Những ngày đi thực tập

06-10-2016 16:40 | Y tế
google news

SKĐS - Vậy là đã qua hơn nửa các bộ môn chuyên khoa lẻ nội: phục hồi chức năng, lao, truyền nhiễm, thần kinh, còn lại là tâm thần và đông y.

Vậy là đã qua hơn nửa các bộ môn chuyên khoa lẻ nội: phục hồi chức năng, lao, truyền nhiễm, thần kinh, còn lại là tâm thần và đông y. Mỗi chuyên khoa lẻ như một chân trời kiến thức và kỹ năng mới, càng học càng vỡ ra nhiều điều, điều vỡ be bét nhất là mình ngộ ra sự đúng đắn của câu: “Biển học vô biên - quay đầu lại vẫn trên bờ”. Cổ nhân từng bảo: “Sự học như bơi thuyền ngược nước, không tiến ắt phải lùi”; tự ngẫm thì có lẽ mình đã nhảy khỏi thuyền, uống no một bụng nước rồi lềnh phềnh khá lâu rồi… trôi… trôi… trôi…

Đợt học truyền nhiễm, thỉnh thoảng có sáng lười ăn chăm ngủ, đến viện với cái dạ dày “suy dinh dưỡng” và cái đầu bằng “đất”. Các thầy cô nhiệt tình “khai hoang trồng trọt” trên những bộ não đầy chất xam xám của lũ học trò. Ai cũng chăm chỉ nghe giảng rồi thi nhau hùng hục “mài đầu” vào thành giường bệnh với hy vọng có thêm chút nếp nhăn. Trưa của những sáng như thế thường về nhà vào lúc 12h30, cặp mắt vàng như viêm gan vì nhớ gạo, bao nhiêu lần quên không báo bố mẹ nấu thêm cơm là bấy nhiều lần “chú chó cưng” đành ngậm ngùi nhịn đói, rõ là thương lắm (!).

Sinh viên Trường cao đẳng Y tế Phú Yên trong giờ thực hành.

Ngày cuối tại bộ môn, cứ mỗi 2 sinh viên bốc thăm 1 bệnh nhân, khám và làm bệnh án để thi vấn đáp. Mình tiếp xúc với bệnh nhân HIV/AIDS - nữ bệnh nhân người dân tộc ấy còn rất trẻ, không nói được nhiều vì nấm họng và viêm loét miệng, quá trình thăm khám diễn ra phần lớn trong yên lặng. Chị luôn chăm chú nhìn hai đồng chí sinh viên với áo blouse trắng, cái nhìn chất chứa một cảm xúc lạ, cho tới giờ mình vẫn chưa thể cắt nghĩa. Chỉ biết đôi mắt ấy buồn nhưng đẹp, yếu mệt nhưng phảng phất khát vọng sống mãnh liệt của cây cỏ và suối nguồn. Căn bệnh không phải lỗi của chị, nó là số phận chị. Chợt giật mình tự hỏi: “Mình sẽ còn gặp bao nhiêu cái gọi là số phận như vậy nữa?”.

Bệnh án được làm khá suôn sẻ cho tới phần cuối cùng: Tiên lượng bệnh. Nếu viêm gan virus A, bệnh nhân có thể viêm gan cấp nặng nhưng điều trị tốt sẽ giảm tối thiểu tổn thương gan và không bao giờ trở thành mạn tính. Tiên lượng gần: tốt xấu tùy bệnh nhân, tiên lượng xa: nếu điều trị khỏi sẽ là tốt. Bệnh nhân HIV/AIDS này tiên lượng gần và xa thế nào đây? Anh bạn cùng tổ có câu trả lời trước mình: “Theo tao, tiên lượng gần là đất, tiên lượng xa là trời, tóm lại là gần đất - xa trời”. Đúng và khúc triết, mình phục hắn thông minh, hai đứa cùng bật cười - một thoáng buồn chợt lóe.

Truyền nhiễm để lại trong mình đôi điều “nho nhỏ” ấy, cũng đã hơn 3 tuần, vừa qua thêm Thần kinh, giờ sẽ là Tâm thần thẳng tiến, lại thử thách và hy vọng, kiến thức và kỹ năng, lý thuyết và lâm sàng, não mịn và giấc mơ về những nếp nhăn "anh đã mơ về nếp nhăn và những rãnh cuộn..." - trích “Bức thư tình đầu tiên”.

Hôm nay làm việc ở phòng khám thai. Một phụ nữ mặc đồ nhà chùa đi vào, hỏi nhân viên đường sang phòng khám phụ khoa. Sau khi người đó đi khỏi, mấy bạn trong phòng bắt đầu xì xầm... Thấy thế, mình cũng tham gia vào câu chuyện. Quay sang bác nhân viên bên cạnh, mình nói với âm lượng đủ để... nửa phòng nghe thấy:

- Theo cháu thì chưa thể đánh giá người ta vội, thiếu gì lí do khám phụ khoa. Vệ sinh không đúng cách chẳng hạn, viêm đầy!

- Ừ, thì đúng rồi... Và thế là cả phòng lại im lặng, ai vào việc nấy... Nhớ là đừng đánh giá mọi thứ vội vàng nhé!

Thằng bạn đang ghi bệnh án thì thào: “Em đi khám bệnh ở chùa thấy các ni bị rối loạn kinh nguyệt, u xơ tử cung hay u nang buồng trứng cũng không phải ít.  Có nhiều người cũng có chồng, có con rồi mới đi tu mà”. Thấy đề tài cũng hay, chắc nhiều người quan tâm, mình chợt nảy ra ý tưởng đề xuất nghiên cứu: Ảnh hưởng của việc không quan hệ tình dục tới tỷ lệ mắc bệnh u xơ tử cung ở phụ nữ. Giả thuyết cần kiểm chứng là lấy chồng sẽ giúp giảm nguy cơ! Nghiên cứu trên hai nhóm, nhóm nghiên cứu lấy từ các ni, nhóm chứng là phụ nữ bình thường. Ý tưởng chưa hoàn thiện, mai phải hỏi thầy mới được!

Một buổi chiều cuối tuần mưa rơi. Có một bác 58 tuổi quê ở Nam Định, diện hộ nghèo lên Hà Nội khám. Ngồi làm trắc nghiệm ở phòng trắc nghiệm tâm lý cho bác vì có tuổi nên mất khá lâu thời gian. Ngoài cửa có một bà cụ khá già lão, đi đôi ủng, xách theo một tải đồ cứ thập thò. Cứ ngỡ bà cụ đi khám thì hỏi ra cụ là mẹ của bác 58 tuổi mà mình đang khám. Mình hỏi cụ thế các con các cháu đâu thì cụ bảo: "Chúng nó bận hết rồi. Tôi phải đưa thằng con đi khám chứ không yên tâm!". Rồi nhìn cái cách cụ lo lắng, giục các cô các chú làm nhanh cho tôi với rồi hỏi xem có cho con cụ chụp chiếu được gì không! Và nhận được kết quả rồi, vẫn thấy bà cụ ngồi ngoài đợi. Ra hỏi bà thấy bà ngó nghiêng bảo: "Không biết thằng con tôi nó đi đâu ấy, tôi chả thấy nó đâu cả!". Rồi thấy bác ấy lững thững đi từ nhà vệ sinh ra. Lúc ấy đã 4h30, sắp hết giờ khám. Mình bảo bác đi ra nhanh kẻo hết giờ xe. Bác ấy vẫn chưa hiểu hết chỉ dẫn rồi cái cách bà cụ tranh với con để xách túi đồ và giục giã người con nhanh lên. Thế đấy, mẹ gần 90 còn đưa con ra tận Hà Nội chữa bệnh. Có thế ta mới thấy tình thương của người mẹ dành cho con lớn như thế nào!


Lê Đức Anh
Ý kiến của bạn