Trong vòng mười năm gần đây hàng loạt nghệ sĩ tên tuổi của Việt Nam chúng ta đã lần lượt giũ áo bụi trần ra đi vì căn bệnh ung thư quái ác. Họ là, ca sĩ Trần Lập, nghệ sĩ ưu tú Phạm Bằng, nghệ sĩ ưu tú Hán Văn Tình, là nhà viết kịch Thanh Hoàng, v.v… Trên thế giới, cho dù ngành y tế phát triển, vẫn còn rất nhiều sự nghiệp vinh quang của các nghệ sĩ nổi tiếng kết thúc sớm vì ung thư. Dưới đây là một số cái tên như thế - những ngôi sao băng vụt tắt để lại nỗi đau lớn trong lòng khán giả của họ.
Nữ hoàng nhạc soul Aretha Franklin
Trong số những cái tên trong danh sách này thì Aretha Louise Franklin (1942-2018) là nghệ sĩ mất vì ung thư gần đây nhất. Không chỉ dừng lại với việc đoạt 18 giải Grammy, lọt vào trong danh sách “100 danh ca tài năng nhất mọi thời đại” và là nghệ sĩ nữ đầu tiên được đưa vào bảo tàng “Rock and Roll Hall of Fame” ở Mỹ
Nữ hoàng nhạc soul Aretha Franklin qua đời vì ung thư đường ruột
Sự nghiệp kéo dài 62 năm của bà đã đem lại cho Aretha danh hiệu “Nữ hoàng nhạc Soul” nhờ các tác phẩm đi mãi trong lòng khán giả như “I Never Loved a Man the Way I Love You”, “Soul Lady”, “Young, Gifted & Black”,v.v...
Aretha Franklin mất ngày 16 tháng 8 năm 2018 do ung thư đường ruột.
"Điệp viên 007" Roger Moore
Sau minh tinh Sean Connery, có thể coi Roger George Moore (1927-2017) là diễn viên đảm nhận vai 007 thành công nhất từ trước đến nay. Sinh ra trong một gia đình trung lưu nghèo, nhờ tài năng và sự hấp dẫn bẩm sinh của mình mà ông đã trở thành một tượng đài của ngành điện ảnh nước Anh.
"Điệp viên 007" Roger Moore qua đời do ung thư gan và phổi
Khán giả nhớ nhất về hình ảnh một quý ông lịch lãm, sang trọng, thông minh, quyết đoán, và đầy quyến rũ. Ngoài công việc, Roger Moore còn tham gia nhiều hoạt động xã hội khác nhau, trong đó có vai trò Đại sứ thiện chí của UNICEF. Nhờ vào sự nghiệp diễn xuất và từ thiện của mình mà ông được nữ hoàng Anh phong tước hiệp sĩ vào năm 2003.
Roger Moore mất vào ngày 23 tháng 5 năm 2017 do ung thư gan và phổi.
"Ông vua của giọng nam cao" opera Luciano Pavarotti
Tuy cái tên của Luciano Pavarotti (1935-2007) có thể còn xa lạ với nhiều người, nhưng chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã có cơ hội bắt gặp hay thậm chí được thưởng thức một trích đoạn trong bài hát O Sole Mio được ông biểu diễn.
Luciano Pavarotti, ông vua của dòng nhạc opera qua đời vì ung thư tuyến tụy
Được coi là “ông vua của giọng nam cao”, sự nghiệp biểu diễn Opera của Luciano kéo dài 52 năm và gắn với một trong những giai đoạn nhiều biến động nhất của bộ môn nghệ thuật này. Ông là người đã có công lớn trong việc đưa Opera lên truyền hình để đến với đông đảo khán giả, từ đó hồi sinh sự quan tâm của công chúng với Opera. Đồng thời, cùng với hai danh ca opera khác là Plácido Domingo và José Carreras, Pavarotti đã cho xuất bản album âm nhạc thính phòng bán chạy nhất mọi thời đại.
Ông mất ngày mồng 6 tháng 6 năm 2007 do bị ung thư tuyến tụy.
Alan Rickman, minh tinh phim Die Hard & Harry Potter
Có những nghệ sĩ suốt cả sự nghiệp của mình cho ra lò hàng loạt các tác phẩm ăn khách này đến tác phẩm đình đám khác. Nhưng lại có những con người chỉ được biết đến duy nhất bởi một tác phẩm, nhưng nó lại được khán giả nhớ mãi. Alan Sidney Patrick Rickman (1946-2016) thuộc về nhóm nghệ sĩ thứ hai. Khởi nghiệp với tư cách một diễn viên cho Sân khấu Kịch nói Hoàng gia Shakespear, Alan Rickman sớm nổi danh với những vai phản diện.
Alan Rickman thủ vai Giáo sư Snape trong phim Harry Potter
Thế nhưng, vai diễn Hans Gruber trong bộ phim “Die Hard” mới là lý do để Rickman được biết đến nhiều hơn với tư cách ngôi sao màn bạc. Bất kỳ khán giả nào đã từng thưởng thức bộ phim đều bị ấn tượng mạnh bởi hình tượng tên khủng bố người Đức lịch lãm, sang trọng nhưng không kém phần tàn nhẫn và mưu mô. Sau đó, Rickman tiếp tục tham gia diễn xuất kịch nói và điện ảnh trước khi đảm nhận vai Giáo sư Snape trong series phim Harry Potter, vai diễn đã đẩy sự nghiệp của ông lên một tầm cao mới.
Alan Rickman mất vào ngày 14 tháng 1 năm 2016 cũng vì ung thư tuyến tụy.
Frank Sinatra, nghệ sĩ của thế kỷ 20
Thật khó có thể tưởng tượng nổi một cái tên ca sĩ nổi tiếng hơn ở Mỹ vào giữa thế kỷ 20 hơn Francis Albert Sinatra (1915-1988). Ông là nghệ sĩ nhạc Jazz đầu tiên với 150 triệu ấn bản cho tất cả các album trong sự nghiệp của mình, trong đó riêng single của ca khúc “Fly Me to the Moon”, tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, đã bán được hơn 5 triệu bản.
Giọng ca vàng Frank Sinatra qua đời năm 1988 vì ung thư bàng quang
Các bộ phim mà ông tham gia diễn xuất như “From Here to Enternity”, “The Manchurian Candidate”, “Ocean's 11”,v.v…cũng nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của cả khán giả lẫn giới phê bình.
Danh tiếng của ông lớn đến nỗi sau khi tổng thống John F. Kennedy làm phật lòng Sinatra và khiến ông chuyển sang Đảng Cộng hòa, Đảng Dân chủ nhiều năm sau mất chức tổng thống vào tay Ronald Reagan, ứng cử viên của Đảng Cộng hòa và bạn cũ của Sinatra.
Frank Sinatra mất ngày 14 tháng 5 năm 1998 vì ung thư bàng quang.
H. P. Lovecraft, cha đẻ của tiểu thuyết kinh dị hiện đại
Howard Phillips Lovecraft (1890-1937), được độc giả biết đến dưới bút danh H. P. Lovecraft, là cha đẻ của thể loại tiểu thuyết kinh dị hiện đại và một trong những cái tên lớn nhất trong nền văn học Mỹ hồi đầu thế kỷ 20.
Cha đẻ của tiểu thuyết kinh dị hiện đại Howard Phillips Lovecraft
Từ khi mới 6 tuổi, Lovecraft đã bắt đầu sáng tác, và đến năm 24 tuổi thì cho xuất bản tác phẩm đầu tiên. Thật khó có thể đo đếm được ảnh hưởng của hàng chục tác phẩm của Lovecraft, trong đó có những tuyệt tác như “The Call of Cthulhu”, “At the Mountains of Madness” và “The Shadow over Innsmouth”, lên cả một thế hệ những đại văn hào trong thể loại kinh dị và khoa học viễn tưởng. Việc nghiên cứu Lovecraft và sáng tác của ông thậm chí vẫn còn tiếp tục đến thời điểm hiện tại.
H. P. Lovecraft mất ngày 13 tháng 5 năm 1937 do ung thư đường ruột.