Hà Nội

Những ngày COVID-19, Nguyễn Ngọc Tư cùng y bác sĩ viết về Sài Gòn yêu thương

31-12-2021 13:32 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Nguyễn Ngọc Tư - cây bút nổi tiếng với 'Cánh đồng bất tận' cùng 24 tác giả gồm y bác sĩ, nhà văn, nhà báo… đã viết về Sài Gòn những ngày COVID-19.

Bác sĩ Lê Minh Khôi góp sức phòng, chống COVID-19 bằng... tản vănBác sĩ Lê Minh Khôi góp sức phòng, chống COVID-19 bằng... tản văn

SKĐS - Lợi nhuận từ tập tản văn 'Phía Tây thành phố' của BS. Lê Minh Khôi được dùng để ủng hộ cho Quỹ phòng, chống dịch COVID-19.

Những trang viết được gói gọn trong cuốn Sài Gòn chọn nhớ những điều thương - tập tản văn ra mắt vào đầu năm 2022. Số tiền bán được từ cuốn sách này được NXB Trẻ đóng góp 100% vào Quỹ phòng, chống COVID-19. Hơn 200 trang sách không nhằm gợi bi thương, mà như một lưu dấu về một thời kỳ chưa kịp xa và dịch bệnh cũng chưa hề qua, để bạn đọc cùng nhìn lại và nắm tay nhau đi tiếp.

Những ngày COVID-19, Nguyễn Ngọc Tư cùng y bác sĩ,  viết về Sài Gòn yêu thương - Ảnh 2.

Sài Gòn chọn nhớ những điều thương - tập tản văn ra mắt vào đầu năm 2022 có sự góp mặt của các cây bút là y bác sĩ, nhà nghiên cứu, vận động viên, nhà văn, nhà báo...

25 tác giả góp mặt trong cuốn sách này, trong đó có y bác sĩ, nhà nghiên cứu, vận động viên, nhà văn, nhà báo, gồm Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Khắc Cường, Nguyễn Minh Hảo Hớn, Nguyễn Phi Vân, Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Thị Hậu, Phong Việt, Quang Trần, Tăng Hà Nam Anh... cùng phần hình ảnh của nhiếp ảnh gia Ngô Trần Hải An, Minh Hòa, Hải Thành, Kiếng Cận.

Họ chia sẻ những trải nghiệm sống động từ bệnh viện tuyến đầu, về những điều nhân văn, ý nghĩa đã chứng kiến trong mùa cao điểm dịch, những suy nghiệm và cảm hứng cho thời bình thường mới – cũng là cảm xúc của người dân TP.HCM trong thời khắc chuyển giao năm cũ năm mới: buông bỏ những điều buồn phiền, nuôi dưỡng hy vọng, bước tiếp và sống tốt. 

"Sài Gòn chọn nhớ những điều thương, được góp lời từ những người đã âm thầm nắm tay nhau đi qua đại dịch, xin được ghi lại đôi điều về một mùa hoa nở trong bão dữ như thế", đơn vị phát hành cuốn sách chia sẻ.

Một số trích đoạn từ Sài Gòn chọn nhớ những điều thương

1. Nguyễn Ngọc Tư (Nhà văn)

Những ngày COVID-19, Nguyễn Ngọc Tư cùng y bác sĩ,  viết về Sài Gòn yêu thương - Ảnh 3.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

"Quyển từ điển riêng của bạn từ lâu đã nghèo nàn, giờ thêm nhiều trang trắng. Không còn rạp chiếu phim, nhà sách, cả quán nước cũng phù phiếm xa vời. Có lần thử điền vào mớ từ mà lúc này mọi người đang truyền tay nhau, những chánh niệm, tỉnh thức nhưng bạn vội gạch đè, biết còn lâu mình mới đủ thấu hiểu chúng. 

Như vô thường vậy, bạn tưởng đã thông tỏ rồi, sao lại thất thần khi thấy khói lên từ nhà hỏa táng. Nắm tro chắc phải chờ người nhận vì thân quyến còn mắc kẹt sau những sợi dây giăng. Trắc ẩn thì cực hạn, nhưng bất lực cũng theo đó mà thít chặt, bóp nghẹt. Bạn nhận ra mớ từ vừa mất đi của mình bé mọn vô phương, ngoài kia nhiều người chỉ có đói, kiệt quệ, vô vọng, tang thương trong cái mùa hè thê lương này.

Nhiều từ được định nghĩa lại. Công viên là nơi tụ tập của gió, của thảm lá ngày càng dày. Hẹn hò đồng nghĩa với bất định, bỏ lỡ. Trong ngữ lưu tháng Bảy, nếu ta nói hẹn cuối năm gặp nhau, người bạn sẽ hiểu rằng có thể tháng Chạp năm sau. Hoặc chỉ là một kiểu giao đãi bâng quơ thuận miệng, cuộc gặp đó không bao giờ xảy ra.

Hạnh phúc, cái từ mà bạn ngờ vực nó không có thực, một khuya nghe tiếng xe cứu thương xé toang tịch mịch, bạn nghĩ thật may mình còn nghe được dư chấn của cơn chuột rút trên bó cơ đau. Sẽ có người đơn giản hơn, hạnh phúc là món trứng chiên có ít lá hành, là được tặng một đòn bánh tét, được về quê cách chỗ trọ năm chục cây số. Cái đơn vị đo khoảng cách, mùa hè này, mất sạch độ chính xác. Có người đi cả tháng mới hết một chục ki lô mét đường, hoặc ở khoảng cách có thể nhìn thấy bằng mắt thường, ta sẽ không bao giờ tới được."

2. Nguyễn Minh Hảo Hớn (Trưởng khoa Mũi Xoang – BV Tai Mũi Họng TPHCM):

"Những ngày ở Khu Điều trị Covid, tôi càng cảm nhận ý nghĩa của cuộc sống và tình người ấm áp lan toả. Các y bác sĩ, nhân viên y tế và bà con khó khăn đã luôn nhận được sự quan tâm, sẻ chia của tất cả mọi người. Có những người chưa bao giờ gặp mặt, nhưng sẵn sàng nấu hàng trăm suất cơm ngon lành, nóng hổi mỗi ngày dành tặng tuyến đầu...

Những ngày COVID-19, Nguyễn Ngọc Tư cùng y bác sĩ,  viết về Sài Gòn yêu thương - Ảnh 4.

"Những ngày ở Khu Điều trị Covid, tôi càng cảm nhận ý nghĩa của cuộc sống và tình người ấm áp lan toả".

Có người đóng góp những ngày lương để mua khẩu trang, mua máy trợ thở, tặng cho bệnh viện để cấp cứu bệnh nhân; Có người dành số tiền tích cóp xây nhà để mua rau củ, thịt trứng hỗ trợ người nghèo tại khu cách ly. Biết bao tấm gương thầm lặng, biết bao người đã quên bản thân mình. Chúng ta đã cùng nhau đi qua những ngày tháng khó khăn nhất và cũng đã sống những ngày đáng sống nhất trong cuộc đời mình. Đại dịch rồi sẽ qua đi, nhưng tình người sẽ còn mãi mãi".

3. Dương Minh Tuấn (Bác sĩ BV Bạch Mai tại BV Dã chiến số 10, TP.HCM):

"… Cô Diệu với cô Huyền là hai chị em ruột, cùng vào cấp cứu một hồi, mà cô Huyền nặng hơn phải chuyển đi rồi, cô Diệu cải thiện tốt hơn được ở lại.

- Con thấy cô không nói chuyện với cô Huyền mấy nhỉ?

- Chuyện gia đình thôi con, giận nhau không nói chuyện cả mấy năm nay rồi. Cô cũng tính làm lành mà bả cố chấp lắm thôi nên mình chỉ biết im lặng.

- Trời chị em ruột mà giận gì giận dữ vậy cô? Có gì bỏ qua được bỏ qua cho nhau.

- Đấy cô cũng nói vậy với bả, chết đi rồi có mang cục tức theo được đâu mà cứ ôm khư khư làm chi cho mệt không biết. Bả sang kia thấy tình hình cũng khả quan hơn rồi hả? Để sau bữa này về cô thử bắt chuyện tiếp coi sao!

- Dạ vậy cô lên phòng nghỉ ngơi đi.

Cô Diệu vẫn chưa biết tin cô Huyền đã mất chiều qua, và chiều nay xe đang chuẩn bị lăn bánh đưa chị gái cô ra đài hóa thân. Cũng chẳng ai dám nói cô nghe sợ cô xúc động rồi buồn rồi stress, rồi bao công sức điều trị lại bỏ sông bỏ bể.

Hàng bao nhiêu bí mật và đau đớn ấy anh em bảo nhau cũng phải vác theo hết cả."

4. Nguyễn Thế Anh (Bác sĩ – Giảng viên học viên Y dược học cổ truyền Việt Nam – trong đoàn vào hỗ trợ Sài Gòn chống dịch):

"Mình thương các em và dân Sài Gòn thương cả đoàn mình. Ngoài phần ăn từ đội hậu cần của Học viện, có nhiều anh chị nghe nói đoàn từ Hà Nội vào đã gửi bánh, sữa… và nhiều đồ khác, lại thường xuyên hỏi xem có cần gì nữa không. Một câu hỏi nữa mà người dân hay hỏi bọn mình là: "Đi xa lâu thế có nhớ nhà không?" Nhớ chứ!

Những ngày COVID-19, Nguyễn Ngọc Tư cùng y bác sĩ,  viết về Sài Gòn yêu thương - Ảnh 5.

Đôi khi mình cũng muốn động viên các em, nhưng chỉ có thể nói "cố lên"...

Có cô cậu sinh viên chưa từng đi xa nhà, khi gọi điện về cho gia đình xong mếu máo chực khóc. Có những câu hỏi mà gia đình các em luôn luôn lặp lại, dù gọi điện bao nhiêu lần: "Con có khỏe không?" "Công việc bận không?" "Ăn cơm chưa?"… và ngược lại, các em mỗi khi rảnh cũng dõi theo tin dịch xem nhà mình có bình an không. Đôi khi mình cũng muốn động viên các em, nhưng chỉ có thể nói "cố lên", chứ không nói "sắp được về". Bởi khi đi cả đoàn đã xác định công việc còn cần thì còn ở lại, không hẹn ngày về!"

5. Lê Quang Mỹ (Bác sĩ phẫu thuật thần kinh trẻ em, BV Nhi Đồng 2, TP.HCM):

"Đã chuẩn bị tinh thần đến vậy rồi mà khi nhận nhiệm vụ thiết lập khu cách ly tại ký túc xá đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (khi đó để cách ly F1), chúng tôi vẫn… choáng. Đoàn đến nơi vào lúc 11g, được thông báo 13g sẽ đón… hơn 1000 người vào. Nghĩa là chỉ có hai tiếng chuẩn bị, trong tay có hai tòa nhà, 200 phòng trống, 800-1000 giường. Chỉ thế. Hoàn toàn chưa có bất cứ gì để phục vụ việc ăn ở điều trị. Mới kịp đặt phòng làm việc, chỗ ăn ở, máy tính, máy in… là đã thấy từng đoàn người cách ly đổ dồn vào sân trong cái nắng ban trưa.

Bây giờ nghĩ lại, tôi thật sự không nhớ nổi mình và nhóm đồng nghiệp đã trải qua tuần đầu tiên đó như thế nào. Ngày đầu tiên, chỉ riêng việc tiếp nhận người bệnh, chúng tôi làm thông từ 13 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Không kịp cả đăng ký phần ăn cho bộ phận hậu cần, cũng không kịp ăn, đâu đó tìm được ít mì gói, ăn vội rồi làm tiếp. Nhưng không em nào trong đội than thở. Tôi vẫn còn nhớ nụ cười của tụi nó, nói "mệt nhưng mà ‘chơi’ tiếp vô tư anh ơi".

6. Vũ Phi Yên (TS.BS tâm lý):

"Loài người ấy mà, bạn biết không, hùng mạnh vô cùng. Khi loài Sapiens này đã nảy ra ý muốn làm một việc gì rồi thì… Hãy xem chúng ta đã biến đổi bề mặt của hành tinh này như thế nào, đã sống sót qua những hoàn cảnh ngặt nghèo ra sao, đã liên tiếp tự khiến chính mình phải ngạc nhiên bằng cách liên tục biến những phép màu trong tâm trí chính ta trước kia thành hiện thực đến mức độ mà dường như ngày nay đó trở thành lẽ thường.

Những ngày COVID-19, Nguyễn Ngọc Tư cùng y bác sĩ,  viết về Sài Gòn yêu thương - Ảnh 6.

Các cây bút đã chọn viết về Sài Gòn những điều yêu thương trong giai đoạn cao điểm của COVID-19

Bây giờ, nếu loài Sapiens ấy ngồi nghỉ một lúc, tạm ngưng không quậy phá nữa, tự nhủ "Ta đã tạo ra cái gì thế này? Thôi đủ rồi, nhé. Muốn xé muốn cắt muốn chia rẽ muốn đốt muốn quăng bom gì gì thì cũng đã làm quá tốt rồi, chứng tỏ mình thế đủ rồi. Giờ rách tung cả, thương tích đầy, đau quá, nóng, đói… Làm thế nào để làm khác đi? Làm cách nào để mở, vá, băng bó, kết nối?

Cái loài Sapiens này, bạn nghĩ lần này nó có làm được không?"

7. Gia Bảo (Nhà báo, nhà văn, Phó TBT Báo Khăn Quàng Đỏ):

"Đâu ai chọn số phận để sinh ra và cuộc đời này đâu chỉ mình chị cô độc! Trong cái thành phố ngập tràn nắng này, chị luôn vui vẻ chào ngày mới. Chỉ cần có ánh sáng mặt trời là chị thấy mình đang sống. Thế thôi!

Và đúng là có tiếng người lao xao, tiếng bước chân lên cầu thang gỗ. Chị hé cửa, mấy cô cậu thanh niên khẩu trang che nửa mặt, chị nhìn được mỗi đôi mắt lấp lánh cười, cứ như mấy đứa nhỏ ở tầng trệt… Chúng mang lên nào gạo, nào sữa, nào lạp xưởng, bột nêm, cả xà bông và khẩu trang nữa… Chị cười mà nước mắt nóng hổi…

Nắng tràn qua cửa…"

Đọc sách hiệu quả - liều vaccine tinh thần giúp vượt qua COVID-19Đọc sách hiệu quả - liều vaccine tinh thần giúp vượt qua COVID-19

SKĐS - Đọc sách hiệu quả - Liều vaccine tinh thần giúp vượt qua đại dịch COVID-19 là một trong những sự kiện của Ngày hội Văn hóa đọc TP. Hồ Chí Minh năm 2021.

Quỳnh Hoa
Ý kiến của bạn