Hà Nội

Những ngày dài xa chồng con của nữ cán bộ y tế để cùng người dân TP HCM đẩy lùi COVID

01-02-2022 22:13 | Y tế

SKĐS - Với trách nhiệm của một người làm trong lĩnh vực y tế và tình yêu thương dành cho bệnh nhân, chị Trà đã có chuỗi ngày dài cùng TP. Hồ Chí Minh chống dịch. Hai người con đang tuổi trưởng thành vắng bóng mẹ chính là sự lo lắng lớn nhất với người phụ nữ mạnh mẽ khi vào tâm dịch.

Tất cả vì những người bệnh

Sau hơn 3 tháng sát cánh cùng các "chiến sĩ áo trắng" thực hiện nhiệm vụ cứu chữa những bệnh nhân mắc COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh, chị Nguyễn Thị Thanh Trà, Hộ sinh Trưởng, Khoa Phụ Khoa Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) trở về quê trong sự hân hoan chào đón của người thân, bạn bè.

Những ngày xa chồng con của nữ cán bộ y tế để cùng người dân TP. Hồ Chí Minh đẩy lùi COVID - Ảnh 1.

Sau hơn 3 tháng sát cánh cùng các “chiến sĩ áo trắng” tại TP. Hồ Chí Minh, chị Nguyễn Thị Thanh Trà cùng đồng nghiệp trở về quê trong sự chào đón của người thân, đồng nghiệp (ảnh: NVCC).

Gặp chị tại tư gia sau thời gian cách ly y tế theo quy định, PV Báo Sức khỏe & Đời sống được nghe chị chia sẻ về những kỷ niệm khó quên trong quãng thời gian đồng hành cùng "đồng đội" nỗ lực hết mình vì sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân.

Nói về những ngày trước khi vào tâm dịch, với trách nhiệm của một người công tác trong lĩnh vực y tế cùng với đó là tình thương dành cho những người bệnh đang cần chị góp sức để dành dật sự sống. Chị Trà cùng nhiều đồng nghiệp đã nhanh chóng gửi những lá đơn với nội dung tình nguyện vào TP. Hồ Chí Minh chống dịch cứu người.

Khi hay tin chị Trà sẽ vào miền Nam thực hiện nhiệm vụ tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế tại quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh, biết không thể ngăn cản vì chị đã quyết tâm đi để giúp đỡ đồng đội và người bệnh, người thân và bạn bè đã gửi những lời dặn dò và động viên. Sau khi thu xếp việc gia đình và bàn giao lại công việc ở cơ quan chị cùng những đồng nghiệp lên đường thực hiện nhiệm vụ cao cả.

Những ngày xa chồng con của nữ cán bộ y tế để cùng người dân TP. Hồ Chí Minh đẩy lùi COVID - Ảnh 2.

Chị Trà hỏi han, chăm sóc bệnh nhân COVID-19.

Bước vào vùng tâm dịch với những sự bỡ ngỡ, lo lắng ban đầu, chị Trà luôn tự động viên bản thân và tâm tự cùng đồng nghiệp để có được tâm lý vững vàng, sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ. Trong quãng thời gian đó, chị tiếp xúc với nhiều cán bộ y tế, tình nguyện viên, bệnh nhân... thấy được câu chuyện và hiểu sự hy sinh, cống hiến và mất mát mà nguyên do là vì đại dịch COVID-19.

Khi được hỏi về những vất vả trong thời gian tham gia chống dịch, chị Trà không kể quá nhiều vì chị nghĩ chắc hẳn mọi người đã chấp nhận vào "tâm dịch" đều vất vả và nỗ lực rất nhiều.

Những kỷ niệm mà chị có được trong thời gian đó với chị Trà luôn đáng nhớ, nhưng chị vẫn ám ảnh với hình ảnh một bệnh nhân nhỏ tuổi có triệu chứng nhẹ hồn nhiên hỏi chị "Các cô chú có thể cố gắng hơn để cứu ba cháu được không ?". Câu hỏi của đứa nhỏ làm tim chị như thắt lại bởi chị biết toàn bộ lực lượng chống dịch đã nỗ lực hết mình để cứu chữa cho người ba của cháu. Nhưng với những biến chứng nặng người ba ấy đành phải xa đứa con nhỏ mãi mãi. Nước mắt chị lén chảy xuống khi nghĩ về những đứa con ở quê nhà và những điều "chẳng may" đến với mình thì các con sẽ buồn biết bao nhiêu.

Những ngày dài xa chồng con của nữ cán bộ y tế để cùng người dân TP. Hồ Chí Minh đẩy lùi COVID - Ảnh 3.

Để xua đi những căng thẳng sau thời gian dài làm nhiệm vụ, chị Trà rủ đồng nghiệp chụp hình làm kỷ niệm.

"Nhìn đứa nhỏ hồn nhiên cầu xin sự giúp đỡ cho bà mình, tôi thấy thương vô cùng. Nước mắt cứ rơi vậy dù cố không khóc vì cũng làm ba mẹ, mình hiểu được các con sẽ rất buồn khi mất đi người thân. Cố nén không khóc mình mới động viên, chia sẻ để cháu không vì sự ra đi của ba mà bị khủng hoảng tâm lý, tiếp tục có động lực để chiến thắng COVID-19", chị Trà tâm sự.

Tiếp đó là câu chuyện về cặp vợ chồng không có cơ hội nói lời vĩnh biệt dù khoảng cách về không gian đã là rất gần. Hình ảnh người đàn ông phải đứng từ xa nhìn người vợ dưới lớp vải trắng lãnh lẽo, đau đớn khi vợ đã rời xa mình mãi mãi trong hoàn cảnh quá trớ trêu.

Nén những đau thương và suy nghĩ tiêu cực, với trách nhiệm là điều phối viên, chị Trà phải tận tình giải thích, động viên và chia sẻ cùng những bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, để sự đau thương mất mát không đánh gục họ.

"Khi chứng kiến những câu chuyện đó mình cảm thấy rất buồn, dù biết mọi người đã nỗ lực hết mình nhưng luôn mong có những điều diệu kì xảy ra. Tiếng máy móc kêu từng nhịp như dục dã mình và đồng nghiệp phải nhanh chóng hơn làm mọi điều để mạng sống của bệnh nhân được đảm bảo", chị Trà chia sẻ.

Chứng kiến những câu chuyện trong đại dịch, không nỡ rời tâm dịch khi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Khi những "đồng đội" đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trở về trong sự chào đón của mọi người thì chị Trà cùng một số đồng nghiệp vẫn xin ở lại cùng TP. Hồ Chí Minh nhằm giúp đỡ nhiều hơn lực lượng chống dịch và bệnh nhân.

Những ngày dài xa chồng con của nữ cán bộ y tế để cùng người dân TP. Hồ Chí Minh đẩy lùi COVID - Ảnh 4.

Trở lại đơn vị sau chuỗi ngày dài vắng mặt, Trưởng Hộ sinh Thanh Trà nhận được sự chào đón nồng nhiệt.

"Tôi cùng đồng nghiệp tiếp tục ở lại là vì tình yêu thương dành cho những bệnh nhân. Tuy có khó khăn nhưng với sự động viên từ người thân và bạn bè thì lại có thêm động lực để cố gắng. Mong rằng dịch bệnh sẽ sớm qua đi để chúng tôi lại được về bên người thân", chị Trà cho biết.

Nén lòng dặn con tự chăm sóc bản thân và nỗi lo lắng từ tâm dịch

Khi lên đường vào TP. Hồ Chí Minh chống dịch, chị Trà không chỉ lo lắng về sự nguy hiểm của dịch bệnh mà còn lo lắng cho 2 đứa con khi mẹ vào Nam chống dịch còn ba thường xuyên vắng nhà để thực hiện nhiệm vụ của người lính biên phòng.

"Cháu đầu năm nay học lớp 11 còn cháu sau học lớp 9. Cả hai đang trong độ tuổi nhạy cảm cần có ba mẹ ở bên chăm sóc, bảo ban và định hướng để hoàn thiện tư duy và nhân cách. Nhưng vì trách nhiệm với công việc và tình thương dành cho đồng bào nên phải nén lòng dặn các con phải chăm ngoan, tự bảo ban, chăm sóc nhau trong thời gian mẹ vắng nhà", chị Trà chia sẻ.

Những ngày dài xa chồng con của nữ cán bộ y tế để cùng người dân TP. Hồ Chí Minh đẩy lùi COVID - Ảnh 5.

Ước mơ cùng gia đình sum vầy đã được thực hiện sau chuỗi ngày dài vào Nam chống dịch.

Có những lần trong những cuộc gọi từ tâm dịch, chị Trà cảm thấy buồn và lo lắng bởi vì con có những suy nghĩ chưa phù hợp. Khi đó, chị phải dành ra thời gian nghỉ ngơi quý giá để tâm sự và định hướng cho con. Khi các con đã có cách nhìn nhận và hướng xử lý đúng chị lại kể cho các con nghe những câu chuyện về bệnh nhân mắc COVID-19, những "đồng đội" đang cùng mẹ chống dịch. Chị mong muốn các con hiểu được lý do mẹ phải tạm xa các con để tình nguyện vào tâm dịch TP. Hồ Chí Minh chống dịch.

Khi hiểu được những vất vả và sự đóng góp của mẹ, cháu Nguyễn Thùy Trinh (con gái chị Trà) lại thương mẹ, gửi lời động viên và hứa sẽ cùng em trai cố gắng hơn không để ba mẹ lo lắng: "Có những lúc cần mẹ để tâm sự và xin lời khuyên trước khi quyết định nhưng mẹ đang ở miền Nam chống dịch nên em thấy buồn. Nhưng mẹ thường xuyên có những cuộc gọi dài để tâm sự, em hiểu được mẹ và ba đang vất vả vì nhiệm vụ nên thương ba mẹ hơn và quyết không để ba mẹ lo lắng".

Anh Nguyễn Ngọc Triều (chồng chị Trà) với trách nhiệm của một quân nhân cũng luôn dành hết thời gian rảnh để về nhà chăm sóc, bảo ban con cái, giúp vợ an tâm chống dịch. Việc người thân, xóm giềng hỗ trợ quan tâm chăm sóc hai con cũng giúp chị Trà an tâm hơn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại tâm dịch.

"Ở tâm dịch cũng thương chồng lắm, hết mình thực hiện nhiệm vụ của đơn vị khi rảnh rỗi lại dành hết cho việc chăm sóc con. Cũng vì ở xa không thể luôn tâm sự chia sẻ cùng con nên mình đã nhờ cô giáo chỉ bảo, định hướng cho con, bởi cô đúng nghĩa là "người mẹ thứ hai" của con mình", chị Trà cho biết.

Giờ đây, sau những tháng ngày cùng TP. Hồ Chí Minh vượt khó, chị Trà trở về quê sum vầy và chia sẻ cùng chồng, con những kỷ niệm. Nhiệm vụ với cộng đồng và lương tâm dường như đã được thực hiện nhưng chị sẽ vẫn tiếp tục "xông pha" vào mọi điểm nóng.

Hùng Trần
Ý kiến của bạn