Đó là lời tâm sự của bệnh nhân Liên ( 66 tuổi) khi được biết có người đồng ý ghép thận cho mình hơn nữa đủ điều kiện ghép tạng. Bệnh nhân Liên không chỉ tuổi cao, lại còn mang trong mình nhiều bệnh nền như béo phì, huyết áp cao, tiểu đường. Sau 2 năm chạy thận, giữa năm 2022, bà được các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thông báo đủ điều kiện ghép tạng, ngay lập tức bà đăng ký vào danh sách chờ. Nhớ lại quãng thời gian chiến đấu với căn bệnh suy thận chờ ngày ghép tạng, bà Liên kể: "Một tuần đi lọc máu 3 lần, mỗi lần 4 tiếng, các con các cháu phải thay phiên nhau đưa đón rất tốn công sức. Mặc dù lọc máu nhưng cơ thể tôi rất mệt, cả người phù nề, lúc nào cũng thấy chếnh choáng. Suốt ngày chỉ lo chạy thận. Cho đến tết năm ngoái tôi vẫn phải lọc máu như ngày thường".
"Khi biết tin có người hiến thận cho mình, cả gia đình tôi mừng rỡ. Tôi cảm giác như mình được sống lại. Thầm nghĩ tương lai thế này hết khổ rồi" – bà Liên nhớ lại.
Sau khi ca phẫu thuật thành công và biết tin sắp được về ăn Tết, bà Liên và gia đình còn mừng vui hơn. "Xem như ăn Tết vui gấp mất lần. Chỉ cần ghép được thận xem như có Tết rồi" – bà Liên xúc động.
Kể lại những ngày đằng đẵng chờ phẫu thuật, bà Liên cho biết, trong thời gian đó bà mắc thêm bệnh viêm gan C. Phải mất 3 tháng uống thuốc điều trị viêm gan C, bà mới đủ điều kiện ghép thận. Các bác sĩ phải xem xét rất kỹ, việc bà có nhiều bệnh nền nên khi kiểm tra các chỉ số chưa ổn định thì chưa thể phẫu thuật. Thời gian chờ đợi cứ thế kéo dài ra khiến không chỉ bà mà cả gia đình đều sốt ruột.
"Sau đó bác Nghĩa trưởng khoa là người quyết định cho mổ và là người mổ chính khiến tôi vô cùng vui mừng. Trong khoảng từ 3-5 ngày là lúc thận có khả năng đào thải, mấy ngày đầu có hiện tượng đào thải, bác sĩ liên tục thử máu và cho thuốc. Ngày nào các bác sĩ cũng hỏi thăm, không chỉ một hai người mà có khi cả tốp bác sĩ. Rồi các bác còn hướng dẫn cách phục hồi chức năng cho tôi" – bà Liên chia sẻ.
Chị Kim Ngân, con gái của bác Liên đang sửa soạn lại những chiếc áo ấm chuẩn bị ngày mai cho mẹ ra viện xúc động: "Mọi năm nhà tôi ăn tết không được vui vì mẹ bị bệnh. Gia đình ban đầu rất lo lắng, nhưng được các bác sĩ động viện, chúng tôi yên tâm hơn hẳn. Năm nay niềm vui được nhân lên rất nhiều vì mẹ được ghép thận thành công. Cái Tết năm nay chắc sẽ vui hơn với các năm trước".
Nếu như bà Liên đang vui mừng vì ngày mai được ra viện đón Tết cùng gia đình, thì anh Tuấn 45 tuổi vẫn đang hồi hộp chờ đợi ngày ra viện để kịp về Sài Gòn đón Tết.
Bệnh nhân Tuấn năm 45 tuổi, đã từng ghép thận 1 lần tại Trung Quốc từ năm 2003. Sau 16 năm, quả thận của anh có dấu hiệu đào thải, bị nhiễm trùng và phải lấy ra khỏi cơ thể.
Thời điểm đó là lúc đại dịch COVID-19 bùng phát. Bản thân anh Tuấn cũng mắc COVID-19, khi ấy cứ 2 ngày, anh lại tới viện để chạy thận 1 lần, mỗi lần 14 tiếng. Sau hơn 3 năm chờ đợi, anh Tuấn nhận được tin mừng từ Trung tâm Ghép tạng đã có thận phù hợp với anh. Mặc dù việc ghép thận lần 2 khó hơn nhiều so với lần đầu, nhưng may mắn thay ca phẫu thuật của anh đã thành công.
"Ở nhà mọi người rất nôn nóng gọi điện hỏi thường xuyên là khi nào về nhưng tôi vẫn chưa dám trả lời. Bản thân tôi cũng rất mong được về nhà nhưng vì sức khỏe hiện tại vẫn chưa tốt cần tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ và hy vọng trước Tết có thể ra viện. Năm mới tôi không dám nghĩ gì nhiều vì sau khi ghép thận cần tới 3-6 tháng mới ổn định được. Tôi chỉ cố gắng giữ gìn sức khỏe để sớm hồi phục, quay lại với cuộc sống thường ngày" – anh Tuấn tâm sự.
Nếu như những người hiến tạng mang tới "mùa xuân" cho các bệnh nhân chờ ghép tạng, thì các nhân viên y tế được ví như chiếc cầu nối những mùa xuân ấy.
Chia sẻ về những ca bệnh ghép tạng, ThS.BSNT Hoàng Tuấn (Trung tâm Ghép tạng) cho biết các phương pháp kỹ thuật tối ưu nhất cho bệnh nhân được triển khai từ trước, trong và cả sau khi ghép tạng.
Trước ghép phải đánh giá bệnh nhân có những yếu tố nguy cơ nào về tim mạch, thể trạng, mạch máu vùng thận, đánh giá thận của người nhận xem có phù hợp hay không để lường trước được các trường hợp có thể xảy ra trong phẫu thuật.
Trong trường hợp của bệnh nhân Liên, BS Tuấn cho biết: "Bệnh nhân có mạch máu ngắn, chúng tôi phải sử dụng các loại mạch đi kèm hoặc sử dụng các loại mạch lấy từ Ngân hàng mô của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức từ người cho chết não để có thể tạo hình, làm dài mạch máu của người hiến khi ghép vào người nhận được an toàn".
Thông tin thêm về các ca bệnh ghép tạng sau phẫu thuật, BS Tuấn nói: "Sau khi bệnh nhân ghép thận xong sẽ nằm trong phòng cách ly (phòng áp lực âm) từ 3-5 ngày để đảm bảo vô trùng tuyệt đối, tránh lây nhiễm. Chúng tôi phục hồi chức năng sớm cho bệnh nhân giảm các yếu tố nguy cơ cho bệnh nhân (nhiễm trùng vết mổ hay nhiễm trùng trong ổ bụng). Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi qua các chỉ số và xét nghiệm máu hàng ngày cho bệnh nhân, siêu âm định kỳ ngày 1 ngày 2 để phát hiện sớm các biến chứng xảy ra. Nếu có biến chứng chúng tôi sẽ tùy vào mức độ để xử lý như bảo tồn, theo dõi hoặc thực hiện hồi sức cho bệnh nhân".
BS Tuấn cũng cho biết hiện nay với thời đại thông tin 4.0, việc các bệnh nhân suy thận đến xin đánh giá sớm và tìm được nguồn thận sớm có lợi rất nhiều cho sức khỏe của bệnh nhân. Bởi nếu trong trường hợp bệnh nhân ghép thận phải chờ lâu, thời gian lọc máu kéo dài thường sẽ có nhiều yếu tố nguy cơ cho thể chất và tinh thần. Các yếu tố này kéo dài sẽ dẫn tới nguy cơ nhiễm viêm gan B, viêm gan C, da sạm, mạch máu xơ đi, ảnh hưởng đến chức năng tim… Còn khi bệnh nhân được ghép sớm, ghép xong thận sẽ hoạt động này dẫn tới ổn định chức năng thận trong vòng 3-5 ngày. Thay vì phải đi lọc máu liên tục thì chỉ cần dùng thuốc ức chế miễn dịch và hằng ngày tháng đến kiểm tra sức khỏe định kỳ. Sau đó bệnh nhân có thể sinh hoạt, đi lại như người bình thường.
Nhìn lại một năm 2022 đầy thử thách, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng PGS.TS. Nguyễn Quang Nghĩa tâm sự: "Năm qua do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 làm cho số lượng ghép cũng như quy trình ghép tạng bị đảo lộn. Trong năm 2021 và 2020 có xu hướng ghép tạng giảm do giãn cách xã hội và do các yếu tố khách quan từ người việc người hiến, người nhận bị COVID-19. Đồng thời cũng ghi nhận một số bệnh nhân sau khi ghép xong lại nhiễm COVID-19. Điều này khiến cho việc điều trị gặp khó khăn vì sau khi ghép tạng cần dùng thuốc ức chế miễn dịch. Tổng hòa những điều đó, năm 2022 là một năm thách thức đối với Trung tâm Ghép tạng".
Việc số lượng bệnh nhân dồn lại từ các năm trước rất nhiều yêu cầu Trung tâm phải thực hiện nhiệm vụ kép vừa thỏa mãn được nhu cầu ghép tạng lớn vừa đảm bảo an toàn cho người bệnh trước đại dịch. Với một người nhiễm COVID-19 phải sau 4-6 tuần mới có thể thực hiện được ca phẫu thuật thông thường và cần một khoảng thời gian để chờ đợi ghép tạng. Hơn nữa sau khi ghép xong phải có phương án để điều trị và dự phòng để bệnh nhân không bị nhiễm COVID-19 hoặc khi nhiễm rồi thì cần phác đồ điều trị riêng. Chính vì vậy khối lượng công việc tăng lên rất nhiều, các phác đồ điều trị thay đổi liên tục để thích nghi với thực trạng.
Năm vừa qua nguồn cung cấp thuốc cho người bệnh cũng bị gián đoạn, mặc dù vậy năm 2022 với Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nói chung và Trung tâm ghép tạng nói riêng cũng đã có những tín hiệu phát triển rực rỡ, đặc biệt là về mặt số lượng. Tại Bệnh viện đã ghép được 230 trường hợp ghép thận, gần như là đứng đầu trong cả nước. Đây cũng là con số lớn nhất trong 20 năm trở lại đây. Điều đáng mừng là tỷ lệ thành công lên tới 98-99%.
Chia sẻ về những thử thách của Trung tâm Ghép tạng trong năm qua và sắp tới, PGS.TS. Nguyễn Quang Nghĩa cho biết kỹ thuật ghép tạng ở Việt Nam được triển khai từ 2002 đến nay đã tròn 20 năm, đây cũng là thời điểm các tạng ghép có biểu hiện suy, do tạng ghép có thời hạn và không thể tồn tại mãi trong cơ thể. Trung tâm ghép tạng đã triển khai ghép tạng lần 2 cho các bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh nhân ghép thận. Trong năm qua thực hiện được khoảng 20 trường hợp ghép thận lần 2 cho những bệnh nhân đã ghép thận. Những trường hợp này đặc biệt ở chỗ bệnh nhân đã dùng thuốc ức chế miễn dịch một thời gian dài, kỹ thuật ghép tạng lần 2 sẽ khó hơn, thuốc điều trị cũng phức tạp hơn nhiều. Tuy nhiên với kinh nghiệm đã ghép được khoảng 1.400 trường hợp ghép thận, tất cả trường hợp ghép thận lần 2 diễn ra rất suôn sẻ, các bệnh nhân có thể quay lại cuộc sống bình thường. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, các nhóm bệnh nhân nguy cơ cao như bệnh lý tim mạch, người cao tuổi, bệnh nhân có nguy cơ miễn dịch cao… cũng đã được tiến hành ghép tạng, tỷ lệ thành công cao.