Những ngày chống dịch COVID-19: Nhớ về thời kỳ sản xuất vắc xin trong chòi lá

04-05-2020 12:51 | Blog thầy thuốc
google news

SKĐS - Những ngày này, khi đại dịch COVID-19 hoành hành khắp nơi, cướp đi hàng trăm ngàn sinh mạng người trên toàn thế giới. Việt Nam, một đất nước nhỏ bé, khiêm nhường về mọi điều kiện, đang nổi bật lên trên trường quốc tế với những dấu ấn chống dịch hiệu quả.

Hài lòng về những thành tích hôm nay, chúng ta không thể quên, không thể không tự hào với truyền thống phòng chống dịch của cha ông trong những năm tháng bưng biền của một nền y tế sơ khai; cũng như những ngày tháng dưới tán rừng nhiệt đới ẩm thấp của Trung ương Cục Miền Nam, công tác nghiên cứu vi trùng học và sản xuất vắc xin đã được thực hiện bài bản. Đó chính là nền tảng ý chí trong phòng chống dịch của Việt Nam bây giờ.

Từ bào chế giống ngừa dịch tả trong bưng biền

Trong hồi ức của mình, ông Hùng Quân - Nguyên Chánh văn phòng Sở Y tế Quân dân Nam Bộ - vẫn còn nhớ: Năm 1947, Sở Y tế Quân dân Nam Bộ mới được thành lập, đóng ở nhà dân quanh các con kinh khu vực Đồng Tháp Mười. Lúc đó, nhân sự cũng chỉ có vài anh em, vật chất thì chỉ có một ít thuốc men, dụng cụ vật liệu từ thành gửi xuống, nhưng nhiệm vụ thì rất nặng. Nhiệm vụ của ngành y tế lúc đó là phải “bảo vệ sức khỏe nhân dân với phương châm: Phòng bệnh hơn trị bệnh”. Tuy chỉ có 13 chữ vỏn vẹn nhưng khối lượng công việc rất lớn.

Rất nhiều sản vật thiên nhiên của Nam Bộ đã được dùng thay thế các hóa chất, vật tư y tế để sản xuất các sản phẩm chữa bệnh cứu người. Không có dịch truyền thì dùng nước dừa xiêm. Thiếu axít phenique để bảo quản vắc xin thì nghiên cứu dùng sulfate đồng chế từ thành phần phèn xanh. Chỉ catgut may phẫu thuật không có thì dùng chỉ tơ tằm hay nghiên cứu chỉ catgut từ ruột nghé thay thế.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, khi ấy là Giám đốc Sở Y tế Quân dân Nam Bộ đã đề ra 3 lĩnh vực:

Một là ngừa bệnh: Phải bào chế giống ngừa dịch tả và trái giống cho nhân dân và bộ đội. Truyền bá vệ sinh, viết tài liệu, vẽ tranh ảnh, có cơ sở in ấn, có đoàn truyền bá vệ sinh.

Hai là, trị bệnh: Chủ trương kết hợp Đông - Tây y.

Ba là huấn luyện và đào tạo cán bộ.

Trong 3 nhiệm vụ đó, lĩnh vực ngừa bệnh với nhu cầu cấp thiết là bào chế vắc xin, giống ngừa dịch tả và trái giống, gần như là một nhiệm vụ “kỳ lạ” với những điều kiện vật chất vô cùng thiếu khó mà nếu không có sự sáng tạo, tinh thần ứng biến hoàn cảnh cao độ thì không ai có thể làm được.

BS. Nguyễn Dũng Hiếu (Ba Liêm) nguyên nhân viên bào chế vắc xin - Sở Y tế Quân dân Nam Bộ, Nguyên Viện trưởng Viện Pasteur (1975-1986) kể lại: Để làm vắc xin đậu mùa, chúng tôi phải dùng chủng siêu vi khuẩn cấy lên da bụng con nghé. Nghé được nhốt vào chuồng, tắm bằng xà bông và nước sạch đã hấp chín đựng trong những hũ sành; dùng khăn hấp sạch để lau cho nghé. Sau đó, chúng tôi dùng bàn nạo dừa đã hấp kỹ cạo da và hông bụng nghé cho trầy rươm rướm máu. Rồi lấy mủ đậu khô nghiền nhuyễn hòa với glycerine bôi khắp vùng da trầy, xong dùng vải đã hấp có dây buộc bao quanh bụng nghé, giữ cho chỗ trồng trái được sạch. Từ lúc này, ngày cũng như đêm, anh em phải luân phiên thức canh, nếu nghé đái phải dùng nước hấp chín rửa sàn ngay, nếu thấy nghé dong đuôi lên thì phải đưa ki vào hứng liền, không cho phân rớt trên sàn. Khoảng 4-5 ngày sau, nếu trên da bụng nghé có những nốt tròn có mủ và mọc đều là trái mọc tốt. Sau đó, mình dùng bàn nạo được hấp sạch, nạo nó ra, cho vô môi trường làm khô sau đó mới làm vắc xin được.

Những ngày chống dịch covid-19Xét nghiệm vi trùng tại C4 - Ban Dân Y Miền Nam

Phòng thí nghiệm vắc xin tả - thương hàn lúc đó gọi tắt là VB-TAB, vách - trần - sàn đều bằng ván. Lúc Tây bố ráp thì tháo ra để mỗi nơi một mảnh, khi Tây rút thì khiêng về làm lại. Tủ ấm 37 độ C làm bằng 2 lớp tôn có lỗ phía trên để đổ nước, bên ngoài là cái vỏ bằng gỗ. Đốt đèn dầu dưới đáy tủ giữ độ ẩm thích hợp cho vi khuẩn được phát triển. Lò hấp ướt là những vỏ thùng chứa xăng dầu được cắt ra một phần để làm nắp…

Ngay cả việc để giữ vắc xin không hư, phải có tủ lạnh chuyên dụng, mà giữa bưng biền kinh rạch hoang sơ, lấy đâu ra tủ lạnh chạy bằng điện. Anh em nghĩ cách nhét chai lọ vào từng khúc của thân cây chuối tương đối mát, giữ được giống trái khỏi hư trên 20 ngày đủ thời gian gởi đi chiến trường miền Đông, cực Nam Trung Bộ và cả đất bạn Campuchia - Ông Hùng Quân nhớ lại.

Trong hồi ký của mình, Viện sĩ. TS. Nguyễn Duy Cương - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế - từng ghi lại: Ở miền Tây U Minh lúc đó, nơi người dân còn nghèo rớt mùng tơi, cái quần xà lỏn vải xấu còn thiếu, nhiều người còn phải mặc quần bố, quần ban thì làm gì có những thứ khác. Càng không có một cái mùng chống muỗi, một viên thuốc sốt rét hay một liều thuốc chích.

Với điều kiện thiếu thốn ngặt nghèo như vậy, lại thêm vòng vây phong tỏa của giặc Pháp về kinh tế không cho bất cứ thứ gì từ thành chuyển vào khu kháng chiến thì làm sao dám nghĩ đến những thiết bị cao cấp mà sản xuất dược phẩm, vắc xin. Vậy mà Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng đã làm được, ông còn truyền lửa cho đội ngũ của mình, cùng họ khắc phục mọi khó khăn, sáng tạo, chế ra những sản phẩm phòng, chữa bệnh cứu người.

Trong 11 năm ( 1963 - 1975), Phòng vi trùng học Ban Dân Y Trung ương Cục Miền Nam, ngoài một số hoạt động vệ sinh dịch tễ, còn sản xuất được các vắc xin tả TAB, dịch hạch tươi, đậu mùa, thương hàn, giải độc tố uốn ván, Subtilis đủ cung cấp theo yêu cầu phục vụ bộ đội và nhân dân vùng giải phóng.

Việc phòng bệnh bằng vắc xin đầy sáng tạo đó đã có kết quả rất rõ. Mãi đến cuối những năm 50, Tổ chức Y tế thế giới mới công bố bệnh đậu mùa đã hoàn toàn bị tiêu diệt trên thế giới. Thì ở Việt Nam, từ năm 1947 trở về sau không còn dịch trái trời (đậu mùa), bệnh đậu mùa đã được khống chế trên một vùng kháng chiến rộng lớn. Dịch tả cũng không còn xảy ra nữa.

Đến phòng vi trùng học dưới tán rừng nhiệt đới

Ngày 20/12/1960, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, tổ chức Hội đồng Quân dân y của Mặt Trận cũng được thành lập. Năm 1964 tách riêng hệ dân y thành Ban dân Y Miền (có bí danh là D416, C514 và cuối cùng là BS.67) với các đơn vị trực thuộc, trong đó có Phòng Vi Trùng Học (C4) do BS. Cao Minh Tân phụ trách. BS. Cao Minh Tân cùng 3 bác sĩ khác trong đó có BS. Nguyễn Hồng Sáu, BS. Đặng Chánh Thanh, đó là những người đã từng trực tiếp tham gia sản xuất vắc xin ở bưng biền trong kháng chiến chống Pháp, năm 1954 được tập kết ra miền Bắc, cuối năm 1963 là những cán bộ đầu tiên được điều về Nam để xây dựng phòng vi trùng học và tổ chức sản xuất vắc xin phục vụ kháng chiến. Sau 6 tháng vượt Trường Sơn với bao gian lao, vất vả, các cán bộ trên đã về tới căn cứ với những trang thiết bị tối cần thiết (tài liệu chuyên môn, giống vi trùng, kính hiển vi...) để có thể triển khai công việc được ngay.

Dù trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn mọi bề giữa khu rừng nhiệt đới ẩm thấp, nhưng một mạng lưới y tế tương đối hoàn chỉnh với đủ các bộ phận, từ sản xuất dược phẩm đến điều trị và y tế dự phòng đã được hình thành. Hiệu quả của nó đã khiến nhiều đoàn khách quốc tế ngạc nhiên, thán phục. TS. Phùng Đức Cam - Nguyên cán bộ C4 Ban Dân Y Trung ương cục Miền Nam nhớ lại: Sau khi tốt nghiệp đại học Y Hà Nội năm 1968, tháng 1/1969 tôi đi B. Vượt Trường Sơn hết 3 tháng 10 ngày. Tôi học chuyên khoa vi sinh nên được phân công về C4, nơi sản xuất vắc xin và nghiên cứu vi trùng học. Lúc đó, chính tôi cũng phải ngạc nhiên, khi giữa khu rừng với những căn chòi lá, mọi người vẫn nghiên cứu vi trùng học. Ở đây, ngoài một số hoạt động vệ sinh dịch tễ, chúng tôi còn sản xuất được các vắc xin tả TAB, dịch hạch tươi, đậu mùa, thương hàn, giải độc tố uốn ván, Subtilis đủ cung cấp theo yêu cầu phục vụ bộ đội và nhân dân vùng giải phóng. Với những bước chuẩn bị khá vững chắc này, C4 đã thành lập ra những đội tiền phương. Năm 1975, chính những đội tiền phương này đã có mặt ở những vùng mới giải phóng để thực hiện ngay công tác chống dịch, kiểm dịch rất hiệu quả.


XUÂN TOÀN
Ý kiến của bạn
Tags: