Những ngành nghề nào được thành phố Hải Phòng hỗ trợ đào tạo?

26-09-2024 12:08 | Xã hội

SKĐS - Hải Phòng vừa ban hành Nghị quyết hỗ trợ đào tạo cho 9 ngành nghề với những điều kiện và nguyên tắc nhất định.

Ngày 19/7/2024, Hội đồng Nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành Nghị quyết số 03/2024/NQ – HĐND về quy định chính sách hỗ trợ đào tạo một số nghề trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2024-2030.

Theo Nghị quyết số 03/2024/NQ – HĐND, có 9 ngành nghề được thành phố Hải Phòng hỗ trợ bao gồm: Logicstic; Điện tử công nghiệp; Điện công nghiệp; Hàn; Công nghệ ô tô; Công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm); Quản trị khách sạn; Điều dưỡng; Nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ. Cụ thể, những đối tượng áp dụng bao gồm:

Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn, đã tốt nghiệp THCS trở lên, chưa có bằng cấp phù hợp với vị trí làm việc.

Những ngành nghề nào được thành phố Hải Phòng hỗ trợ đào tạo?- Ảnh 1.

Có 9 ngành nghề được thành phố Hải Phòng trong đó có ngành Công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm). Ảnh:TL

Học sinh tốt nghiệp THCS trở lên và người có bằng tốt nghiệp THPT học trình độ trung cấp, cao đẳng tại các trường trên địa bàn.

Nhà giáo đang giảng dạy trung cấp, cao đẳng nhưng chưa đáp ứng tiêu chí về chứng chỉ kỹ năng nghề.

Người làm công việc kỹ thuật tại các doanh nghiệp, nghệ nhân cấp tỉnh trở lên, có nguyện vọng giảng dạy trình độ trung cấp, cao đẳng.

Về mức hỗ trợ đào tạo nghề, Nghị quyết nêu rõ: Người lao động và học sinh học các ngành nghề trong danh mục được hỗ trợ sẽ nhận 50% học phí tại cơ sở đào tạo. Người học trung cấp, cao đẳng thuộc diện hỗ trợ sẽ nhận được khoản trợ cấp hàng tháng là 900.000 đồng/người/tháng. Nhà giáo được hỗ trợ 10.000.000 đồng/người/khóa để bồi dưỡng và nâng cao kỹ năng nghề theo yêu cầu. Người làm kỹ thuật, nghệ nhân được hỗ trợ 3.000.000 đồng/người/khóa để bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Để được hưởng hỗ trợ, người học nghề phải đảm bảo các nguyên tắc, tuân thủ điều kiện sau:

Nếu một đối tượng thuộc nhiều chính sách hỗ trợ sẽ chỉ được hưởng mức hỗ trợ cao nhất. Mỗi người chỉ được hỗ trợ một lần cho mỗi loại hình đào tạo.

Các đối tượng nhận hỗ trợ học phí sẽ được cấp kinh phí cho tối đa 10 tháng/năm học và số tiền này sẽ được chi trả vào đầu học kỳ. Các đối tượng bồi dưỡng kỹ năng nghề và nghiệp vụ sư phạm sẽ nhận hỗ trợ sau khi hoàn thành khóa học và được cấp chứng chỉ.

Người học phải cam kết hoàn thành khóa học trung cấp hoặc cao đẳng, và sau khi tốt nghiệp, làm việc trong ngành nghề liên quan tại Hải Phòng ít nhất 3 năm.

Nhà trường và doanh nghiệp phải ký hợp đồng về việc tiếp nhận lao động sau khi học viên tốt nghiệp.

Nhà giáo thỉnh giảng phải cam kết giảng dạy trung cấp, cao đẳng tại các trường trong thành phố tối thiểu 3 năm sau khi nhận chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Đáng chú ý, thời gian hỗ trợ với mỗi nhóm đối tượng sẽ khác nhau. Cụ thể:

Đối với học viên học trung cấp, thời gian hỗ trợ tối đa là 20 tháng/khóa học. Với học viên học cao đẳng, thời gian hỗ trợ tối đa là 30 tháng/khóa học. Và với học viên tuyển sinh năm 2030, sẽ tiếp tục được hỗ trợ đến khi hoàn thành khóa học, ngay cả khi vượt quá thời hạn của Nghị quyết.

Từ tháng 10/2023, lương cho giảng viên dạy nghề cao nhất 14,4 triệu đồng/ thángTừ tháng 10/2023, lương cho giảng viên dạy nghề cao nhất 14,4 triệu đồng/ tháng

SKĐS - Tháng 10/2023, hàng loạt chính sách mới có hiệu lực đáng chú ý như: Tăng lệ phí đăng ký xe, Giáo viên dạy nghề nhận lương đến 14,4 triệu đồng/tháng, người mãn hạn tù được vay đến 100 triệu để làm ăn,…

Mời quý vị xem thêm video dưới đây:

Học sinh THPT Lê Quý Đôn, Hải Phòng hào hứng thực nghiệm đo chu vi Trái đất 2024


Phương Thảo
Ý kiến của bạn