Thân thể tuổi cao, tâm trí thanh niên
Ở cái tuổi 70 nhưng ông Đinh Xuân Toàn và bà Lê Thị Xuân vẫn rất thích vận động. Mọi người đến nhà chơi đều thắc mắc vì sao vợ chồng già mà vẫn ham đi như vậy thì ông Toàn chỉnh ngay: “Đừng dùng từ già. Chữ già nó không chuẩn, nó làm cho người ta nghĩ đến sự yếu ớt, trì trệ. Khi người ta nghĩ mình già, lúc ấy mình già thật, còn chúng tôi, thân thì cao tuổi, nhưng tâm trí vẫn còn thanh niên lắm!”.
Mỗi ngày mới, bất kể ngày đông hay hè, đôi vợ chồng ấy đều thức dậy lúc 4h30’ rồi cùng nhau đạp xe từ nhà ra Hồ Tây trọn một vòng. “Đây không chỉ là bài tập thể dục buổi sáng mà còn là bài thuốc sống vui, sống khỏe của chúng tôi đấy. Đạp xe hơn 25km chỉ hết khoảng 2 giờ đồng hồ thôi, nhẹ nhàng, vừa sức”, ông Toàn vui vẻ chia sẻ. Nghe chất giọng miền Trung chắc khỏe, cử chỉ nhanh nhẹn ít ai nghĩ ông Toàn đã ở tuổi 73, còn bà Xuân năm nay 67 tuổi.
Tóc trên hai mái đầu đều đã bạc nhưng mỗi khi nhớ lại “thuở ban đầu” ông bà thấy mình như trẻ lại. Họ quen nhau ngay tại cổng Trường Tài chính kế toán Văn Lâm (Hưng Yên), khi đó bà Xuân là sinh viên, ông Toàn là bộ đội- đóng quân gần trường của bà. Đám cưới của họ hết sức mộc mạc, giản dị, không hoa không tiệc mặn, chỉ có một chút bánh kẹo mời khách. Dù nghèo nhưng hai vợ chồng vẫn đi chụp bức ảnh kỉ niệm, mỗi người giữ một tấm. Sau đám cưới, họ bịn rịn chia tay nhau, bà tiễn ông ra chiến trường gửi thương nhớ qua từng cánh thư. Những năm kháng chiến chống Mỹ, ông Toàn là sĩ quan trong binh chủng ra-đa, còn bà Xuân làm kế toán ở Bộ Ngoại thương.
Lấy nhau 45 năm thì hơn một nửa thời gian ông phục vụ trong quân ngũ, biền biệt xa nhà. Có lúc đóng quân ở Nghệ An, chỉ được nghỉ phép 3 ngày, ông đạp xe về thăm vợ con mất 2 ngày đường, chỉ còn lại một đêm bên gia đình, lần nào gặp nhau cũng vội vã. Mãi sau này khi đất nước hòa bình, họ mới đoàn tụ tại Hà Nội. Ông Toàn bảo: “Cả thời tuổi trẻ đã xa cách nhau, giờ có tuổi rồi mới có thời gian riêng tư, phải tranh thủ để ở cạnh nhau, nên tôi đi đạp xe cùng bà ấy”.
Cuộc sống “xê dịch” của hai ông bà bắt đầu vào năm 2004, khi bà Xuân được giới thiệu gia nhập Câu lạc bộ Người cao tuổi đạp xe xuyên Việt. Sau gần một năm tham gia vào đội đạp xe, bà Xuân đã cùng Hội Người cao tuổi UNESCO đi cả trăm chuyến, khi thì xuyên Việt, khi thì là những chặng vài trăm kilômét đi Lào, Campuchia. Còn ông Toàn, mãi đến năm 2009 khi chính thức nghỉ hưu ông mới tham gia niềm say mê đạp xe xuyên Việt cùng người bạn đời.
Từ đó đến nay, chuyến đi nào của hội cũng có sự xuất hiện của cả hai ông bà. Gần đây nhất, hồi tháng 5/2014, hai ông bà cùng hai người bạn cao niên trong Câu lạc bộ xe đạp Người cao tuổi Thủ đô thực hiện chuyến đạp xe về nguồn mừng 60 năm giải phóng Điện Biên. Hành trình của họ bắt đầu từ Hà Nội lên Điện Biên rồi quay ngược trở lại Hòa Bình, đi vào Nghệ An thăm quê Bác. Lượt về, họ lại đi theo quốc lộ 1 qua Thanh Hóa, Ninh Bình về Hà Nội. Nhưng đó mới chỉ là lần đạp xe ngắn nhất trong những chuyến về nguồn mà ông bà thực hiện mà thôi.
Vợ chồng bà Xuân, ông Toàn trong chuyến đạp xe xuyên Việt năm 2010. Họ dừng chân nghỉ ngơi ở đèo Lò Xo dài 20 km thuộc địa phận huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum (ảnh do nhân vật cung cấp).
Những cung đường hạnh phúc
Có lẽ cả thời tuổi trẻ cách xa nhau, nên đến tuổi xế chiều, hai ông bà dành nhiều thời gian ở cạnh nhau hơn. Mỗi chuyến đi, mỗi nơi có dấu chân họ qua đều ghi dấu ấn tình yêu mãnh liệt và nồng cháy. Mở cuốn sổ nhật kí ghi lại hành trình chuyến đi, bà Xuân vừa đọc vừa ngâm những câu thơ đẹp, mộc mạc “vịnh” về chiếc xe đạp, phương tiện quan trọng hàng đầu và không thể thiếu của họ: “Những chiếc xe lăn trên đường dài xóm vắng/Những cụ ông, cụ bà đạp xe hăng như sức trẻ/Vui tuổi già trong câu lạc bộ đạp xe”.
Bà Xuân hồ hởi kể tiếp: “Hầu như chuyến nào chúng tôi đi cũng dài, ít thì một tháng, dài hơn thì hai, ba tháng. Nguyên tắc của đoàn là đạp xe “nghiêm túc”, nghĩa là không có chuyện di chuyển bằng phương tiện khác trong suốt chuyến đi, trừ trường hợp ai đó bị ốm nặng, không thể đạp xe nổi, đoàn sẽ để người đó về nhà, nhưng cả chục năm nay, tôi chưa thấy trường hợp nào như thế cả. Trung bình mỗi ngày chúng tôi đạp khoảng 70 – 80km, có lần “hăng” nhất là đi một mạch 186 km mới nghỉ chặng”.
Hai ông bà rong ruổi cùng nhau khắp các cung đường Bắc –Nam. Có những chuyến “xê dịch” hàng tháng trời, ông Toàn luôn đi sau xe vợ, đẩy xe vợ lúc lên dốc, bóp chân tay cho vợ mỗi chặng dừng chân. “Trong chuyến đạp xe xuyên Việt năm 2010 của câu lạc bộ, đoạn từ A Lưới đến Đông Giang (Thừa Thiên Huế) suốt 90km không có nhà dân trừ hai trạm kiểm lâm mà nắng tháng 5 khủng khiếp. Đoàn xe bảo nhau ai khỏe thì đi trước gặp nhau ở điểm dừng chân. Một số cụ phải tạt vào các lán làm đường xin nghỉ nhờ. Chúng tôi leo được 2 ngọn đèo đành phải trải nilon nằm giữa trời nắng nghỉ, trong khó nhọc bất chợt cảm nhận mãnh liệt niềm yêu thương gắn bó vợ chồng”, ông Toàn hóm hỉnh kể.
Có rất ít lần hai ông bà không đi cùng với nhau. Chính bởi thế mà có lần không đi cùng chồng, bà Xuân đã bị lạc và khóc như trẻ con. Ông Toàn kể: “Đó là một buổi tối nghe vợ gọi điện về kể chuyện bị lạc đường và khóc như trẻ con, tôi vừa buồn cười vừa lo, không nghĩ vợ mình…lại nhát thế”. Bà Xuân ngượng nghịu kể: “Lần ấy, tôi bị lạc ở chặng Cai Lậy, Tiền Giang, đi qua mấy cái cầu tre thấy đoạn nào cũng giống nhau, hỏi thăm mới biết tôi đi ngược đường. May trong cả hành trình, trưởng đoàn đều phổ biến lịch các điểm dừng chân nên đến trưa là tôi tìm được đoàn”.
Rồi bỗng bà Xuân ngậm ngùi, đi qua các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, mọi người không cầm được nước mắt khi gặp những cháu bé có áo không quần, có quần không áo, nhem nhuốc. Họ đem cho quần áo, chăn màn, thuốc thang, mì tôm… đồng thời lưu lại một số địa điểm quá khó khăn, sau chuyến đi sẽ gom góp ủng hộ.
Những ngày rong ruổi trên xe đạp đã đành, ở nhà, họ cũng quấn quýt với nhau. Họ vẫn gọi nhau bằng anh, xưng em như thời còn son trẻ. Hiện tại, ông bà có 3 người con đều đã lập gia đình và sống riêng. Ông Toàn vui vẻ nói: “Có chung những sở thích và có việc để làm khiến chúng ta chậm già đi. Bí quyết giữ “lửa” tình yêu của chúng tôi đơn giản chỉ là tôn trọng nhau, luôn đối thoại và ủng hộ đam mê của nhau”.
Quỳnh Nguyên