Thế là Bộ trưởng Bộ GD - ĐT đã ra Thông tư 28 bãi bỏ quy định cộng thêm 2 điểm ưu tiên cho các đối tượng Bà mẹ Việt Nam anh hùng và người hoạt động cách mạng thời tiền khởi nghĩa, chấm dứt những ngạc nhiên trong dư luận về tính hình thức thiếu thực tế của một văn bản pháp quy, cũng là lập kỷ lục về thời gian chết yểu của một quy định.
Một văn bản pháp quy đầy ngô nghê tuy đã được Bộ trưởng khai tử nhưng dư luận không khỏi ngạc nhiên khi trước đó, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga biện hộ rất hùng hồn cho cái điều “ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu” này. Ngạc nhiên vì vị Thứ trưởng đáng kính không hiểu được những phản biện đúng đắn trong dư luận là vì trình độ, vì thiếu thực tế hay vì lý do tế nhị nào khác mà phải nói khác lòng mình? Và vì lý do gì thì điều ngạc nhiên này cũng khiến dư luận bàng hoàng, thậm chí lo sợ khi tại cơ quan lớn nhất chăm sóc việc học của cả nước, việc đào tạo trí thức cho tương lai có một vị Thứ trưởng như thế!
Khác với ông Bùi Văn Ga, qua Thông tư 28 trên, Bộ GD- ĐT được nhiều người khen có tinh thần cầu thị. Thế nhưng bên cạnh sự cầu thị bằng việc bãi bỏ quy định ngớ ngẩn ấy, dư luận có chút ngạc nhiên khi không thấy cơ quan Bộ ra văn bản trên có một ai đó đứng ra nhận trách nhiệm. Sửa một cái sai thì người làm sai phải bị xử lý ra sao cũng không thấy thành ra những quy định vô tiền khoáng hậu như trên liệu còn có thể tiếp diễn?
Tính phi thực tế trong một quy định bị bãi bỏ trên gây nhiều liên tưởng ngạc nhiên khác trong dư luận. Một trong những “ngạc nhiên” là chương trình và sách giáo khoa hiện nay cứ tồn tại dài khi các cuộc khảo sát và lấy ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với các tỉnh - thành, các tổ chức... về lĩnh vực này đã “đánh đúng, đánh trúng” vào khuyết tật cơ bản của nền giáo dục nước nhà vẫn chưa được giải quyết. Làm sao để cởi bỏ bớt gánh nặng chiếc cặp trên đôi vai bé nhỏ của học trò cùng với hiện tượng trong các vấn đề thi cử, tuyển sinh, đào tạo, học thêm - dạy thêm, nạn chạy bằng cấp... là đòi hỏi của công luận vì sinh khí mới cho nền giáo dục nước nhà.
Nên chăng mọi quy định trước khi thành văn bản pháp quy cần được công chúng thảo luận và phản biện bởi quy định nào cũng đều liên quan tới dân và dân hiểu thực tế nhất. Rất mừng khi Bộ Công an trước khi ra văn bản phạt hành chính như vợ chồng chì chiết nhau hay quản lý tiền của nhau sẽ bị phạt 1 - 1,5 triệu đồng đã được dư luận góp ý và người có trách nhiệm của Bộ đã điều chỉnh ngay. Còn biết bao quy định như phạt người đội mũ bảo hiểm dỏm, có nhà thuê 15m2/người mới được nhập khẩu Hà Nội... đang gây ngạc nhiên so với thực tế chỉ vì trước khi thông qua chưa hỏi dân.
Cuộc sống luôn bề bộn những vấn đề phức tạp và dư luận luôn mong các bộ có những quyết sách để tháo gỡ. Tuy phải khẩn trương nhưng không thể không thận trọng trước tính khả thi khi đi vào thực tế. Khi quyết sách đúng, đổi mới, hợp lòng dân, sát thực tế, chắc chắn những điều ngạc nhiên không đáng có trên sẽ không còn tồn tại.
Lưu Thủy