Những ngã ba sông huyền thoại

30-01-2009 06:10 | Văn hóa – Giải trí
google news

Tôi từng viết nhiều về những dòng sông trên quê hương Việt Nam. Đến một ngày dám mạnh dạn triết lý với các dòng sông, kiểu như thế này, mong các nhà sông học bỏ quá cho:

Tôi từng viết nhiều về những dòng sông trên quê hương Việt Nam. Đến một ngày dám mạnh dạn triết lý với các dòng sông, kiểu như thế này, mong các nhà sông học bỏ quá cho:

 Ngã ba sông hoang vu đệ nhất Việt Nam, nơi sông Nho Quế (từ bên phải ảnh chảy vào) gặp sông Gâm.
"Lang thang xứ sở, mỗi lần gặp một dòng nước lạ, tôi đều nháo nhác hỏi bất kỳ ai có thể nghe tiếng thắc mắc của mình, "sông/suối này là sông/suối gì "bác" nhỉ". Nhưng ít ai thèm để ý đến câu hỏi ngơ ngẩn kiểu thi nhân nửa mùa của tôi, bởi họ đang tranh luận cây cầu bắc qua sông đầu tư bao nhiêu tỉ, cái ô tô vừa lướt qua là của hãng gì mà đẹp đến nao lòng thế thế... Khi ấy, tôi bèn lẩn thẩn ao ước, giá mà cùng với việc kẻ vẽ tên cầu gì, xây ngày bao nhiêu, hợp long ngày bao nhiêu, cầu cao bao nhiêu, dài bao nhiêu mét tây mét ta, tải trọng bao nhiêu - nên chăng, người ta viết thêm cái dòng cầu ấy bắc qua sông/suối gì thì... quý hóa quá.

Con sông! Nó mang tải cả những nền văn minh lớn nhất của nhân loại, hạt phù sa của nó nhiệm màu đến mức cứ khiêm tốn lặng lẽ thế mà làm thay đổi cả thế giới này. Sông suối càng lớn, hương rừng sắc núi, sóng nước ngàu ngọt càng lắng tụ nhiều, sinh ra hiền kiệt giai nhân. Những miền gái đẹp bao giờ cũng là sản phẩm bồi tụ của những dòng nước lớn.

Không ai mặn mà với tên sông tên suối, không ai thích thắc mắc, sông lớn mày chảy về đâu, mày từ đâu đến, tôi bèn lần mò tự định vị sông, khám phá sông, lý giải sông cho hành trang hải hồ của mình. Rồi đến lúc, đi mãi đến độ có thể nhắm mắt thấy dào dạt sông nào đi từ đâu, đến đâu thì hoà nước vào sông anh sông chị (lớn hơn) mà tiếp tục xuôi ra biển (hoặc đôi khi chảy ngược, kiểu "Chúng thủy giai đông tẩu/Đà giang độc Bắc lưu" (sông Đà có khúc chảy ngược lên phía Bắc), hoặc nữa: "Trăm con sông cùng chảy về xuôi/Riêng quê tôi có con sông chảy ngược" (sông Kỳ Cùng ở Lạng Sơn, từ Trung Quốc về Việt Nam rồi chảy ngược sang... Trung Quốc; nó cũng giống như sông Quây Sơn ở Cao Bằng)... Chung quy thì kiếp sông hồ rất giống kiếp con người, có các giai đoạn của cuộc đời ứng với những ái ố hỉ nộ/mạnh yếu theo một quy luật chặt chẽ; nhưng cái thói cá lớn nuốt cá bé thì đám sông ngòi nó dã man hơn đứt cái anh... người.

 Ngã ba sông Nậm Nơn, Nậm Mộ chảy từ biên giới Việt Nam với Lào về huyện Tương Dương (tỉnh Nghệ An).
Sông lớn ăn thịt sông bé, sông Nậm Na thơ mộng và hùng vĩ đệ nhất toàn cõi Tây Bắc, gặp sông Đà ở chỗ dinh "vua Thái" Đèo Văn Long giáp ranh hai tỉnh Điện Biên - Lai Châu thì bị sông đà nuốt chửng, sông Đà sặc sỡ chuồi mình trên đá phiến, về đến ngã ba Trung Hà của tỉnh Hà Tây thì bị sông Hồng ăn thịt. Sông Hồng đi thêm một khúc đường hơn chục cây số nữa thì lại đớp luôn mất sông Lô ở ngã ba Bạch Hạc huyền sử. Trước đó, sông Lô đã cướp nước của sông Gâm, sông Chảy. Phù sa của sông Hồng là một thứ màu nhiệm vô cùng, nó khiến cho dòng sông Mẹ của miền Bắc Việt Nam có sức lấn biển lớn thứ nhì trên thế giới, mỗi năm, vùng Kim Sơn, Tiền Hải (Ninh Bình, Thái Bình) lấn ra biển tới 80m, chỉ đứng sau có mỗi cái kỷ lục lấn biển của sông Missisisppi của Bắc Mỹ! Thế cho nên, nếu bạn muốn xem kỳ quan thiên nhiên thì hãy đến ngã ba Hồng - Đà (giáp ranh hai tỉnh Phú Thọ và Hà Tây): một dòng sông chia đôi tim dòng ra, thấy rất rõ nó có hai màu: hữu ngạn có màu đỏ như nước cốt trầu; và tả ngạn thì lại cứ xanh đen như nghiền nát đá núi với ngàn vạn diệp lục rừng già trong bụng nước".

Đến một ngày, làm khách thương hồ mãi cũng mỏi chân, ngồi xem lại kỷ niệm, thì thấy bao nhiêu háo hức, bao nhiêu mày mò lặn lội của tôi và của bạn bè tôi đều vẫn thường hướng cả về những vùng thượng du "đầu nguồn con nước" (thượng nguồn các dòng sông, hoặc nơi các con sông nhập tịch vào đất Việt). Rồi lại thấy ở nước mình có cái gì đó gần như tín ngưỡng với ngã ba sông. Ngã ba sông nào cũng huyền sử, huyền thoại, ít nhiều thiêng liêng, cũng là vùng rừng - đất - nước - trời mây mà bà con bản xứ cũng như các lữ khách đều mê mải kiếm tìm. Có các vị quan viên lẫy lừng chữ nghĩa viết các bài phú về ngã ba sông (như Nguyễn Bá Lân viết "Phú ngã ba Hạc"); có các ngã ba sông huyền thoại như Ngã Bạch Hạc với truyền thuyết khai sinh ra dân tộc Việt này và đất Tổ vua Hùng... Hầu hết ngã ba sông đều là nơi khai sinh và khai tử của các con sông. Các con sông đều mang tải trong nó sự cơ huyền và sự đậm sắc với các dòng chảy văn hóa, tộc người từ thượng cổ. Cho nên, chẳng có gì khó lý giải, khi tâm thức của người ta đều hướng đến các vùng ngã ba sông. Việt Nam như thế và thế giới cũng vậy vậy mà thôi. Không chỉ vì "quê hương ai cũng có một dòng sông", không đơn giản chỉ vì máu xê dịch - khám phá là thứ máu nguyên thủy và phổ quát nhất ở loài người. Mà có thể là vì: trong bà con mình cái tâm thức, cái gì đó như là tín ngưỡng với sự gặp nhau của các dòng nước lớn (ngã ba sông) chăng?

 Trước khi gặp sông Đà, sông Hồng từng nhận nước của hàng chục sông suối lớn nhỏ. Sông Gâm, sông Nho Quế, sông Lô, sông Chảy..., tất cả đều đổ ra sông Hồng, với những ngã ba hoặc tạo hình hoặc thật kín đáo, giản dị.
Nhân thế, tôi cũng muốn lọc trong khoảnh điền dã của mình ra, để phác thảo đôi nét về các ngã ba sông quyến rũ của xứ sở Việt Nam. Đây! Nơi tụ họp của dòng nước hoang vu nhất, chảy trên những dãy núi đá kỳ vĩ, xẻ lìa cao nguyên đá duy nhất, cao nguyên cao nhất nhất Việt Nam (cao nguyên Đồng Văn, Hà Giang) - sông Nho Quế gặp sông Gâm ở địa phận huyện Bảo Lâm tỉnh Cao Bằng. Đây! Ngã ba của hai con sông lớn nhất, có sức mang tải và lan tỏa văn hóa phong tục lớn nhất Việt Nam: sông Hồng - sông Đà (gặp nhau ở địa bàn tỉnh Hà Tây cũ - nay là Hà Nội, nơi giáp ranh với tỉnh Phú Thọ)... Và đây nữa! Ngã ba sông hoang vu ở Tây Bắc, khai sinh ra tên gọi sông Đà. Dịch vào miền Trung: ngã ba sông cổ tích Nậm Nơn gặp Nậm Mộ ở biên cương xứ Nghệ, khai sinh ra sông Lam lịch lãm, hào hoa... Tất cả và còn nhiều nữa. Hóa ra, chuyện về những cái ngã ba sông, mà lại không chỉ là chuyện ngã ba sông.

Bài và ảnh: Đỗ Doãn Hoàng


Ý kiến của bạn