Dọc mùng có chứa photpho, kali, canxi, magie, sắt và đặc biệt nhiều chất xơ thấm hút chất béo, cholesterol ở trong ruột, đồng thời cản trở sự hấp thụ cholesterol. Theo Đông y, dọc mùng có vị nhạt, tính mát, không độc. Dùng thanh nhiệt giải khát. Bẹ dọc mùng khô héo gọi là Phùng thu can có tác dụng thanh nhiệt, giải chất béo rất tốt lại an toàn... Xin giới thiệu một số cách dùng dọc mùng trị bệnh.
Dọc mùng chữa sởi ở trẻ em: dùng 40g phùng thụ can sắc kỹ lấy nước cho trẻ uống.
Bệnh cảm sốt khi mới mắc, bắt đầu có ho hoặc thấy đau họng hoặc do ăn nhiều đồ béo khó tiêu: dùng phùng thụ can sắc kỹ thật đặc cho uống khi còn nóng. Bài này còn có tác dụng phòng cảm cúm chạy vào trong làm bệnh nặng hơn.
Các món ăn từ dọc mùng rất thích hợp đối với bệnh nhân béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường, gút... Người Việt Nam có món ăn dân dã là dọc mùng muối xổi rất được ưa chuộng. Dọc mùng muối còn làm tăng hương vị thơm ngon của món canh chua (lươn, cá, tép) bún bung (với thịt, chân giò, móng giò; hay ếch xào dưa môn, dưa môn bóp nước mắm, dưa môn kho cá hú...
Nộm dọc mùng
Cách muối dọc mùng: Để an toàn vẫn phải nhớ khử ngứa bằng cách bóp muối dọc mùng trước khi nấu nướng làm từ bẹ môn ngọt, môn ngọt có nhiều ở vùng quê. Sau khi cắt, đem phơi bẹ môn ra sân cho héo mặt, phơi xong dội qua nước cho sạch bùn đất.
Lấy từng nắm bẹ môn bẻ gập lại xếp vào lu hoặc vại, cứ mỗi lớp môn như vậy lại rắc một lớp muối, sau đó đậy kín nắp vại để qua ngày mai sẽ lấy nước vo gạo đổ ngập bẹ môn, xong đậy lên mặt môn vài lớp lá chuối, đóng kín nắp lại, độ 3 hôm sau có màu vàng và có vị chua là được. Nếu có nước hèm rượu để ngâm, dưa sẽ có mùi thơm ngon hơn. Dưa môn thường được ăn kèm với cá kho, thịt luộc hay bóp nước mắm ớt, xào chung với cá thịt...
Nộm dọc mùng: Dọc mùng bóp muối cho hết ngứa sau đó vắt khô nước rồi cho lạc, chanh, ớt, rau thơm vào trộn đều là được.
BS. Phó Thuần Hương