Thời gian qua, việc chọn ngành thi, trường thi đã trở thành mối quan tâm lớn của học sinh và các bậc phụ huynh. Trên thực tế, việc chọn đúng trường thi, ngành thi phù hợp sẽ có ảnh hưởng lớn đến kết quả thi và cơ hội tìm việc làm trong tương lai.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Liễu (Trưởng phòng Thông tin thị trường lao động - Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội) cho biết, dựa trên yêu cầu phát triển của năm 2014, dự đoán nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành du lịch - nhà hàng - khách sạn, công nghệ thông tin, cơ khí, marketing... tăng khoảng 50% so với năm 2013. Ngành công nghệ thông tin cũng đang khát nhân sự giỏi ở mức báo động. Đặc biệt là lập trình di động, quản trị mạng, chuyên gia bảo mật và an ninh mạng. Song lượng ứng viên đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng lại khiêm tốn.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, chênh lệch đào tạo tại các trường cao đẳng, trung cấp, đại học so với đòi hỏi thực tế cách nhau quá xa. Khoảng 15% sinh viên ra trường đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp. Hơn 80% lập trình viên phải đào tạo lại 3-5 tháng, có nơi mất 2 năm. Yếu ngoại ngữ cũng là một trong những hạn chế phổ biến ở nhân lực lĩnh vực công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, sự chênh lệch giữa kiến thức được đào tạo tại trường với yêu cầu thực tế từ công việc vẫn còn khoảng cách xa.
Nhiều đơn vị trong lĩnh vực cơ khí - điện - điện tử cũng đã lên phương án bổ sung nguồn nhân lực số lượng lớn ngay trong năm nay. Tuy nhiên, đây là nhóm ngành có tỷ lệ nguồn cung lao động thấp nhất (chiếm khoảng 1,5% thị trường lao động). Và nguồn lao động này cũng chỉ đáp ứng chưa tới 55% nhu cầu của nhà tuyển dụng. Lý giải về điều này, bà Liễu cho biết, xã hội dù văn minh đến đâu cũng cần một lượng lớn thợ chế tạo, điều khiển máy móc, dịch vụ… “Tâm lý của người Việt luôn coi trọng bằng cấp. Càng đỗ đạt cao, càng thăng quan tiến chức. Vì vậy, thị trường lao động rơi vào tình trạng thừa thầy thiếu thợ là chuyện dễ hiểu”, bà Liễu khẳng định.
Trong những năm gần đâu, mặc dù có mức tăng trưởng khá nhưng lao động Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Ông Đặng Duy Tiến – đại diện nhà tuyển dụng của Công ty Cổ phần Javta chia sẻ: “Ngoài kiến thức chuyên môn, chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm đến kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ. Nhưng hiện nay, các ứng viên thường thiếu các kĩ năng này. Tuy tiêu chí tuyển dụng là vậy, thực tế chúng tôi đều chấp nhận tuyển ứng viên có nền tảng tốt về đào tạo thêm”, ông Tiến nói.
Theo ông Bùi Xuân Tiến - Phó trưởng phòng Trung tâm giới thiệu việc làm số 2 Hà Nội nhận định, nhu cầu đăng tuyển thông thông tin của các nhà tuyển dụng những tháng đầu đang tăng mạnh. Các ngành nghề hót bao gồm nhà hàng khách sạn, marketing, tài chính đầu tư... do nhiều công ty nước ngoài mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Thị trường lao động năm 2014 sẽ phát triển theo hướng nâng cao yêu cầu về kỹ năng, trình độ chuyên môn thay vì số lượng. Nhiều doanh nghiệp sẽ thực hiện quá trình tái cơ cấu bộ máy nhân sự, chú trọng vào chất lượng lao động. Do đó, người đi làm cần nắm bắt mọi cơ hội để nâng cao tay nghề, rèn luyện kỹ năng mềm và vốn ngoại ngữ cho bản thân.
Ông Tiến cũng khuyến nghị các trường đại học, cao đẳng, đào tạo nghề nên nắm bắt thông tin dự đoán nhu cầu nhân lực để có những chương trình đạo tạo phù hợp. Tránh trường hợp ngành thừa, ngành thiếu và nên tập trung vào công tác hướng nghiệp, đào tạo kỹ năng mềm cho học viên bên cạnh chuyên môn.