Hà Nội

Những người con không cùng máu mủ của bệnh nhân chạy thận

05-03-2023 15:44 | Y tế
google news

SKĐS - Luôn nỗ lực điều trị, quan tâm, chia sẻ với người bệnh của mình, những cán bộ y tế ở khoa Hồi sức tích cực dần trở nên thân quen và nhận được những tình cảm trân quý từ bệnh nhân chạy thận.

Chia sẻ cùng Phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, BS. Trần Thanh Tình, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Bình cho biết, hiện tại có 55 bệnh nhân đang thay phiên nhau chạy thận nhân tạo để duy trì sự sống. Những bệnh nhân mắc phải các bệnh lý đang cần phải chạy thận tại đây đa dạng các lứa tuổi và thành phần xã hội, nhưng đa phần là người già và có hoàn cảnh nghèo khó. Cuộc sống của họ gắn liền với bệnh viện, với những lần nằm dài nhìn máy móc thay thận làm việc. Bệnh tật đày đọa, gia cảnh không mấy ai khá giả nên cuộc sống của họ rất khó khăn.

Những người con không máu mủ của bệnh nhân chạy thận - Ảnh 1.

Tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Bình, hiện có 55 bệnh nhân đang thay phiên nhau chạy thận nhân tạo để duy trì sự sống.

Hiểu được những khó khăn của các bệnh nhân chạy thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình cùng các nhà hảo tâm đã cải tạo dãy nhà của bệnh viện làm nhà trọ miễn phí. Dưới mái nhà này, bệnh nhân nghèo có thể ở lại lâu dài, giảm bớt được chi phí đi lại tiếp tục chống chọi với bệnh tật, các bác sĩ cũng có thể thường xuyên theo dõi sát được bệnh tình.

Cùng với đó, các cán bộ, y bác sĩ luôn quan tâm kết nối các nhà hảo tâm hỗ trợ bệnh nhân nghèo về tình cảm và vật chất để họ trang trải trong quá trình điều trị và có thêm động lực để chống chọi lâu dài với bệnh tật.

"Bệnh nhân chạy thận nhân tạo gắn bó suốt đời với bệnh viện, với máy chạy thận do đó họ coi bệnh viện cũng như ngôi nhà thứ 2 của mình. Ngày nào bác sĩ cũng gặp bệnh nhân, có nhiều hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Cán bộ y tế chăm sóc, động viên và coi họ như người thân trong gia đình để bệnh nhân cảm nhận được sự ấm cúng, lạc quan vui vẻ, hạnh phúc", BS. Tình chia sẻ.

Những người con không máu mủ của bệnh nhân chạy thận - Ảnh 2.

Bệnh nhân mắc bệnh thận đa dạng độ tuổi, gia cảnh nhưng có điểm chung là phải dành rất nhiều thời gian ở viện.

Đồng hành thời gian rất dài cùng những người bệnh, nên y bác sĩ tại đơn vị chạy thận trở nên thân quen và hiểu những bệnh nhân của mình. Không chỉ làm công tác điều trị, các y bác sĩ còn nắm bắt tâm lý của bệnh nhân, tìm hiểu hoàn cảnh để kịp thời kết nối với các nhà hảo tâm giúp đỡ các bệnh nhân chạy thận đang gặp khó khăn. Nhận được những sự quan tâm của cán bộ y tế, những bệnh nhân dần xem người mặc áo blouse như người thân.

Điều dưỡng Đinh Chí Thanh, phụ trách đơn vị thận nhân tạo của Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc cho biết, trong quãng thời gian dài đồng hành cùng bệnh nhân chạy thận, các cán bộ y tế và bệnh nhân thấu hiểu nhau, động viên nhau cùng cố gắng.

Những người con không máu mủ của bệnh nhân chạy thận - Ảnh 3.

Điều dưỡng Đinh Chí Thanh cùng các đồng nghiệp luôn nỗ lực vì bệnh nhân.

"Đối với đơn vị thận nhân tạo, tình cảm nhiều lắm, bởi vì có sự gắn bó lâu dài. Có những bệnh nhân gắn bó đến cả chục năm, đến khi họ mất đi rồi mình cũng thấy buồn lắm, giống như mất đi người thân vậy. Các cô, các chú, các em bệnh nhân ở đây yêu mến cán bộ y tế, có người còn gọi chúng tôi là những đứa con mang blouse trắng của bệnh nhân chạy thận", điều dưỡng Toàn chia sẻ.

Sau những giờ căng mình cùng những chiếc máy chạy thận kêu liên hồi, gần trưa, điều dưỡng Đinh Chí Thanh, tranh thủ tạt sang khu nhà trọ của bệnh nhân chạy thận nhân tạo để xem tình hình sức khỏe các bác, các chú vừa chạy thận nhân tạo về. Vừa thấy anh Thanh, ông Nguyễn Văn Bình, một bệnh nhân cao tuổi đang chạy thận nhân tạo lưu trú ở đây chạy vội ra, "con vô ăn cơm với vợ chồng bác luôn, quá trưa rồi".

Những người con không máu mủ của bệnh nhân chạy thận - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Bình đã có hơn 6 năm chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Bình.

"Trong quá trình điều trị bệnh, chúng tôi luôn nhận được sự giúp đỡ, yêu thương và động viên từ cán bộ y tế. Bệnh viện còn tạo điều kiện cho ở trong khu nhà hoàn toàn miễn phí. Chúng tôi xem đây như ngôi nhà thứ 2 của mình. Những bệnh nhân chạy thận như tôi rất biết ơn và yêu thương các cô chú y bác sĩ, điều dưỡng", ông Bình chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Viết Thái, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Bắc Quảng Bình cho biết, với trách nhiệm của những người làm công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, các cán bộ, nhân viên của Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Bình luôn tìm cách giúp đỡ người bệnh. Không chỉ chữa bệnh lý mà còn quan tâm tới tâm lý và đời sống của người bệnh. Đặc biệt đối với những bệnh nhân chạy thận khó khăn, đơn vị luôn dành những sự quan tâm hỗ trợ. Đáp lại, những tình cảm trân quý mà bệnh nhân trao tới cán bộ y tế chỉ bằng những lời cảm ơn, những cái ôm, những nụ cười.

Những người con không máu mủ của bệnh nhân chạy thận - Ảnh 5.

Không chỉ diều trị bệnh, các cán bộ y tế còn quan tâm tới tâm lý và hoàn cảnh của các bệnh nhân. Đổi lại họ nhận được những sự yêu quý vô bờ từ người bệnh.

"Bệnh viện điều trị cho rất nhiều bệnh nhân với các bệnh lý, độ tuổi khác nhau. Nhưng bệnh nhân chạy thận thì họ phải điều trị rất lâu, dường như là túc trực ở viện. Vậy nên đơn vị rất quan tâm và hỗ trợ. Ngoài làm tốt công tác chạy thận, xây nhà trọ miễn phí, chúng tôi cũng kết nối nhiều tổ chức, cá nhân để hỗ trợ bệnh nhân khó khăn", BS. Nguyễn Viết Thái cho biết.

Bác sĩ Tâm, người góp phần tạo nên những "thiên thần nhỏ"Bác sĩ Tâm, người góp phần tạo nên những 'thiên thần nhỏ'

SKĐS - Sau rất nhiều lần lỡ hẹn bởi có ca mổ khó, tôi cũng đã gặp PGS.TS.BS. Vũ Văn Tâm, Giám đốc BV Phụ sản Hải Phòng. Ông tiếp chúng tôi trong phòng làm việc rộng 24m2 của bệnh viện đã xây dựng 33 năm.


Hùng Trần
Ý kiến của bạn