Bắt đầu lên sóng từ 6/4 vào khung giờ vàng tối thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần trên kênh VTV1, bộ phim truyền hình Những ngày không quên (40 tập) của đạo diễn Nguyễn Danh Dũng và Trịnh Lê Phong được ví như một món ăn tinh thần bổ ích, vừa có tính thời sự, vừa có tính định hướng tuyên truyền người dân cùng chung tay và nâng cao nhận thức đẩy lùi COVID-19.
Những ngày không quên là một sáng kiến bởi sự pha trộn giữa dàn diễn viên của hai bộ phim truyền hình ăn khách gần đây, đó là Về nhà đi con và Cô gái nhà người ta. Không gian, bối cảnh và dàn diễn viên của hai bộ phim quy tụ về Những ngày không quên, cùng lúc khán giả được gặp lại “ông bố quốc dân” tên Sơn do NSND Trung Anh thủ vai, cùng các nhân vật Vũ, Thư, Quốc, Huệ, Đào, Mận, Cân, Khoa, Uyên... Dẫu vậy, sức hút của Những ngày không quên ở chỗ, phim tái hiện đời sống hai không gian điển hình thành phố và nông thôn của Việt Nam khi dịch bệnh bỗng dưng ập đến.
Cảnh trong phim Những ngày không quên.
Gia đình ông Sơn và cả nhân dân làng Yên lần lượt chứng kiến những biến đổi của cuộc sống, khi dịch COVID-19 hoành hành. Biến cố đầu tiên đến từ việc ông Sơn cùng gia đình trong lần về quê làng Yên giỗ tổ thì làng có người nhiễm bệnh đi ngang qua, khiến làng bị cách ly. Ông Sơn và các con không thể về nhà, trong khi đó, Vũ thì nằm ở vùng dịch châu Âu không thể bay về. Quốc vừa bay từ nước ngoài về đã bị cách ly và đang trong sự hiểu lầm với một mối quan hệ ngoài luồng với người phụ nữ khác. Ở làng Yên, Khoa với Uyên dự định đám cưới thì phải hoãn vì đại dịch diễn ra, ông Bá trở thành loa phát ngôn mẫn cán với những thông tin về COVID-19...
Trong diễn tiến tình cảm phức tạp của các mối quan hệ thì những vấn đề nhức nhối của xã hội đều được đề cập trong Những ngày không quên, đó là: Đổ xô đi tích trữ thực phẩm, găm hàng, tăng giá, tin giả, trốn cách ly... Tuy nhiên, theo cảm nhận của khán giả Những ngày không quên làm nổi lên câu chuyện về tình người, về ý thức trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng, về sự đoàn kết và chung tay, câu chuyện về sự tri ân với những lực lượng tuyến đầu được chuyển tải trong phim rất sống động, gần gũi và chân thực.
Tính đến thời điểm hiện tại Những ngày không quên là bộ phim truyền hình và là tác phẩm điện ảnh đầu tiên có chủ đề về tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 tại nước ta. Các chi tiết trong phim, từ lời nói đến hành động của các nhân vật đều lan tỏa đi thông điệp tới khán giả: Tin tưởng vào các biện pháp phòng chống dịch của Chính phủ, tuân thủ các khuyến cáo của Bộ Y tế và cơ quan chức năng (thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, ra đường đeo khẩu trang, giữ khoảng cách người với người 2m, tránh tụ tập đông người, không tích trữ lương thực, không đầu cơ tăng giá các mặt hàng y tế...).
Bình thường các quy định, khuyến cáo bị cho là khô khan, khuôn mẫu nhưng khi đưa vào phim, các khuyến cáo, tuyên truyền trong công tác chống dịch trở nên hấp dẫn, đi vào lòng người hơn vì đã qua bộ lọc, sự trưng cất của ngôn ngữ nghệ thuật thứ bảy. Ngồi trước màn ảnh nhỏ và theo dõi Những ngày không quên, mỗi khán giả sẽ thấy hình ảnh của mình trong phim. Từ đó, trách nhiệm chung tay chống dịch của mỗi khán giả, mỗi gia đình trong thời gian đang “giãn cách xã hội” sẽ càng trở nên ý nghĩa, hiệu quả hơn bao giờ hết. Theo NSƯT Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình (Đài Truyền hình Việt Nam), bộ phim này đi đến đích cuối cùng là làm nổi bật câu chuyện về tình người, ý thức trách nhiệm với cộng đồng, lan tỏa năng lượng tích cực, kết nối cộng đồng để cùng vượt qua dịch bệnh. Bên cạnh đó, Những ngày không quên cũng là lời tri ân với những lực lượng tuyến đầu đang ngày đêm căng mình chống dịch.
Thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, thì việc Những ngày không quên xuất hiện trên sóng truyền hình sẽ góp phần ngăn chặn và đẩy lùi một số hành vi chưa chuẩn mực. Điều này thực sự cần thiết để Việt Nam sớm dẹp “giặc” COVID-19, đưa cuộc sống yên bình trở lại...