Gặp ông Hoàng Văn Huê (56 tuổi) trú tại làng Na, thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đang cặm cụi xếp lại đống áo phao rồi lau chùi những hàng ghế mà từ lâu đã để trống chưa có khách ngồi. Có nét buồn trên khuôn mặt in hằn dấu vết của thời gian, người đàn ông ấy kể về những ngày còn "ăn nên, làm ra".
Có thâm niên hơn 20 năm làm phu thuyền tại bến, ông Huê được xem là bậc lão làng. Hồi tưởng, năm 1999 ông Huê sắm được chiếc thuyền đánh cá, sau cải tạo lại để chở khách. Thời ấy, thu nhập khoảng 45.000 đồng/chuyến, là mức thu nhập mơ ước của nhiều người lúc bấy giờ.
Năm 2016, với số tiền tích góp được ông Huê vay mượn thêm để đầu tư đóng chiếc thuyền mới lớn và an toàn hơn. Thuyền có đầy đủ ghế ngồi, mái che và bảo đảm tiêu chuẩn an toàn khi chở khách tham quan.
"Mấy năm trước khách nhiều, chạy toát mồ hôi, cơm còn không kịp ăn. Nếu khách cứ nườm nượp lui thì chẳng bao lâu gia đình tui thu hồi vốn. Nhưng dịch bệnh đến rồi kéo dài như rứa, khách ít đi nên mỗi tháng tui chỉ mong được 5-7 chuyến, kiếm ít đồng rau cháo qua ngày là mừng rồi", ông Huê cho biết.
Theo ông Huê thì cùng kì năm ngoái, dù dịch COVID-19 đã hoành hành nhưng thi thoảng cũng có đoàn khách nên cứ vài hôm thuyền ông cũng được phân công một chuyến chở khách. Nay số chuyến chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Không có tiền, công việc ngày có ngày không, gia đình 6 người của ông Huê phải sống dựa vào mảnh ruộng nhỏ và khoảnh vườn lâu nay chi chít cỏ dại sau nhà. Chưa lúc nào gia đình rơi vào cảnh éo le như hiện tại.
Bà Nguyễn Thị Lý (43 tuổi) trú làng Na, một người đồng nghiệp và đồng cảnh ngộ với ông Huê cho biết người dân ở đây chủ yếu sống dựa vào việc chở khách.
"Ban đầu, khi dịch mới bùng phát, công việc ít nhưng vẫn có khách để đưa đón. Thu nhập đủ mua bó rau, con cá. Ai cũng hy vọng sang năm 2022 mọi chuyện sẽ tốt hơn. Nhưng đâu ngờ Tết xong, dịch bùng lên mạnh hơn, những người như tôi cảm giác ngồi trên lửa", bà Lý chia sẻ.
Không có việc làm hàng trăm lao động ở làng Na dứt áo vào miền Nam làm thuê kiếm tiền trả nợ. Con cái ở nhà cần tiền ăn học, cha mẹ già cần được chăm sóc, áp lực của những lao động nghèo ở làng Na theo đó cũng nặng nề hơn.
Hàng chục năm qua, thuyền của người dân làng Na chưa bao giờ phải nằm bến dài ngày cùng lúc như hiện nay. Ước muốn lớn nhất của những lái thuyền nơi đây là dịch bệnh sớm qua, du khách lại nườm nượp tìm về tham quan.
Ông Hoàng Minh Thắng, Giám đốc Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết những thuyền viên chủ yếu là diện hợp tác với đơn vị này. Nguồn thu nhập chính của họ đến từ việc chở khách du lịch tham quan. Không có khách đồng nghĩa với không có tiền để trang trải cuộc sống hằng ngày.
Để giúp đỡ các lái thuyền, Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng đã tìm cách điều phối thuyền một cách phù hợp, bảo đảm gia đình nào cũng có thu nhập trong mùa dịch. Tuy nhiên, nhiều thời điểm vắng tanh, không có khách để điều phối.
"Bây giờ du khách cũng không còn e ngại như trước. Quảng Bình cũng đã tiến hành nhiều biện pháp để kích cầu du lịch, du khách đến tham quan thích ứng, an toàn và linh hoạt. Kỳ vọng mùa hè này du khách dần quay lại Phong Nha. Lúc ấy các thuyền viên sẽ có công ăn việc làm. Việc điều phối thuyền chở khách tham quan sẽ được cân nhắc kỹ càng, bảo đảm ai cũng có chuyến, không bỏ sót người nào", ông Thắng cho biết.