Những mô hình chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em thành công

10-12-2022 06:08 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Việt Nam là một trong số ít nước đã giảm được 3/4 tỷ số tử vong mẹ trong giai đoạn 1990-2015 để thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ. Kết quả này một phần nhờ những mô hình được triển khai thành công.

Khó khăn trong can thiệp sức khỏe bà mẹ vùng dân tộc thiểu sốKhó khăn trong can thiệp sức khỏe bà mẹ vùng dân tộc thiểu số

SKĐS - Tỷ lệ tử vong mẹ ở các nhóm dân tộc thiểu số cao gấp 4-5 lần so với nhóm người dân tộc Kinh. 7 trong số 10 tỉnh có tỉ số tử vong mẹ cao nhất giai đoạn 2016-2018 đều là các tỉnh miền núi phía Bắc.

Nhiều chỉ số được cải thiện

Tổng kết mục tiêu phát triển thiên niên kỷ MDGs, Việt Nam được đánh giá là một trong số ít nước đã giảm được 3/4 tỷ số tử vong mẹ (TVM) trong giai đoạn 1990 – 20152. Đóng góp vào thành tựu đó là các nỗ lực trong việc cải thiện chất lượng chăm sóc sức khoẻ bà mẹ của toàn hệ thống chính trị, trong đó ngành y tế đóng vai trò nòng cốt. Hầu hết (97%) số phụ nữ mang thai (PNMT) được quản lý thai; gần 90% được khám thai 3 lần trở lên; 95% PNMT được tiêm phòng uốn ván.

Tỷ lệ đẻ tại cơ sở y tế (CSYT) đạt mức 97% và có đến 98% cuộc đẻ có cán bộ y tế (CBYT) đã được đào tạo đỡ. Các hoạt động chăm sóc sau sinh cũng bao phủ được hơn 80% số bà mẹ và trẻ sơ sinh (TSS) trong tuần đầu sau đẻ.

Kể từ khi chuyển sang thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững SDGs đến nay, các chỉ số về làm mẹ an toàn vẫn được duy trì ở mức cao. Tỷ lệ quản lý thai luôn đạt trên 95%; tỷ lệ khám thai tối thiểu 3 lần đạt trên 80%; tỷ lệ tiêm phòng uốn ván trên 92%; tỷ lệ phụ nữ đẻ có nhân viên y tế được đào tạo đỡ đạt trên 97% và tỷ lệ phụ nữ được chăm sóc sau sinh trên 81%3.

Những mô hình chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em thành công - Ảnh 2.

Kể từ khi chuyển sang thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững SDGs đến nay, các chỉ số về làm mẹ an toàn vẫn được duy trì ở mức cao.

Với số bà mẹ được chăm sóc trước, trong và sau sinh đạt tỷ lệ cao trên diện rộng, cuộc đẻ của các bà mẹ đã an toàn hơn nhiều. Kết quả điều tra toàn quốc cho thấy tỷ số TVM đã giảm rõ rệt từ 69/100.000 trẻ đẻ sống năm 2009 xuống 46/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 20194.

Về sức khỏe trẻ sơ sinh, theo ước tính của WHO, tỷ suất TVSS tại Việt Nam năm 2014 là 12‰, tương đương với số liệu báo cáo của Tổng cục Thống kê và UNICEF cùng năm là 12‰. Số liệu ước tính mới nhất của WHO năm 2019 là 10,5‰, thấp hơn số ước tính cho các nước khu vực Đông Nam Á (13‰) và đã giảm được 1,5‰ so với năm 2014.

Nguyên nhân tử vong chính ở trẻ sơ sinh ở nước ta, cũng giống như ở các nước đang phát triển khác, chủ yếu vẫn là ngạt sơ sinh, đẻ non/nhẹ cân, hạ thân nhiệt, hạ đường huyết, dị tật và nhiễm khuẩn. Cần nhấn mạnh là phần lớn tử vong ở trẻ sơ sinh do các nguyên nhân trên đều có thể phòng tránh được nếu như các can thiệp cứu sống trẻ sơ sinh được áp dụng có hiệu quả ở cả cộng đồng và cơ sở y tế.

Về sức khỏe trẻ em, tuy chưa đạt MDG4 về giảm 2/3 tử vong trẻ dưới 5 tuổi, nhưng tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi (U5MR) ở nước ta cũng đã giảm từ 58‰ năm 1990 xuống 22,1‰ vào năm 2015, tương đương với mức giảm 62%, đó cũng là một thành công đáng ghi nhận. Với hiện trạng này, Việt Nam có lợi thế là bắt đầu giai đoạn thực hiện SDGs với tỷ suất tử vong trẻ em (TVTE) thấp hơn mục tiêu chung của toàn cầu cho năm 2030. Đây là một cơ hội nhưng cũng là thách thức không nhỏ trong việc duy trì kết quả thực hiện các SDGs về sức khoẻ bà mẹ, trẻ em.

Một số mô hình can thiệp thành công, giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh và trẻ em:

Mô hình Cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số

Mô hình Cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số được thử nghiệm từ những năm 1990 và được nhân rộng từ năm 2008. Các cô đỡ được lựa chọn từ các phụ nữ trẻ người dân tộc thiểu số, hầu hết có trình độ văn hóa từ lớp 5 trở lên, được đào tạo những kỹ năng cơ bản về chăm sóc sản khoa và xử trí ban đầu các tai biến sản khoa và sơ sinh. 

Những mô hình chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em thành công - Ảnh 3.

Mô hình cô đỡ thôn bản cần nhân rộng.

Đánh giá về hiệu quả ở một số tỉnh miền núi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống cho thấy can thiệp bằng đào tạo đã đáp ứng được kỳ vọng của địa phương, phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hoá, xã hội, phong tục, tập quán của người dân trên địa bàn miền núi khó khăn, từ đó nâng cao được chất lượng chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ sơ sinh tại cộng đồng.

Mô hình Chăm sóc bà mẹ, trẻ sơ sinh liên tục từ gia đình đến cơ sở y tế

Mô hình thử nghiệm được tiến hành ở 2 huyện miền núi Ngọc Lặc và Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá trong thời gian 4 năm (2008 - 2011). Các hoạt động can thiệp chính bao gồm: Đào tạo nhân viên y tế tuyến xã/huyện và tỉnh về chăm sóc trẻ sơ sinh thiết yếu; Cung cấp trang thiết bị cho các bệnh viện (BV), trung tâm y tế (TTYT) tuyến huyện và các trạm y tế (TYT) xã; Nâng cao năng lưc quản lý tại các tuyến y tế thông qua giám sát hỗ trợ, sử dụng các bộ công cụ cải thiện chất lượng; - Lồng ghép và phối hợp hoạt động truyền thông thay đổi hành vi tại hộ gia đình, cộng đồng;Tập huấn lại về chăm sóc sơ sinh thiết yếu cho khoa nhi các TTYT/BV huyện.

Kết quả sau 4 năm can thiệp, tử vong sơ sinh giảm một nửa so với trước can thiệp ở 2 huyện: Như Thanh giảm từ 21,1‰ xuống 10,6‰ và Ngọc Lặc từ 19,2‰ xuống 10,0‰.

Mô hình can thiệp Giảm tử vong sơ sinh ở tỉnh Quảng Ninh

Dự án NeoKIP (Neonatal Health - Knowlege in to Practice) đã thử nghiệm can thiệp bằng phương pháp hỗ trợ (Facilitation) vào nhóm cán bộ chủ chốt tại địa phương, là những người có trách nhiệm về chuyên môn và chính quyền trong chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ sơ sinh tại 8 huyện có tỷ suất TVSS ≥ 15‰ trên toàn tỉnh Quảng Ninh.

Phương pháp can thiệp là hỗ trợ cộng đồng với các hoạt động cụ thể như sau: Lựa chọn và tập huấn cho các cán bộ hỗ trợ (người có uy tín trong cộng đồng) về kiến thức và kỹ năng hỗ trợ; kiến thức cơ bản về nội dung CSSK bà mẹ và trẻ sơ sinh, giới thiệu về các chương trình can thiệp y tế, các tài liệu hiện có, đặc biệt là hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản của Bộ Y tế;

Công việc cụ thể: Cán bộ hỗ trợ tổ chức và duy trì cuộc họp với nhóm cán bộ chủ chốt tại xã mỗi tháng 1 lần để phát hiện vấn đề và lập kế hoạch cụ thể giải quyết vấn đề tại địa phương. Các cuộc họp sau đánh giá lại xem các vấn đề đó đã được giải quyết thế nào, phân tích nguyên nhân và lập kế hoạch hoạt động tiếp theo.

Với phương pháp hỗ trợ trên, dự án đã thành công trong việc tăng cường sự tham gia của cộng đồng về chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh. Kết quả là sau 3 năm can thiệp (2008 - 2010), tỷ lệ các bà mẹ đi khám thai và đẻ tại cơ sở y tế tăng cao rõ rệt, đặc biệt là giảm 49% tỷ lệ tử vong sơ sinh ở địa bàn các xã có can thiệp. Ước tính kinh phí cho can thiệp là khoảng 6,5 USD cho mỗi bà mẹ mang thai và sinh đẻ

Mô hình can thiệp Nâng cao chất lượng cấp cứu sơ sinh tại bệnh viện ở Lào Cai

Can thiệp đào tạo và giám sát hỗ trợ sau đào tạo cho các đối tượng bác sĩ, điều dưỡng và hộ sinh được thực hiện tại tất cả các BV tuyến tỉnh và huyện ở Lào Cai trong 2 năm (2018 – 2019).

Đánh giá kết quả sau can thiệp cho thấy: Kiến thức và thực hành: Kiến thức về cấp cứu sơ sinh không tăng nhưng các thực hành có cải thiện rõ rệt. Số kỹ năng được thực hiện thành thạo tăng gần gấp hai lần so với thời điểm đào tạo như xử trí ngạt, suy hô hấp, chẩn đoán và xử trí xuất huyết (tăng từ 40 - 80%).

Cải thiện xử trí cấp cứu, giảm bệnh nhân chuyển, giảm tử vong sơ sinh: Sau can thiệp, bệnh nhân đến một số bệnh viện tăng lên và số bệnh nhân chuyển lên tuyến trên đã giảm rõ rệt. Bệnh nhân tử vong chỉ có ở BV tỉnh và đều là những bệnh nhân nặng như bệnh nặng như tim bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa chưa có khả năng điều trị tại bệnh viện tỉnh.

Ngoài ra, một số can thiệp trực tiếp cải thiện chất lượng chăm sóc, cứu sống bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em cũng được thực hiện một cách hiệu quả như thành lập ngân hàng sữa mẹ; ngân hàng máu sống; BV bạn hữu trẻ em; chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ.

(Theo Kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản tập trung vào  chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ giai đoạn 2021-2025, Bộ Y tế)

Chính sách ưu tiên trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ dân tộc thiểu sốChính sách ưu tiên trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ dân tộc thiểu số

SKĐS - Để khuyến khích phụ nữ mang thai đi khám thai định kỳ, sinh đẻ tại cơ sở y tế, các chính sách ưu tiên hiện được thực hiện rộng rãi như hỗ trợ tiền ăn ở, đi lại, thực phẩm, tã bỉm… trong suốt thời kỳ trước, trong và sau đẻ.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Những Điều Có Thể Bạn Chưa Biết Về Nữ Bác Sĩ Đầu Tiên Của Việt Nam | SKĐS


PV
Ý kiến của bạn