Tướng Pháp De Gaulle và Hồ Chủ tịch cùng ra đời năm 1890. De Gaulle ra đi sau Hồ Chí Minh một năm (1970). Cả hai đều được thế giới ngưỡng mộ vì lòng yêu nước trong sáng, tinh thần phục vụ tận tụy và trình độ văn hoá cao.
Họ thuộc hai nền văn hoá Đông Tây, tính cách khác nhau, có giai đoạn ở hai trận tuyến đối lập. Sinh thời họ không gặp nhau bao giờ, tuy đã có dịp trao đổi thư từ. Lacouture, người viết tiểu sử của hai danh nhân, nhận định là họ rất tôn trọng nhau.
Tháng giêng 1944, tại Hội nghị các toàn quyền thuộc địa Pháp châu Phi da đen, De Gaulle lãnh đạo chống Đức Quốc xã đã đề ra một quy định mới cho đế quốc Pháp vẫn giữ nguyên tình trạng thực dân. Tháng 7-1945, ông lập xong đội viễn chinh ở Viễn Đông nhằm đánh đuổi Nhật vẫn còn chiếm đóng Đông Dương. Nhưng tháng 5 trước đó, Nhật đã đầu hàng. Nhiệm vụ tướng Leclerc chỉ còn là lập lại trật tự thuộc địa ở ba nước Đông Dương.
Ngày 22 tháng 8, ba ngày sau Cách mạng tháng Tám 1945, Leclerc hạ cánh tại Ấn Độ, được Phó vương Anh Mountbatten cảnh báo:
Năm 1940 tướng Pháp De Gaulle đọc lời kêu gọi toàn dân Pháp chống Đức quốc xã. |
“Ông định chiếm lại Đông Dương ư? Đó không phải ý tưởng nghiêm túc. Thế giới đã thay đổi hoàn toàn”. Leclerc hạ cánh ở Sài Gòn ngày 5 tháng 10, hơn một tháng sau khi Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập. Chiếm đóng được Sài Gòn và một số vùng lân cận, ông hiểu tình thế nên chủ trương điều đình với Hồ Chí Minh, giao cho Sainteny thực hiện việc đó. Sau Hiệp định 9/1946 đình chiến Pháp Việt, cuộc đàm phán Fontainebleau thất bại. Cao ủy d Argenlieu và phe hiếu chiến thắng thế, Leclerc phải gọi về Pháp trong khi sư phụ De Gaulle đã rút khỏi chính phủ từ tháng 1-1946. Thế là chiến tranh Pháp Việt bùng nổ vào đêm 19-12-1946. Hai ngày sau, Đài TNVN truyền đi Bản kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chí Minh.
“Hỡi đồng bào toàn quốc,
Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng , thực dân Pháp càng tiến tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào!…”
Lời kêu gọi non sông tha thiết của Hồ Chủ tịch đầy tự tin và tin vào dân tộc, gợi nhớ đến lời tướng De Gaulle “Kêu gọi toàn dân Pháp” kháng Đức Quốc xã chiếm đóng nước Pháp, 6 năm trước đó (18-6-1940):
“Hỡi tất cả những người Pháp,
Nước Pháp thua một trận, nhưng nước Pháp không thua cuộc chiến tranh… Chưa có gì mất đâu vì cuộc chiến tranh này là một cuộc chiến tranh thế giới. Trong thế giới tự do, những lực lượng vô biên chưa tham chiến. Một ngày kia, những lực lượng ấy sẽ đè bẹp kẻ thù. Ngày ấy, nước Pháp cần có mặt ở chiến thắng. Lúc đó nước Pháp sẽ lấy lại được tự do và uy thế…”
Từ Brazzaville 1944 đến Phnom Pênh 1966, lập trường thực dân của De Gaulle chuyển sang phi thực dân hóa biến chuyển một cách rõ rệt. Ngày 24-3-1945, chính phủ lâm thời của ông ra một bản Tuyên ngôn mà ngay chính khách Mesmer cũng phải coi đó là “một chương trình tái thực dân hoá (recolonisation) không thể chấp nhận được”, vì Việt Nam sẽ nằm trong một Đông Dương do một toàn quyền Pháp trị vì. Sau đó, De Gaulle dường như nghĩ lại nên định cho vua lưu vong Duy Tân về Việt Nam lập chính phủ (Bảo Đại đã thoái vị), nhưng Duy Tân bị tai nạn máy bay chết. Mãi hai chục năm sau, ngày 2/9/1966, ở Phnom Pênh, đúng thời gian Mỹ tăng cường chiến tranh xâm lược ở Việt Nam và Campuchia, De Gaulle có dịp tuyên bố rõ tư tưởng phi thực dân hoá của mình.
“… Không có mảy may hy vọng là các dân tộc châu Á chấp nhận quyền hành của ngoại bang ở bên kia Thái Bình Dương, mặc dù do ý định nào, bất kể vũ khí của đối phương mạnh đến đâu”.
Hữu Ngọc