Một bệnh nhân họa hoằn chỉ “đón Tết” ở bệnh viện một đôi lần trong đời, nhưng với các y, bác sĩ thì gần như đã là chuyện thường xuyên. Buộc phải quen với những ngày Tết túc trực trong bệnh viện, sẵn sàng cấp cứu bệnh nhân. Với họ, kỳ nghỉ Tết dài cả tuần là điều “xa xỉ”. Đổi lại, niềm vui của các nhân viên y tế trong “kỳ nghỉ Tết” là kịp thời cứu chữa để nhiều người thoát cơn hoạn nạn...
Đường vắng, khoa cấp cứu… đông
Bình thường, khoa cấp cứu ở các bệnh viện đã là “điểm nóng”, thì những ngày Tết, nơi đây lại nóng hơn lúc nào hết. Ở Thủ đô, các bệnh viện: Bạch Mai, Việt Đức, Nhi Trung ương và Phụ sản Trung ương là những nơi không nghỉ Tết; ở các tỉnh, thành phố lớn khác, thì các BVĐK tuyến tỉnh và thành phố cũng đều là “chốn đi về” nhộn nhịp nhất của những bệnh nhân cấp cứu.
Tết ở bệnh viện chỉ có cành đào là khác ngày thường mà thôi.
Ngày Tết, phố xá vắng vẻ, người người đóng cửa ăn Tết nhưng lượng bệnh nhân vào các khoa Cấp cứu, Hồi sức, Chấn thương thậm chí còn gia tăng. Phần lớn bắt nguồn từ rượu bia và thiếu kiêng khem khi vui Tết mà “quên” bệnh tật. Rượu, bia khiến tai nạn giao thông tăng cao ở các tỉnh đổ về bệnh viện tuyến trên. Hơi men cũng mau chóng giúp con người “phóng đại” mọi chuyện nhỏ bé thành nỗi hận thù trong chốc lát và hậu quả của việc dùng tay chân thay lời nói là hàng nghìn vụ ẩu đả khiến hàng nghìn người nhập viện. Ngoài ra là ngộ độc rượu giả hay những người có sẵn bệnh, uống rượu quá đà phải đi cấp cứu.
Các y, bác sĩ, điều dưỡng cấp cứu dịp nghỉ Tết càng phải hoạt động hết công suất. Áp lực hơn không chỉ vì lượng bệnh nhân thường gia tăng hơn, mà còn bởi trong ngày Tết, việc cứu chữa kịp thời hay thành công cho một bệnh nhân luôn mang giá trị, ý nghĩa gấp nhiều lần.
“Áp lực với bác sĩ cấp cứu trong những ngày này rất lớn. Tết là dịp mọi người nghỉ ngơi bên gia đình, các y, bác sĩ và cả sinh viên thực tập lại phải làm việc gấp 2-3 lần bình thường” - một bác sĩ trẻ tại BV Bạch Mai bộc bạch.
BV Sản - Nhi Ninh Bình, một tối ngày Tết vẫn nhộn nhịp không khác ngày thường.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là người có rất nhiều kinh nghiệm trực Tết trong bệnh viện chia sẻ rằng, ngày Tết, cứ bệnh nhân say rượu vào viện thì thường cả hội nhậu say xỉn ùn ùn kéo vào càn quấy. Họ xúm đông xúm đỏ, bàn ra tán vào, “dạy cả bác sĩ cách chữa trị”. Chưa kể người nhà các nạn nhân bị tai nạn vào dịp này thường rất dễ mất bình tĩnh, nổi nóng, cáu gắt, to tiếng... khiến các nhân viên y tế, thầy thuốc càng tăng áp lực nặng nề hơn.
Những thầy thuốc tương lai trực Tết
Bên cạnh những y, bác sĩ đã dày dạn kinh nghiệm trực Tết, còn một bộ phận thầy thuốc trẻ là những sinh viên y khoa cũng hoạt động hết mình trong dịp này. Đón Tết ở bệnh viện là một trong những yêu cầu đối với sinh viên y khoa. Mỗi bệnh viện đều có hàng chục đến cả trăm sinh viên trực Tết, họ được chia quân số ra các phòng và trợ giúp rất nhiều cho thầy thuốc trong các nhiệm vụ theo dõi nhiệt độ, huyết áp, đo điện tim, sơ cứu ban đầu (nẹp, băng bó vết thương, hỗ trợ bệnh nhân chụp Xquang, phụ mổ).
Nguyễn Mạnh Đức (Đại học Y Hà Nội) cho biết, dịp trực Tết bệnh viện vừa qua đã là cơ hội giúp em có thêm rất nhiều kinh nghiệm chăm sóc ban đầu với bệnh nhân cấp cứu, và hơn lúc nào hết, đó là thời điểm để mỗi sinh viên cảm nhận rõ nét không khí khẩn trương, áp lực của bệnh viện.
Ngoài trợ giúp về chuyên môn, các sinh viên y khoa còn là tình nguyện viên chia sẻ, giúp đỡ rất nhiều để đem lại không khí Tết bớt u ám cho bệnh nhân trong viện. Một nhóm các sinh viên nữ (Đại học Y Hà Nội) cho biết, nhóm các em đã nỗ lực để mang đến những hoạt động chia sẻ, ấm áp với những hoàn cảnh khó khăn như chia bánh chưng, mứt, bánh kẹo cho bệnh nhân, tặng quà Tết, động viên tinh thần để bệnh nhân yên tâm điều trị, vui vẻ đón Tết.
Ngày Tết, những ê-kip trực Tết vẫn luôn bận rộn.
Đương nhiên, những thầy thuốc tương lai ấy cũng phải đối mặt, chứng kiến những nỗi buồn của các ca bệnh không qua khỏi, những mất mát sinh mạng vào thời điểm đầu xuân mới luôn khiến họ thấu hiểu sự đau đớn của bệnh nhân và thân nhân hơn ai hết.
Thế nhưng, mọi sự hy sinh đều có ý nghĩa. Niềm vui và nỗi buồn trong thời khắc chuyển giao, những áp lực và không khí khẩn trương chỉ nhằm một mục đích đem nụ cười trở lại trong không gian, thời gian ấy, đủ để khiến bất cứ ai thêm yêu quý cuộc sống, thêm khát vọng để truyền thông điệp đó đến mọi người và thêm nỗ lực trau dồi bản lĩnh thầy thuốc trong tương lai.