Những món ăn có ích cho người bị viêm dạ dày

17-04-2019 09:40 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Với người ung thư dạ dày, chế độ ăn uống phải được thường xuyên định lượng điều hòa cân đối, cân bằng.

Với người ung thư dạ dày, chế độ ăn uống phải được thường xuyên định lượng điều hòa cân đối, cân bằng. Nếu ăn quá nhiều hoặc quá ít sẽ gây ra các rối loạn chức năng hoạt động của lá lách và dạ dày, gây tổn thương lá lách và dạ dày, làm suy giảm khả năng miễn dịch của cơ thể.

Sau đây là một số món ăn có ích cho người bị bệnh ung thư dạ dày:

Cháo hà thủ ô:

Nguyên liệu: hà thủ ô đỏ (chế với đậu đen) 15g, đại táo 20 quả, gạo nếp hoặc gạo tẻ 100g.

Cách làm: đại táo bỏ hạt, rửa sạch; hà thủ ô nấu với nước, sắc thành nước thuốc. Nước sắc thủ ô, táo cho vào nồi nấu với nếp thành cháo.

Mỗi ngày một thang, chia ăn 2 lần sáng chiều.

Món ăn này có tác dụng ích khí dưỡng huyết, có ích cho người bệnh ung thư dạ dày, cơ thể suy nhược, ngăn ngừa ung thư dạ dày phát triển.

Những món ăn có ích cho người bị viêm dạ dày

Cháo hà thủ ô


Canh hà thủ ô, hướng dương, đại táo:

Nguyên liệu: đại táo 10 quả, hà thủ ô đỏ 15g, cọng cây hướng dương lượng vừa đủ.

Cách làm: cọng hướng dương lột bỏ da, chỉ lấy lõi trắng (mỗi lần dùng 5g - 6g) nấu chung với hà thủ ô và đại táo. Dùng uống nước, ăn táo.

Mỗi ngày 1 thang, một liệu trình từ 20 - 30 ngày.

Món này dùng cho người bị ung thư dạ dày với dạng khí huyết đều hư tổn.

Cháo ý dĩ nhân:

Nguyên liệu: ý dĩ nhân (sống) 20g, gạo nếp (hoặc gạo tẻ) 30g, đường trắng 20g.

Cách làm: vo sạch ý dĩ nhân, gạo nếp. Cho vào nồi, đổ thêm 2 tô nước lạnh vào nấu chung. Nấu sôi với lửa to rồi để lửa vừa, khoảng 30 phút.

Ăn cháo lúc còn nóng vừa. Mỗi ngày 1 lần (người thích ngọt thêm lượng đường, những người thích ăn nhạt thì thêm rau cải vào).

Sau khi mỗ dạ dày, thường ăn loại cháo này có thể giúp giảm thiểu cơ hội tái phát.

Canh thịt heo, vỏ cây gạo (mộc miên):

Nguyên liệu: vỏ cây mộc miên 150g, thịt heo nạc 150g, nước 5000ml.

Cách làm: hai thứ rửa sạch, nấu với nước khoảng 7 - 8 giờ, sắc cô lại còn 1 chén (250ml). Uống mỗi ngày 1 lần.

Nếu sau khi uống liên tục 1 tuần, cảm giác đau nhức giảm bớt, thì tiếp tục dùng cho đến khi hết đau nhức thì thôi.

Cháo rễ đằng lê (đằng lê căn):

Nguyên liệu: rễ đằng lê 125g, thịt heo nạc 100g, gạo tẻ 100g.

Cách dùng:

Cách làm: rễ đằng lê rửa sạch, sắc với nước như sắc thuốc để lấy nước; thịt heo xắt miếng nhỏ; cả hai vị nấu chung với nếp thành cháo.

Ăn thịt, húp cháo, mỗi ngày một thang, ăn sáng chiều. Từ 7 - 14 ngày là một liệu trình.

Món ăn này có tác dụng kiện tỳ ích khí, có ích cho người bệnh ung thư dạ dày, ngăn ngừa ung thư dạ dày phát triển.

Những món ăn có ích cho người bị viêm dạ dày

Rễ đằng lê (loài cây cho trái kiwi) có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, thường dùng trong điều trị ung thư dạ dày, đường ruột, cổ tử cung


Canh trứng, rễ đằng lê:

Nguyên liệu: rễ đằng lê 50g, 2 trứng gà, đường trắng 20g.

Cách làm: rễ đằng lê rửa sạch, cho vào nồi đất nhỏ, đổ vào một tô nước lớn, nấu lửa nhỏ 20 phút, sắc còn lại 1/2 tô, rót nước ra, bỏ xác.

Đổ nước thuốc vào nồi gang, nấu lửa nhỏ cho sôi rồi đập trứng vào nồi, bỏ vỏ, thêm đường vào. Tiếp tục nấu sôi 3 phút rồi nhắc xuống, dùng để ăn điểm tâm.

Ăn hết một lần. Nếu không, chia làm 2 lần, ăn trong ngày.

Ăn thường xuyên món này, có thể giúp bồi bổ cho người bệnh ung thư dạ dày, ngăn ngừa ung thư dạ dày, phát sinh hoặc tái phát.

(Rễ đằng lê còn gọi là đằng lê căn, mi hầu đào căn, là rễ của một loài cây dương đào, tức loài cây cho trái kiwi, tên khoa học Actinidia arguta (Sieb. & Zucc) Planch. ex Miq., có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, thường dùng trong điều trị ung thư dạ dày, đường ruột, cổ tử cung.

Dùng trị tiêu hóa không tốt, tiêu chảy, ói mửa, vàng da, đau khớp, phong thấp...).

Sau khi hóa trị, xạ trị ung thư dạ dày làm cho tiêu hóa rối loạn, sình bụng, nên dùng những món sau:

Bột ngó sen (củ sen):

Nguyên liệu: bột ngó sen 2 muỗng canh,

Cách làm: cho bột ngó sen vào nước sôi để nguội, trộn đều, rồi bắc lên bếp lửa, nấu cho đến khi thành hồ để dùng.

Món ăn này có tác dụng bổ huyết, điều hòa nội tạng, làm mạnh dạ dày.

Nước cốc nha (mạch nha), trần bì:

Nguyên liệu: cốc nha (sao) 10g, trần bì 10g.

Cách làm: hai thứ rửa sạch, sắc uống. Thích hợp dùng để tiêu hóa thức ăn bị ứ trệ gây ra bệnh sình bụng.

Bánh kiện tỳ ích khí:

Nguyên liệu: bột nếp, bột gạo, đường trắng mỗi thứ 250g; phục linh, hoài sơn, khiếm thực, hạt sen, mỗi thứ 20g.

Cách làm: hạt sen bỏ tim, sao khô chung với hoài sơn, khiếm thực, nghiền thành bột, rồi trộn đều với bột gạo, bột nếp, đường trắng, hấp chín làm thành bánh.

Mỗi ngày ăn khi bụng đói, ăn vừa đủ. Thích hợp dùng trong các chứng tỳ vị suy yếu dẫn đến chứng sình bụng.

Canh cá chép, đậu xị:

Nguyên liệu: cá chép 300g, đạm đậu xị 6g, tiêu 1g, gừng sống 2 lát, trần bì 6g. Cách làm: cá chép làm sạch, cho vào nồi cùng với đạm đậu xị,  tiêu sọ, gừng sống, trần bì, và lượng nước vừa phải, nấu chín. Để hơi nguội rồi dùng, uống nước canh, ăn cá.

Thích hợp với bệnh dạ dày bị lạnh gây mệt mỏi, tê tay chân, hoạt động yếu.

Những món ăn có ích cho người bị viêm dạ dày

Canh cá chép, đậu xị


Cháo bao tử heo, gạo nếp (hoặc gạo tẻ):

Nguyên liệu: bao tử heo 100g, gạo nếp 100g,

Cách làm: bao tử heo làm sạch, xắt miếng nhỏ, rửa lại cho sạch, đổ nước vừa phải, nấu với gạo nếp thành cháo nhừ. Dùng ăn vào lúc đói bụng.

Món ăn này có tác dụng bổ khí huyết, làm mạnh dạ dày.

Cách ăn uống trong bệnh ung thư dạ dày, thường bị ói mửa:
Hỗn hợp hoài sơn, bán hạ:
Nguyên liệu: hoài sơn 30g, bán hạ (chế) 30g, đường trắng lượng vừa đủ.
Cách làm: hoài sơn rửa sạch, sấy khô, tán thành bột mịn; bán hạ rửa sạch mùi, thêm 200ml nước, nấu còn 100ml, bỏ xác. Cho nước sắc bán hạ vào bột hoài sơn dược, trộn đều để dùng.
Món này có tác dụng bồi bổ tỳ vị, giáng nghịch, ngưng ói mửa. Thích hợp cho trường hợp ói mửa do tỳ vị suy yếu.
Cháo gừng, mật ong:
Nguyên liệu: gừng sống 15g, gạo nếp 50g, mật ong 30g.
Cách làm: giã nát gừng sống, đổ vào 1 tô nước vắt lấy nước. Gạo nếp vo sạch, giã nát mịn. Hai tứ cho vào nồi rồi đổ mật ong vào, nấu chín để dùng.
Món này có tac dụng làm ấm tỳ vị, chữa ói mửa rất hiệu quả. Thích hợp bệnh tỳ vị suy lạnh gây ra ói mửa.
Nước mía, rễ nho:
Nguyên liệu: một ly nước mía, 5 giọt nước cốt gừng, rễ cây nho tươi 30g.
Cách làm: ba thứ sắc uống. Tác dụng hạ khí, ấm bụng, thích hợp dùng cho bệnh dạ dày ói mửa.
Món này có tác dụng ôn trung tán hàn, bổ tâm ích tỳ, làm ấm dạ dày, giảm đau.

Lương y ĐINH CÔNG BẢY
Ý kiến của bạn