Đó là những nhận xét của nhà văn gạo cội Ma Văn Kháng về tiểu thuyết “Đáy giếng” của nhà văn Phạm Thị Bích Thủy, tác phẩm vừa ra mắt bạn đọc chiều 12/4 tại Hà Nội. Phạm Thị Bích Thủy không còn xa lạ trong làng văn nước nhà cũng như bạn đọc, trước “Đáy giếng”, chị đã có một số tác phẩm được công chúng đón nhận như tập truyện ngắn Chạy trốn (2013), tiểu thuyết Đồi cát bay (2014), Tiếng sáo lạc (2015). Bích Thủy là “dân ngoại ngữ”, hiện chị là quản trị viên cao cấp tại một tập đoàn kinh tế ở Hà Nội.
Buổi ra mắt đứa con tinh thần mới nhất của Phạm Thị Bích Thủy nhận được sự quan tâm của giới làm nghề, trong đó có nhà thơ Hữu Việt, nhà phê bình Văn Chinh, Vũ Nho, nhà văn Chu Lai, Ma Văn Kháng, Nguyễn Chí Hoan, nhà văn Nguyễn Bắc Sơn…
Từ trái qua: nhà thơ Hữu Việt, nhà văn Bích Thủy, nhà phê bình Văn Chinh và nhà văn Ma Văn Kháng trao đổi xung quanh tác phẩm "Đáy giếng".
“Đáy giếng” xoay quanh các nhân vật ở nhà máy rượu Vodaco. Không gian nghệ thuật hạn hẹp và tù túng nhưng lại tải một trường thiên chưa có hồi kết của cả một nền kinh tế đi từ bao cấp đến thị trường đầy gian manh, lọc lừa, trì trệ, bảo thủ, đố kỵ, độc ác, quanh co, xảo quyệt, ngớ ngẩn, tham lam và bần tiện. Những nhân vật điển hình trong tác phẩm dường như bất cứ ai đã từng đi làm trong một cơ quan đều có thể bắt gặp hàng ngày.
Đó là một giám đốc Phương đầy đủ năng lực chuyên môn, khôn ngoan tháo vát, mưu cao kế hiểm nhưng vẫn thất bại trước một phe liên minh ma quỷ trong công ty là Hách vuông – Lý híp – Hợi lợn. Cuối cùng, mọi nỗ lực của người đàn ông đối với công ty đành phải đầu hàng trước cỗ máy vừa thiếu trình độ vừa mang đầy đủ một thứ văn hóa khó gọi tên của đại bộ phận những nhân sự đã bị cơ chế làm hỏng. Sự thiếu chuyên nghiệp và thiếu hiểu biết cũng đã đẩy ông Phương phải vào tù sau những cơn say tự nhận mình là “Một giám đốc hèn”, cái hèn thường thấy của những kẻ sợ bị “mất ghế”.
Bìa cuốn tiểu thuyết Đáy giếng
Đó còn là một Chủ tịch hội đồng quản trị Lý híp xuất thân từ một công nhân nhà máy rồi lần hồi đi lên vị trí cao cấp nhất của công ty. Sau khi nghĩ ra trò cắt một mấu thang rồi gá lại như cũ một cách tinh vi để hại một công nhân cấp thấp vì tội đã dám tố cáo những hành vi tham nhũng của Hách vuông – người tình ông ta. Hoặc một nhân vật độc nhất vô nhị là kế toán trưởng Hách vuông, dù mẫu hình này có thể bắt gặp hàng ngày. Một ả đàn bà đi lên chức cao nhất của công ty từ vị trí một nữ công nhân dán nhãn, đã dùng đủ mọi kế sách lừa lọc để đuổi người - tuyển người nhằm mục đích ti tiện của bản thân, để lấy chồng, để thăng chức, để giành vị trí cho con, để tham nhũng đầy túi, để thỏa mãn bản năng dâm ô, sỹ diện, đố kỵ, để đẩy đồng nghiệp vào vòng lao lý. Và bạn đọc thấy Hách vuông chính là nhân vật tạo nên thành công của “Đáy giếng”.
Theo nhà văn Ma Văn Kháng, Đáy giếng là câu chuyện làm ăn, quan hệ giữa người và người trong guồng máy sản xuất dần dần hiện lên dưới ngòi bút kể chuyện nhẩn nha đủng đỉnh của nhà văn. Nhẩn nha đủng đỉnh là một thủ thuật đòi hỏi người viết phải có cái duyên văn tự. Nhìn chung đây là một mạch truyện luôn biến động mà sâu trầm vì sự sống dồi dào cuồn cuộn, liên tiếp có những làn sóng cao trào nhiều kịch tính, đặc biệt càng về cuối càng cuốn hút vì các sự kiện và tính cách nhân vật đã được đẩy đến đỉnh điểm. Nói đến tiểu thuyết là nói đến nhân vật. Thành công của cuốn sách còn nằm ở phương diện này.