm sự: "Nghề thuyết minh và thuyết minh cho thật hay không khó. Khó nhất là mình kìm giữ được giọt nước mắt của mình trước giọt nước mắt của du khách. Bởi nếu mình khóc thì làm sao thuyết minh nổi cho du khách. Nói khó nhất còn bởi, khi thuyết minh, hình bóng gia đình Bác và muôn nẻo cuộc đời bôn ba tìm đường cứu nước của Bác luôn khiến trái tim mọi người thổn thức và hướng theo nên không thể không xúc động".

Công việc thầm lặng

Đồng hành cùng với các chị thuyết minh tại khu di tích là các chị thuộc Phòng sưu tầm, kiểm kê, bảo quản và trưng bày. Mùa đông cũng như ngày hè, không kể những ngày gió Lào khô rát hay những ngày mùa đông giá rét, các anh chị chưa một ngày chậm trễ trong công việc của mình. Trong những ngày lễ, Tết, nếu như mọi người quây quần bên gia đình hay đi chơi thì với bạn bè thì với các anh chị tại đây lại là những ngày vất vả, bận rộn nhất.

Những công việc thầm lặng tại Khu di tích Kim Liên  - Ảnh 3.

Chị Phan Thị Hằng - cán bộ bảo quản khu di tích thường dậy sớm để quét dọn, lau chùi các hiện vật.

Chị Phan Thị Hằng – cán bộ bảo quản tại khu di tích nói vui: "Chúng tôi phải làm xong công việc mới đến giờ làm việc. Nói vậy là bởi, chúng tôi phải là người đến sớm nhất để quét dọn, chỉnh trang các hiện vật thật gọn gàng, sạch sẽ trước giờ mở cửa đón khách tham quan. Chiều, chúng tôi là người về cuối cùng sau khi kiểm tra lại tất cả mọi hiện vật của di tích".

Công việc của các chị thầm lặng bởi luôn đi sau các đoàn du khách để nhắc nhở họ giữ gìn các hiện vật. Nếu có người thắp hương thì phải đứng canh cho hương cháy hết. Ngoài ra, hàng trăm tài liệu hiện vật được trưng bày tại đây với nhiều chất liệu khác nhau như gỗ, tranh, tre, nứa, lá là những vật liệu rất dễ cháy, hư hỏng, mục nát. Vì thế, chị em ở đây phải rất cẩn trọng khi giữ gìn nguyên trạng các hiện vật, không để xảy ra sở xuất dù là nhỏ nhất. Đặc biệt, các hiện vật như sách báo từ xưa độ kết dính không còn nên phải rất cẩn trọng, kiểm tra thường xuyên. Nếu để hơi ẩm vào thì sẽ hỏng ngay.

Chị Hằng thổ lộ: "Chăm sóc di tích hiện vật là thể hiện lòng kính yêu đối với Bác, dù công việc khó khăn, vất vả đến mấy chúng tôi cũng không quản ngại. Được chăm sóc ngôi nhà của Bác là niềm vinh dự lớn lao của chúng tôi...".

Kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Khu di tích Kim Liên, Nghệ An mở cửa liên tục đón người dânKỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Khu di tích Kim Liên, Nghệ An mở cửa liên tục đón người dân

SKĐS - Kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích Kim Liên mở cửa liên tục cả ba khu vực: Làng Sen, Hoàng Trù và Khu mộ bà Hoàng Thị Loan phục vụ khách tham quan.



V. Đồng
Ý kiến của bạn