Ai cũng biết những người có Tết sớm là các nhà báo. Khi tiết trời đang lạnh ngăn ngắt, gió mùa Đông Bắc thổi vù vù như cắt thịt da thì trong các tòa soạn đã đầy bánh chưng, câu đối, nắng mới, mầm xanh,... trên các trang bản thảo. Còn “Tết muộn” hẳn là đến với các thầy thuốc và các nhân viên thuộc lĩnh vực phục vụ, an ninh,... Khi mà thiên hạ sắm Tết chán chê, ngày Tết du xuân thoải mái thì họ phải ở nhiệm sở vì bệnh tật,... không biết nghỉ Tết. Thế nhưng có cái Tết thật sự với bánh chưng, mai, đào cũng thật luôn đến rất sớm với một số người. Đó là các chiến sĩ ngoài quần đảo Trường Sa cũng như những người lính của các đơn vị vận tải biển và đại biểu khối dân sự mang quà ra đảo và nhà giàn.
Cuối năm dương lịch, Hải quân ta thường có những đợt thay quân từ đất liền ra đảo thuộc huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 thuộc vùng thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Ra đảo hay ra nhà giàn trong thời khắc bản lề của năm, phía trước là Tết nên ngoài quà Tết của đơn vị, của các cơ quan đoàn thể trong đất liền, ba lô người lính nào cũng có quà Tết do bố mẹ, vợ con cố dúi vào! Mứt sen, trà thái, măng miến, giò các loại,... thôi thì đủ cả.
Những chuyến tàu lòng vòng qua các đảo, đá, nhà giàn để người ở, người về khi cái Tết đang lấp ló phía trước càng bịn rịn. Lính thay, lính về, lính tàu rồi đại biểu trên mỗi đảo, đá, nhà giàn cứ phải gấp đôi ba quân số quy định. Trong bờ còn có “của riêng” chứ ra đến đây, không cửa hàng cửa hiệu, có tiền núi cũng chỉ là giấy thành ra dù là ai cũng bình đẳng cả. Đến nắng lửa, bão giông, nước tắm cũng bình đẳng chả phân biệt chỉ huy hay chiến sĩ, chia đều tất. Thế cho nên những quà riêng trong từng ba lô lính thay thành quà chung, có bao nhiêu bày ra hết như trong cuộc hội ngộ trùng phùng. Toàn đồ Tết nhá mà chuyện trò cũng toàn chuyện Tết!
Tết sớm quá mà là “Tết quốc gia” chứ không phải “Tết vùng miền”! Trong bờ, bà con phía Bắc có bánh chưng, hoa đào, phía Nam có bánh tét, hoa mai chứ Tết của những người lính biển nơi đầu sóng ngọn gió thì đủ cả. Không chỉ có bánh tét, bánh chưng mà các loại bánh đặc trưng ở mỗi vùng, tỉnh cũng có. Các nhà nghiên cứu, nhà báo muốn tìm hiểu về Tết trên đất nước ta có thể phải đi khắp nước chứ nếu ra đây chắc tha hồ thu lượm vì tỉnh này, vùng nọ cách nhau chỉ một gang tay! Tha hồ hỏi, tha hồ thu thập tư liệu!
Những ngày “Tết sớm” này là có thật nhưng không phải “Tết sớm” nào cũng được như thế. Cuối năm đang mùa mưa bão, chả lặng như “tháng ba bà già đi biển” vào dịp cuối tháng tư đầu tháng năm dương lịch, các đoàn khách từ đất liền ra thăm đảo. Phải hôm đến nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc mà gặp ngày biển động thì... thôi rồi! Đến nghệ sĩ xiếc chắc cũng khó leo lên được nhà giàn khi sóng biển dâng cao lên đến 5-7 mét rồi tụt xuống cũng bằng số đo đó. Anh em trên tàu khối người quen với sóng gió nhưng vẫn cứ “hát” bài “Biển một bên và... xô một bên!”. Có bận, tàu 996 gặp bão, chàng sĩ quan trẻ Tống Tùng mặt xanh mặt vàng vẫn cố ôm chậu mai vàng... vì sợ giập cánh hoa khi con tàu đang lắc lư chao đảo. Hải trình đã lập, quà phải chuyển, Tết phải thăm thế là nhiều khi phải... chúc Tết qua loa! Có lẽ những lời chúc Tết qua máy bộ đàm giữa biển cả đầy sóng dữ là những lời chúc thiêng liêng và thật nhất, xúc động nhất. Hàng chuyển qua dây từ xuồng lên tới nhà giàn là cả một cuộc chiến đấu đầy cam go, quyết liệt. Tôi không biết về thơ lắm nhưng có lẽ hình ảnh giữa giông bão, giữa nền trời mây đen vần vũ trên chiếc dây đung đưa kia lộ ra những nụ đào xuân cứ từ từ leo lên nhà giàn DK1 là bài thơ đẹp nhất chăng!
Trong đất liền, chuyện “Tết dài” quá quy định ngày nghỉ của Chính phủ là sự vi phạm, song nơi đầu sóng ngọn gió, quả là Tết “dài” thật nhưng là cái sự “dài” vô cùng đáng yêu! Những cuộc thay quân, gặp nhau trên đảo, đá, nhà giàn DK1 đã bắt đầu Tết. Tết kéo dài tới... tận Tết! Không khí Tết tràn ngập trên những khuôn mặt xạm đen vì nắng gió và hơi mặn. Trước Tết, cũng như trong đất liền ta thắp hương các phần mộ ông bà tổ tiên, các đảo cũng tổ chức thắp hương tri ân các liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Quân và dân trên một số đảo như Trường Sa lớn, Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn... sát bên nhau trang nghiêm trước anh linh các liệt sĩ.
Tác giả với lính đảo Trường Sa.
Nam thanh nữ tú yêu nhau có lẽ “thích” nhất là giai đoạn “dền dứ” khi tình yêu chính thức chưa tới đang phập phồng đợi chờ phía trước. Ngoài biển xa, Tết thú vị nhất là cái đoạn trước Tết, chuẩn bị Tết. Lính ta quả là chắc tay súng nhưng cũng lắm tài lẻ. Đảo, đá, nhà giàn nào cũng có “nghệ nhân” tranh thủ thời gian nghỉ ngơi để chăm sóc, tỉa lá, uốn cành cây cảnh. Anh nào không phải “nghệ nhân” cây cảnh thì cắt dán, trang trí phòng, khu vực đón xuân cho thật xôm trò. Rồi “nhà thơ”, “họa sĩ” cũng không thiếu, thi nhau tranh tài qua các báo tường được bình chọn trong đêm giao thừa. Thơ các anh rất thật, cụ thể, tha thiết với bờ lại hóm kiểu như:
Khuya rồi vợ đã ngủ chưa
Con vừa cai bú sữa thừa nhiều không?
Vợ ơi chồng thấy nóng lòng
Nhà xây mấy tháng chưa xong công trình
(thiếu tiền mà giá vật liệu xây dựng lại lên đấy ạ!)
“Đã” nhất là các cuộc thi gói bánh chưng thành dấu ấn rất đặc trưng của những người lính biển. Không có lá dong thì dùng lá cây phong ba. Mà lá phong ba thì không thiếu trên đảo. Cái khó là làm sao cho thứ lá cứng cáp trước phong ba ấy trở nên mềm mại chịu vào “khuôn” (phép) gỗ để ôm gạo, đỗ, thịt mà không rách, bục. Xẻ dọc sống lá bỏ đi cũng là kinh nghiệm phải có nhưng nhúng vào nước sôi thế nào cho lá mềm không phải ai cũng biết. Nhúng sơ thì lá cứng mà nhúng kỹ thì lá nát. “Bí mật nhà nghề” của các đội thi là đây! Lạ là lá phong ba gói bánh chưng tuy không xanh như lá dong nhưng được cái khi luộc, bánh rất “dền” như có mùi biển cả pha lẫn trong vị thơm của gạo nếp.
Khổ nhất trong đêm giao thừa lại là ban giám khảo chấm chọn sản vật thi. Lính đảo không có cái riêng giữ cho mình thành ra mọi “bí mật nhà nghề” bị lộ lung tung cả. Mà công nghệ, quy trình giống nhau trong khi phải xếp loại hơn thua quả là sự thách đố ban giám khảo. Thế là quy định lại ngặt nghèo hơn khi lấy thời gian hoàn thành làm thước đo, bên nào xong trước, bên đó thắng!
Giao thừa vui lắm. Trong lúc chờ nghe Chủ tịch nước chúc Tết lúc chuyển giao năm cũ - mới thì lính ta thi hái hoa dân chủ, thi ca múa nhạc.
Linh thiêng nhất trong ngày Tết là sáng mùng 1 khi cả đảo, nhà giàn DK1 dù đông hay ít người đứng chào cờ đầu năm. Không có băng Quốc ca nhé mà có băng đĩa thì anh em vẫn thích hát Quốc ca bằng chính giọng pha sương gió biển cả của mình được phát ra từ mỗi lồng ngực, từ trong huyết quản mỗi người lính biển nơi tiền tiêu của Tổ quốc.
Chúc Tết quân và dân, chúc Tết nhau rồi bóng chuyền, đá cầu, bóng đá và nhiều trò chơi khác mà chỉ lính mới nghĩ ra.
Tết sớm và Tết dài chỉ có ở những người lính biển nơi tiền tiêu. “Tết quốc gia” của những người con từ mọi miền tụ họp cùng với những bàn tay đang chắc tay súng và đôi mắt dõi về đất Mẹ, dõi ra biển xa...