Biển cha ông để lại thuộc lãnh hải của ta theo Luật quốc tế đang mùa cá lại bị nước ngoài đơn phương cấm đánh bắt một cách vô lý. Lệnh cấm trên là sự vi phạm chủ quyền quốc gia đã được người phát ngôn Bộ Ngoại giao ta cực lực phản đối cùng những kháng thư gửi Đại sứ quán nước ngoài của Cục Thủy sản, Hội nghề cá và bà con ngư dân.
Chỉ tính riêng trong năm 2010 tại riêng huyện đảo Lý Sơn đã có 4 tàu với 52 ngư dân bị bắt, trong đó có vụ thuyền trưởng Mai Phụng Lưu cùng 9 thuyền viên bị giam giữ tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa suốt 45 ngày, vụ thuyền trưởng Võ Minh Tân cùng 6 thuyền viên không tìm thấy thi thể ngoài quần đảo Hoàng Sa hồi trước Tết năm Tân Mão.
![]() Tàu cá của ngư dân trên biển. |
Từ đầu năm nay cũng tại huyện đảo này đã có 2 tàu đánh cá cùng 16 thuyền viên bị tàu nước ngoài bắt giữ. Vụ mới nhất xảy ra vào ngày 11/5 vừa qua khi tàu nước ngoài tịch thu tài sản, hải sản trên tàu QNg-90016 TS của ông Phạm Hà, xã Bình Châu, tỉnh Quảng Ngãi đang hành nghề tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tàu của ông bị tàu kiểm ngư nước ngoài mang số hiệu 309 đã tiếp cận và khống chế 8 ngư dân trên tàu, thu giữ tài sản, cùng hàng chục tấn cá trị giá trên 200 triệu đồng. Trước đó, ngày 9/5, tàu cá của ông Lê Hớn mang số hiệu QNg-66101TS thuộc xã An Hải, huyện Lý Sơn cũng cùng chung số phận. Khi bị bắt trên tàu có 14 ngư dân đang hành nghề tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa bị hải quân nước ngoài cướp trắng hơn 3 tấn cá, hơn 400 lít dầu, tất cả tài sản bị mất trị giá khoảng 160 triệu đồng.
Cứ mỗi lần gặp “nhân tai” trên biển cả nước mình như thế là tiền bạc, của cải của bà con bị mất trắng để lại bao khó khăn chồng chất. Nhưng lòng tự tôn dân tộc và thái độ đối với chủ quyền quốc gia đã khiến bà con vượt lên tất cả. Họ đúng là những ngư dân - chiến sĩ trong đó có những người như “sói biển” thuyền trưởng Mai Phụng Lưu 4 lần bị bắt giữ, mỗi lần vậy là trắng tay về tài chính, đau đớn về thể xác khiến có lúc ông định giã từ biển cả quê hương để làm bạn với vườn tỏi nhưng tình yêu biển và trách nhiệm công dân lại khiến ông tiếp tục xuống tàu ra khơi.
Những ngư dân - chiến sĩ của chúng ta ra biển lớn vì chủ quyền đất nước và khi gặp nạn thì cả đất nước luôn bên cạnh họ. Không thể coi những vụ “nhân tai” là rủi ro của bà con ngư dân mà đấy là sự vi phạm chủ quyền, xúc phạm đến dân tộc khác của nước ngoài. Đã đến lúc cần có một quỹ hỗ trợ những ngư dân - chiến sĩ gặp nhân tai chỉ cần Chính phủ hoặc UBTW Mặt trận Tổ quốc đứng ra kêu gọi, thành lập. Chắc chắn, đồng bào cả nước từ cụ về hưu đến các doanh nghiệp lớn dẫu đang khó khăn trong thời bão giá cũng sẵn sàng, nhiệt tình, hăng hái tham gia đóng góp. Chưa nói chuyện nhân tai liên quan chủ quyền đất nước, bà con nông dân, diêm dân khi gặp thiên tai, lũ lụt, mất mùa còn nhận được sự chia sẻ của cả nước nữa là.
Các cơ quan hữu quan của Nhà nước cũng cần sát cánh bên những ngư dân - chiến sĩ đang phát triển kinh tế xa bờ và tham gia giữ gìn chủ quyền đất nước. Ngân hàng có thể khoanh nợ nếu những ngư dân - chiến sĩ gặp nạn và tiếp tục cho vay để họ tiếp tục ra biển. Ngành LĐTB&XH, ngành y tế có chính sách đối với những ngư dân chiến sĩ bị thương như những thương binh, họ hy sinh cũng là những liệt sĩ. Chính quyền các địa phương nên chăng tập hợp những ngư dân - chiến sĩ thành những đội tàu đánh bắt chung để hỗ trợ nhau, hải sản bắt được đến đâu đưa về bờ đến đấy và tàu khác luân phiên ra thay. Bên cạnh việc tổ chức những đội tàu nhiều chiếc cũng nên hỗ trợ bà con đóng tàu lớn với trang thiết bị thông tin, định vị đầy đủ, hiệu quả.
Cùng với các đơn vị hải quân, biên phòng, cảnh sát biển, những người ngư dân - chiến sĩ của chúng ta đang hằng ngày tham gia gìn giữ chủ quyền đất nước. Mỗi con người trên biển đảo vì đất nước và đất nước cũng vì mỗi con người ngư dân - chiến sĩ ấy vì những khát vọng hòa bình và lòng tự tôn dân tộc.
Lê Quý Hiền