Hà Nội

Những món ăn ngon khó cưỡng dù biết có nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm

15-03-2023 13:38 | Cảnh giác thực phẩm
google news

SKĐS - Có người ăn, thậm chí rất nhiều người ăn thì các hàng quán bán tiết canh, nem chạo nem chua mới bán được với số lượng lớn. Ai sợ cứ sợ, ai nhiễm bệnh cứ nhiễm còn việc thích ăn là của cá nhân. Vì vậy những món ăn chứa mầm bệnh nguy hiểm vẫn là món khoái khẩu của rất nhiều người.

Một số món làm từ thịt sống có nguy cơ nhiễm liên cầu lợn

Nem chua được làm từ thịt heo sống xay nhuyễn, những người làm nem chua thường dùng loại thịt heo vừa được mổ thịt ra, vẫn còn ấm để giữ độ bóng và sự kết dính cho nem trong quá trình ủ lên men. Nguyên liệu còn có bì lợn được chần chín qua nước sôi và trộn hỗn hợp thịt và bì lợn, thêm một chút muối, đường, bột ngọt, nước mắm, tỏi, ớt, hạt tiêu, thính và bột năng vào trộn đều. Sau đó có thể dùng lá đinh lăng hoặc lá ổi hoặc chút tỏi ớt quấn lại, tiếp đó lấy lá chuối bọc lại và dùng dây chun buộc bên ngoài. Nem sau khi cuốn được để vào nơi thoáng mát. Khoảng từ 2-3 ngày là nem chín.

Tương tự, ở một số địa phương thường chế biến món nem thính, nem chạo hay món thịt chua từ thịt sống hoặc chỉ nướng cho chín se.

Do nem chua được chế biến bằng các nguyên liệu thịt sống và làm chín bằng phương pháp lên men, vì vậy, đây là món ăn rất dễ bị nhiễm khuẩn. Chưa kể, nếu nem chua được chế biến từ lợn ốm, bệnh, nhiễm sán thì nguy cơ lây nhiễm giun sán cho người ăn rất cao.

Biết có nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm nhưng vẫn ăn tiết canh, nem thính, nem chua vì ngon - Ảnh 1.

Nem chua được chế biến từ thịt sống. Ảnh: Internet

Một số món từ máu động vật

Tiết canh là món ăn sống, sử dụng nguyên liệu là máu tươi của động vật được pha với chút nước mắm, nước muối vừa đủ có tác dụng hãm cho thành phẩm không bị đông lại trước khi trộn với những phần thịt, sụn động vật băm nhỏ để làm đông tiết.

Phổ biến nhất là tiết canh lợn, dê, ngan, vịt… đây là món được nhiều người kể cả đàn ông và phụ nữ ưa thích vì độ hấp dẫn của lớp nhân được băm nhỏ, của chút lạc rang, chút rau thơm dậy mùi và trên hết là lớp tiết đông man mát. Người thích ăn tiết canh thường cho rằng tiết canh là món vừa ngon vừa mát, lại bổ sung chất sắt cho cơ thể!?

Những món ăn ngon khó cưỡng dù biết có nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm - Ảnh 2.

Món tiết canh làm từ máu gia súc, gia cầm sống là nguồn bệnh nguy hiểm tiềm ẩn. Ảnh: Internet

Ngoài ra còn có tiết canh cua như món tiết canh cua Phú Quốc, cua sau khi rửa sạch, người ta buộc chặt càng cua và dùng kéo cắt ở các đốt thứ hai ở lần lượt hai bên thân cua. Tiết cua thu được có màu trắng và nhỏ giọt xuống phần thịt cua đã được chế biến sẵn.

Còn với món tiết canh tôm hùm, người ta thường dùng dụng cụ chích nhẹ vào phần mặt dưới, nơi tiếp xúc giữa mình và đầu, độ sâu của vết chích khoảng 1 – 1,5cm, tùy theo độ dày mỏng của mình tôm. Sau khi lấy tiết canh tôm hùm ra dĩa, chờ khoảng 3 – 5 phút cho tiết canh đông hẳn.

Theo WebMD (một trang thông tin liên quan đến sức khỏe của Hoa Kỳ), hầu hết các loại hải sản đều có một lượng nhỏ thủy ngân, kể cả tôm hùm. Ngoài ra rất nhiều tài liệu cho thấy trong cua sống có chứa ký sinh trùng, trên thực tế đã ghi nhận nhiều ca nhiễm giun sán, ký sinh trùng do ăn cua sống, uống nước cua sống, ăn cua nướng chưa chín... Mặc dù chưa ghi nhận ca nhiễm bệnh do ăn "tiết canh" tôm hùm nhưng với những thông tin trên, người tiêu dùng nên cân nhắc.

Những món ăn ngon khó cưỡng dù biết có nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm - Ảnh 3.

Tiết canh tôm hùm được cho là đặc sản với vì giòn sần sật như rau câu. Ảnh: Internet

Món khoái khẩu nhưng có nguy cơ cao nhiễm liên cầu lợn

Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Hà Nội, mới đây bệnh viện đã tiếp nhận 2 bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn.

Bệnh nhân thứ nhất là anh Đ.T.D. (51 tuổi, trú tại Vụ Bản, Nam Định) có tiền sử tăng huyết áp, xơ gan, uống rượu nhiều năm. Sau một ngày ăn tiết canh và tham gia thái thịt lợn hộ tại đám cưới, người này có biểu hiện mệt mỏi, sốt cao, rét run, nhiệt độ lên đến 39-40 độ C.

Bệnh nhân được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và được chẩn đoán nhiễm trùng huyết có sốc, viêm phổi, được điều trị kháng sinh tĩnh mạch liều cao, giảm đau, chống viêm, hạ sốt. Hiện tại, anh D. đã cắt sốt, hết khó thở, tình trạng nhiễm trùng giảm.

Những món ăn ngon khó cưỡng dù biết có nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm - Ảnh 4.

Anh Đ.T.D đã may mắn được điều trị qua cơn nguy kịch. Ảnh: BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Bệnh nhân thứ 2 là Đ.T.C. (nữ, 44 tuổi, trú tại Giao Thuỷ, Nam Định) làm nghề giết mổ lợn. Bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng hôn mê sâu, ban xuất huyết dạng đám, dải vùng cẳng bàn tay, bàn chân 2 bên, phổi có tình trạng viêm. Các bác sĩ chẩn đoán chị C. bị nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não mủ, viêm phổi. Hiện nay, bệnh nhân đã tỉnh, qua cơn nguy kịch và được rút ống nội khí quản.

Với 2 ca bệnh điển hình nói trên được xác định do liên cầu lợn do Streptococcus suis (S.suis) gây nên. Đây là bệnh lây truyền từ động vật sang người và có thể gây tử vong. Điều đáng nói là không chỉ ăn tiết canh hay thịt lợn sống mà việc tiếp xúc với lợn bệnh cũng có nguy cơ cao bị nhiễm liên cầu lợn.

Theo PGS.TS. Vũ Đức Định, nguyên Giảng viên chuyên khoa Tiêu hóa, Học viện Quân y, có rất nhiều yếu tố khiến tiết canh gia súc, gia cầm dễ trở thành nguồn lây nhiễm bệnh, từ con vật có thể chứa rất nhiều mầm bệnh trong máu như virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng đến khâu giết mổ, khu vực giết mổ không đảm bảo vệ sinh... Ngoài ra, mầm bệnh cũng có thể từ dao, chậu, thớt và những đồ đựng tiết khác.

Tác nhân gây bệnh có thể nhiễm từ tay chân người giết mổ, lây từ những con vật bị bệnh sang tiết của con vật khỏe mạnh. Bên cạnh đó, trong máu rất giàu chất dinh dưỡng nên dễ dàng bị nhiễm khuẩn và vi khuẩn sẽ nhân lên rất nhanh.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo để phòng lây nhiễm liên cầu lợn sang người, không ăn sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín hoặc từ lợn ốm, chết, đặc biệt không ăn tiết canh lợn; có biện pháp bảo hộ lao động như đeo găng tay, khẩu trang cho những người chăn nuôi, tiếp xúc, giết mổ, buôn bán gia súc.
Đã có bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn ở người, Bộ Y tế khuyến cáo gì?Đã có bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn ở người, Bộ Y tế khuyến cáo gì?

SKĐS - Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, trong những tháng đầu năm 2023 đã ghi nhận một số trường hợp nhiễm liên cầu lợn ở người tại một số tỉnh, thành phố.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Người đàn ông 42 tuổi gãi ra giun chui ở dưới da.



Hoàng Nam
Ý kiến của bạn