Hà Nội

Những người “cầm cân” các gameshow

07-09-2013 10:01 | Văn hóa – Giải trí
google news

Những người cầm cân nảy mực trong các cuộc thi có quyền lực rất lớn bởi quyết định của họ có thể làm thay đổi cả một cuộc đời, một sự nghiệp khi trao vòng nguyệt quế cho người này, trái đắng cho người khác.

Những người cầm cân nảy mực trong các cuộc thi có quyền lực rất lớn bởi quyết định của họ có thể làm thay đổi cả một cuộc đời, một sự nghiệp khi trao vòng nguyệt quế cho người này, trái đắng cho người khác. Có người gọi họ là những vua gameshow. Vì thế, những lùm xùm của họ cũng khiến báo giới tốn không ít giấy mực. Khi mà các chương trình truyền hình thực tế nở rộ thì những giám khảo - những người "cầm cân" các gameshow cũng thi nhau tung ra vô số chiêu trò và dương dương tự đắc vì được thể hiện bản lĩnh của "người nổi tiếng" mà không biết mình chỉ là một trong những con rối trong dàn rối - đang làm đúng theo kịch bản của nhà tổ chức.

Bùng nổ gameshow

Khoảng 5 - 6 năm trở lại đây, khán giả Việt Nam bắt đầu được làm quen với các chương trình truyền hình thực tế và cảm thấy vô cùng thích thú, thoải mái khi được cùng tham gia vào cuộc đua của các thí sinh và được đồng hành cùng các vị giám khảo - người cầm cân nảy mực của các cuộc thi.

Cứ đến cuối tuần là lịch xem các cuộc thi trên tivi dày đặc, nào là Hợp ca tranh tài, Đọ sức âm nhạc, Vietnam’s Got Talent, Bước nhảy hoàn vũ, Giọng hát Việt, Giọng hát Việt nhí, Cặp đôi hoàn hảo, Vietnam’s Next Top Model, Vietnam Idol, Thử thách cùng bước nhảy, Gương mặt thân quen... Có gameshow đến nay mới là chương trình đầu tiên, nhưng cũng có gameshow quay trở lại với khán giả mùa thứ 2, thứ 3, có chương trình là mùa thứ 4: Vietnam’s Got Talent, Cặp đôi hoàn hảo, Bước nhảy hoàn vũ, Vietnam Idol, Vietnam’s Next Top Model. Có một điều dễ nhận thấy là, trong số các chương trình truyền hình thực tế hiện nay thì các cuộc thi ca hát xuất hiện quá nhiều và tràn lan, các format na ná kiểu "con chị, con em" khiến khán giả bắt đầu nhàm chán, thờ ơ với các cuộc thi bởi các tài năng thì tầm tầm như nhau, hiếm có sự bứt phá, thậm chí có những gương mặt chạy sô từ gameshow nọ sang gameshow kia. Thế nên mỗi gameshow mức độ thành công đến đâu, hấp dẫn đến đâu để câu quảng cáo có sự đóng góp không nhỏ của những người "cầm cân".

Những người “cầm cân” các gameshow 1
 Những người "cầm cân" của Bước nhảy hoàn vũ.

Cuộc đua của các giám khảo

Sự xuất hiện ngày càng nhiều các chương trình truyền hình thực tế đã kéo theo sự xuất hiện một đội ngũ giám khảo và đó cũng là một nghề kiếm bội tiền của một số người. Khi mà chương trình The Voice - Giọng hát Việt lần 1 chuẩn bị lên sóng, người ta đồn nhau Ban tổ chức phải trả cát-sê rất khủng mới mời được những ngôi sao hàng đầu của làng ca nhạc thị trường vào ngồi ghế nóng là Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, Thu Minh. Đương nhiên, như một lẽ thông thường, giám khảo phải là người có uy tín trong nghề nghiệp được công chúng mến mộ, có kinh nghiệm, có con mắt xanh để phát hiện và thẩm định tài năng.
 
Thế nhưng than ôi, thời nào nhân tài chả như lá mùa thu. Mời những người có tiếng tăm, đang hoạt động hiệu quả kiểu "đánh Đông dẹp Bắc" để được công chúng nể phục thì họ lại bận, làm không hết việc. Còn mời những người không tên tuổi thì lại không được mọi người "tâm phục khẩu phục". Thế là có người cả đời chỉ quen làm nghề, "ăn không nên đọi, nói chẳng nên lời" bỗng được cất nhắc vào làm giám khảo nên phải cố, phải gồng mình lên với mong muốn đầy tính cầu thị: vai trò của mình phải mang dấu ấn cá nhân mạnh mẽ bằng cách lên giọng dạy đời, thậm chí miệt thị thí sinh hoặc dè bỉu giám khảo khác. Giám khảo truyền hình thực tế khác với giám khảo thông thường, thay vì chấm điểm bằng phiếu kín, bày tỏ nhận định của cá nhân mình một cách kín đáo thì họ phải trình bày nhận xét, đánh giá của mình công khai trực tiếp trước công luận. Về điểm này thì dường như nhiều vị giám khảo gameshow còn bộc lộ sự thiếu cả tâm lẫn tầm và đôi khi hành xử thiếu văn hóa, thậm chí có những chiêu trò lố bịch, rẻ tiền, đến nỗi dư luận có định nghĩa về họ: Giám khảo = Trịch thượng suồng sã vạ miệng.
 
Siêu mẫu Xuân Lan - Giám khảo của Vietnam’s Next Top Model đã đôi lần nhận xét như tát vào mặt thí sinh khiến nhiều thí sinh phải khóc và có thí sinh đã phản ứng bằng những lời lẽ khiếm nhã. Nhà thiết kế Mạnh Cường cũng nhiều lần đưa ra những nhận xét thiếu tôn trọng thí sinh, thóa mạ nghề nghiệp của họ. Ở chương trình Thử thách cùng bước nhảy, giám khảo Tuyết Minh - biên đạo múa chuyên nghiệp có lẽ không quen ăn nói trước đám đông nên nhiều khi cô ta nói mà khán giả chẳng hiểu gì vì những từ ngữ vô nghĩa, chẳng đầu chẳng cuối. 4 vị giám khảo của The Voice lần 1 vốn là những gương mặt đình đám của showbiz Việt, có cá tính nghệ thuật nên ngẫu nhiên lại trở thành những đối thủ trong vai trò giám khảo. Không còn ngấm ngầm mà họ phải cạnh tranh quyết liệt trong từng đêm thi để giành thí sinh cho đội của mình.
 
Những chiêu trò của họ tất nhiên là chiến lược riêng của từng người, nhưng điều khán giả dễ thấy đây là cuộc đua của các vua gameshow trong cùng ghế nóng. Trò mang nhẫn kim cương ra dụ thí sinh cùng lời hứa không tưởng biến thí sinh thành ngôi sao của Đàm Vĩnh Hưng, kiểu "đá xéo" vị giám khảo ngồi cùng ghế nóng của Hồ Ngọc Hà, lối thể hiện thái quá bằng nước mắt và không ngớt lời có cánh với thí sinh của Thu Minh... cũng khiến người xem băn khoăn về chất lượng và phong cách của giám khảo. Những chiếc ghế nóng của The Voice lần 2 cũng luôn là câu chuyện bên bàn trà sau mỗi tối phát sóng. 3 gương mặt mới cũng thuộc loại khủng của showbiz: ca sĩ Hồng Nhung, ca sĩ Mỹ Linh, nhạc sĩ Quốc Trung và gương mặt cũ - ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Vốn có tần suất xuất hiện trước công chúng lớn nên sự dày dạn trước đám đông khiến họ không còn chút e dè đấu khẩu nhau trên ghế nóng. So với các giám khảo của The Voice lần 1, các vị giám khảo của The Voice lần 2 đáo để hơn. Hồng Nhung dám ví định hướng cho thí sinh của đàn anh Đàm Vĩnh Hưng như con cua, hay chua ngoa hơn, chị còn ví Mr.Đàm là ông chủ tiệm spa vì ca sĩ này hứa hẹn sẽ giúp thí sinh có làn da mượt mà và sáng sủa hơn mỗi khi lên sân khấu. Rồi đến lượt Đàm Vĩnh Hưng đá đểu Hồng Nhung, Quốc Trung xỏ xiên Mỹ Linh...
 
Chứng kiến những cuộc khẩu chiến tưng tửng ấy khán giả đâu ngờ chính nhà tổ chức chương trình là người tạo ra khi biết chọn vào một chương trình những giám khảo có tính cách, sở thích khác nhau, là những người thích đề cao cái tôi của mình, khi giám khảo khác khen hay cho điểm cao thì một mình anh ta chê dở cho điểm thấp gây sốc dư luận, thậm chí còn cư xử như một gã hề khi luôn miệng nói về những phần nhạy cảm của thí sinh một cách trần trụi, suồng sã đến vô duyên, làm mất mặt những giám khảo khác. Như vậy sớm muộn những scandal cãi vã giữa họ sẽ xảy ra, đáp ứng được tiêu chí của nhà tổ chức: "Phi scandal bất thành truyền hình thực tế!".
 
Ở các cuộc thi của các môn nghệ thuật chuyên ngành như sân khấu, điện ảnh, ca múa nhạc... người ta vẫn kêu ca về sự già nua của ban giám khảo. Nhưng ở các gameshow truyền hình thực tế, giám khảo đa phần là người trẻ. Già nhất và có tần suất xuất hiện nhiều nhất hiện nay có lẽ là đạo diễn Lê Hoàng. Ai cũng biết ông này là đạo diễn điện ảnh, nhà báo mà sao gameshow ở lĩnh vực nào, từ nhảy múa (Bước nhảy hoàn vũ), ca hát (Cặp đôi hoàn hảo) rồi Người dẫn chương trình truyền hình cũng thấy ông chễm chệ ngồi ghế vua. Đa tài vậy ư hay Việt Nam hết người tài? Còn chính Lê Hoàng thì lại có lần từng than thở: Ngu mới làm giám khảo. Ông bảo: Đứa không thi đỗ nói mình ác, đứa đó trách mình dốt. Còn đứa không thi nói mình vừa dốt vừa ác. Thế nhưng vẫn cứ phải làm vì nếu không sống bằng gì bây giờ... Phải cắn răng mà làm giám khảo. Có người bảo, chỉ vài năm nữa lý lịch trích ngang của Lê Hoàng phải ghi thêm nghề nghiệp: Giám khảo gameshow truyền hình thực tế và "Kẻ giả ngu ăn tiền ở các gameshow".

Giám khảo của Vietnam’s Got Talent lại quá cao giọng khi nhận xét về đủ các loại hình nghệ thuật mà thí sinh thể hiện tài năng. Nhưng nhiều khi họ cứ loanh quanh luẩn quẩn chẳng đi vào trọng điểm cần chê. Chính siêu mẫu Thúy Hạnh - Giám khảo của Vietnam’s Got Talent cũng thừa nhận rằng, sự cả nể kiểu dĩ hòa vi quý khiến chương trình mất đi sự hấp dẫn. Thế nên người xem thấy họ không có chính kiến gì mà chỉ bầu chọn theo cảm tính, cho nên tiếng nói của giám khảo không có trọng lượng gì với khán giả vì gần như thí sinh nào cũng được khen. Bước nhảy hoàn vũ 2013 mùa thứ 3 thiếu vắng kiện tướng dance sport Chí Anh - một giám khảo có nghề, có tâm và chừng mực. Nữ hoàng dance sport xinh đẹp Khánh Thi vẫn ngồi ghế giám khảo ở mùa thứ 3 này, có lẽ muốn tạo hình ảnh mới chăng mà ngồi ghế "quan tòa" vị giám khảo này hai tay luôn chống nạnh đầy kiêu hãnh nhưng thực sự lại gây phản cảm với khán giả...

Cũng còn nhiều điều đáng bàn về các vị vua gameshow, nhưng trên một phương diện nào đó, các show truyền hình đã tạo nên một bức tranh sôi động trong đời sống sinh hoạt văn hóa của xã hội. Chỉ có điều, muốn xây dựng một nền công nghiệp giải trí thực thụ, mỗi khâu đều phải làm chuyên nghiệp, có chất lượng và chủ yếu phải lựa chọn một đội ngũ giám khảo có tâm, có tầm và có đạo đức nghề nghiệp.

Lan Hương


Ý kiến của bạn