Hà Nội

Những mảnh đời xa xứ

23-09-2013 07:13 | Xã hội
google news

Họ là những người sang nước Đức lập nghiệp, mơ về một cuộc sống tốt đẹp bằng các con đường không chính thống. Mỗi người mỗi tâm trạng, mỗi hoàn cảnh nhưng tựu trung ai cũng có những nỗi lòng nặng trĩu.

Họ là những người sang nước Đức lập nghiệp, mơ về một cuộc sống tốt đẹp bằng các con đường không chính thống. Mỗi người mỗi tâm trạng, mỗi hoàn cảnh nhưng tựu trung ai cũng có những nỗi lòng nặng trĩu. Cuộc sống nơi xa xứ với sự mưu sinh khắc nghiệt, họ đã phải đối mặt với nhiều nỗi lo để được sinh sống hợp pháp. Bên cạnh sự hào nhoáng của một đất nước phát triển và những người đồng hương nhập cư thành đạt, còn đó bao số phận đầy nỗi đắng cay...

Thân gái dặm trường

Chị ngồi cạnh tôi trên chuyến bay Frankfurt - Hà Nội hôm đó. Cả chuyến bay với hơn 300 hành khách, có gần nửa là người nước ngoài, trong số người Việt thì đa phần là du học sinh về nước nghỉ hè nên việc hai người phụ nữ ngồi cạnh nhau có phần dễ bề chuyện trò suốt 11 giờ bay khiến cả tôi và chị đều mừng. Chị nhỏ nhắn, rắn rỏi, nhanh nhẹn và có phần trẻ hơn so với độ tuổi đã gần 60 của mình. Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu bằng những câu xã giao vu vơ. Thói quen nghề nghiệp, tôi muốn biết nhiều về cuộc sống của chị nhưng không dám hỏi vì trong thời gian ngắn du lịch ở Đức, tôi đã kịp hiểu: người Đức không mấy khi hỏi han kỹ về cuộc sống của nhau, nhất là những chuyện về gia đình riêng, thu nhập... Chỉ khi cảm thấy thân mật, họ sẽ tự bộc bạch. Nhưng rồi cách nói chuyện có vẻ tâm đầu ý hợp nên câu chuyện giữa chúng tôi trở nên thân mật dần và chị đã tự trải lòng về đời mình... Chị là một trí thức Hà Nội, là giảng viên đại học. Anh là kỹ sư của một nhà máy cơ khí. Hai vợ chồng có một cô con gái. Năm 1986, cả chị và anh đều mừng rỡ khi anh được đi lao động hợp tác tại Đức, hy vọng cuộc sống gia đình sẽ bớt khó khăn.
 
Những mảnh đời xa xứ 1
 Du khách tham quan bức tường Berlin.
Cuối năm 1990, nước Đức thống nhất, bạn bè và nhiều đồng nghiệp của anh về nước. Chị mong mãi không thấy anh trở về. Những cánh thư cũng thưa và nhạt dần. Linh tính như có điều gì đó không ổn, năm 1993, chị giấu hai bên gia đình, theo một tổ chức đưa người ra nước ngoài, đến nước Đức tìm anh. Lặn lội mãi chị cũng tìm được đến đúng nơi anh cư trú theo địa chỉ trên những lá thư cũ. Không có ai đón chị, chồng chị cũng không muốn gặp chị. Anh đã giấu chị và hai bên gia đình suốt bấy lâu nay để sinh sống và có con với người đàn bà khác. Chị đã bị điên vì cú sốc tinh thần quá lớn. Mấy người Đức nhìn thấy chị phải sống vất vưởng trên đường, không biết đi đâu về đâu, họ đã đưa chị vào trại tỵ nạn. Bao nhiêu ngày tháng vừa sống trong trại vừa chữa bệnh, thế mà chồng chị không một lời hỏi thăm. Chị đau đớn vì mất chồng thì ít mà đau đớn vì sự bạc bẽo của một người mà trước đây chị đã tin tưởng để trao gửi cả số phận cuộc đời mình thì nhiều. Chị cũng nghĩ đến việc trở về nước, nhưng với tình trạng bệnh thế này thì chỉ làm khổ người thân, mà cũng đã mất việc làm rồi, nỗi đau đớn càng chồng chất, nên đành phải ở lại trại tỵ nạn. Tình thương của những con người cùng hoàn cảnh, sống trong trại tỵ nạn đã giúp chị chữa khỏi bệnh và vững vàng hơn. Một thời gian sau, chị được cấp giấy phép cư trú ngắn hạn rồi dài hạn và đón con gái sang du học. Năm nào chị cũng về Việt Nam chơi. Chị bảo, bây giờ đồng nghiệp cũ của chị đều đã được hưởng thụ cuộc sống an nhàn rồi. Còn chị vẫn phải đi làm, vì ở nước Đức, phụ nữ 65 tuổi mới được về hưu. Nhưng ngẫm lại quãng đời cay đắng nhất khi chị bị bệnh vì đau khổ và sống trong trại tỵ nạn, không biết ngày mai mình sẽ ra sao. Rồi sau đó là quãng thời gian dài chưa thạo ngôn ngữ, chị phải đi làm thuê theo giờ với giá rất rẻ, rồi đi bán hàng rong... thì bây giờ chị có việc làm và cuộc sống ổn định thế này cũng là quá tốt.
Chị Loan là người sang Đức lập nghiệp cách đây 9 năm bằng con đường đi du lịch thăm thân nhân, rồi lấy chồng Đức và ở lại luôn. Chị Loan đưa tôi đi thăm bức tường Berlin vào một ngày nắng đẹp. Bức tường chứng tích lịch sử ngày nào, giờ chỉ còn được giữ lại một đoạn để làm kỷ niệm. Hôm đó trời đẹp, du khách đi tham quan bức tường Berlin đông nghịt. Tôi và chị thả bộ lững thững vừa đi vừa ngắm nghía những bức họa trang trí trên bức tường. Chừng như mỏi chân, chị rủ tôi dừng chân dưới tán cây rộng bên quảng trường trước cổng Nhà thi đấu O2... Những câu chuyện của quá khứ như dội về... Trước đây, chị Loan không có ý định lập nghiệp ở nước Đức. Năm 1992, chị đã cùng đứa con nhỏ hơn 1 tuổi sang Đức chơi khi chồng chị mới mất vì tai nạn. Nhiều người muốn lấy chị làm vợ, bạn bè cũng khuyên chị ở lại luôn. Nhưng chị Loan đã về nước vì nghe theo tiếng gọi tình yêu. Anh là bạn thân thuở cấp 3 với chị. Khi biết chồng chị không may đoản mệnh, anh ngỏ lời cưới chị và hứa sẽ cưu mang hai mẹ con chị. Thấy anh thực sự yêu mình và dù đã đi đến miền đất hứa cách hơn 10.000km, chị vẫn quay về, vượt qua bao rào cản gia đình để làm vợ anh. Họ có thêm một cô con gái xinh xắn. Nhưng cuộc đời có những éo le, không ai có thể đoán trước được. Lấy nhau được vài năm, anh thường xuyên bỏ bê vợ con, cặp bồ với nhiều cô gái trẻ, mặc cho vợ và gia đình hết lời khuyên ngăn. Đã vậy về nhà anh còn hành hạ chị bằng đòn tâm lý khi thường xuyên hẹn hò với bồ trước mặt chị. Ngay cả khi đã ly dị rồi, anh vẫn thường tìm đến với chị, dùng dằng chẳng muốn để chị sống yên. 38 tuổi, hai đời chồng và phải trải qua bao cay đắng, chị tìm đến nước Đức như một cứu cánh. Khi mới sang, chị làm thuê cho quán ăn của người Việt từ sáng sớm đến tối mịt. Làm việc vất vả mà lương cũng chỉ đủ lo cho bản thân. Thân gái dặm trường, tiếng Đức bập bõm, không biết lái xe, chưa rành chuyện bán buôn... để hợp pháp hóa giấy tờ sinh sống trên nước Đức, chị đã mất tiền qua mai mối để lấy một người Đức đã bỏ vợ. Sau này, mối tình gá tạm ấy đã đơm hoa. Anh yêu mến chị thật lòng - một người phụ nữ Việt chịu khó, bản lĩnh, hướng thiện. Họ mở quán ăn châu Á nho nhỏ. Anh cũng yêu thương con của chị và cùng chị quản lý quán ăn. Cuộc sống gia đình chị đầy ấm áp.
Những mảnh đời xa xứ 2
 Cửa hàng kinh doanh của người Việt trong khu Đồng Xuân ở Berlin.

Nỗi lòng quý ông

Trong số người Việt sinh sống ở Berlin, anh Tân là người rất thông thạo tiếng Đức. Anh thường xuyên phiên dịch giúp mọi người khi cần gặp luật sư hay công việc liên quan đến các cơ quan công quyền. Thế nên trong đợt sát hạch nhập quốc tịch Đức, phần thi ngôn ngữ, kiến thức châu Âu và nước Đức gắt gao, anh đều đạt điểm tối đa. Bây giờ là người Đức, mọi chuyện đi lại quanh châu Âu của anh cũng dễ dàng hơn và có những ưu ái hơn người nhập cư khi đi tìm việc và hưởng lương xã hội. Anh Tân vẫn nhớ như in những ngày cơ cực khi quyết định sang Đức lập nghiệp đầu năm 1992, mới 30 tuổi. Anh đã từng trải qua các công việc: làm trong quán ăn, bán thuốc lá trong ga tàu, bán quần áo... Tối về, anh và bạn bè cùng sống tập trung tại một khu chưng cư cũ có tiếng nhếch nhác và lộn xộn ở vùng ven Thủ đô Berlin. Cánh nam nhi cần người chăm sóc, phụ nữ cần chỗ dựa để làm ăn nên nhiều người chấp nhận sống cảnh già nhân ngãi non vợ chồng. Có dành dụm được chút tiền nào đều phải gửi về nước nhờ người thân giữ hộ. Một vài người để tiền trong phòng bị chính người Việt đến cướp sạch. Số người khác còn phải tìm cách vào rừng chôn giấu tiền thì mới hòng giữ được. Cũng vì sự lộn xộn này mà nơi đây nhiều lần bị cảnh sát kiểm tra. Trong một lần như thế, anh Tân bị tịch thu hộ chiếu. Những tháng ngày sống không giấy tờ nơi xa xứ cùng nỗi lo bị trục xuất luôn khiến anh nơm nớp lo sợ. Anh Tân đã nhiều lần muốn lập gia đình, nhưng vì giấy tờ sinh sống của anh chưa ổn định nên bị nhiều cô gái Việt "chê". Năm tháng qua, tuổi trẻ cũng dần trôi, đến năm 2004, anh Tân mới xin lại được hộ chiếu để trở về quê hương sau 12 năm biền biệt. Về nước, sau thời gian ngắn tìm hiểu, anh Tân đã cưới một cô gái do gia đình "dấm" trước. Hai năm sau, anh lo được giấy tờ đưa vợ sang theo diện đoàn tụ. Niềm vui ngắn chẳng tày gang. Sang nước Đức chỉ một thời gian ngắn, vợ anh đã bỏ anh đi theo một người Đức khi hai người chưa kịp có con. Thì ra việc lấy anh chỉ là cái cớ để cô ta sang Đức hợp pháp và nghe theo lời mách bảo khi ở nhà là lấy chồng ngoại sẽ có nhiều tiền hơn!!! Sau cú sốc đó, anh Tân mất niềm tin ở người khác giới. Bây giờ đã qua tuổi 50, mái tóc đã hoa râm và hơn 20 năm từng trải qua bao thăng trầm viễn xứ, anh vẫn lặng lẽ đi về một mình giữa trời Âu lạnh giá.

Khi trò chuyện với tôi, anh Tân còn kể cho tôi về những người bạn anh, có trường hợp 16 năm mới được về thăm nhà, cũng vì những lý do giấy tờ chưa ổn định. Rồi chuyện của anh Vũ đưa vợ từ Việt Nam sang, do chưa hiểu rõ luật lệ giao thông nghiêm ngặt ở nước Đức, chỉ một lần sơ ý, đã bị tai nạn giao thông nghiêm trọng, chấn thương sọ não, trí nhớ suy giảm, bị mất sức lao động, không dạy được con học hành nên các cháu học kém. Thỉnh thoảng anh Vũ mới có điều kiện đưa cả nhà về thăm quê hương. Mỗi lần như vậy, các cháu cứ ôm chặt lấy ông bà, không muốn đi. Anh Vũ cũng nhiều lần nghĩ đến chuyện đưa gia đình về nước sống cho có gia đình, anh em. Nhưng nghĩ đến việc 25 năm gây dựng cuộc sống nơi đây, bây giờ tuy gia đình còn khó khăn nhưng cũng đã ổn định, giờ về nước phải bắt đầu từ đầu, anh lại ngại... Dù đã hội nhập ở Đức, song anh Vũ vẫn khẳng định, anh cố gắng làm việc đến khi các con anh trưởng thành, anh sẽ quay trở về Việt Nam để sống. Lá rụng về cội mà...
Bài, ảnh: Kim Hoàn
(Tên nhân vật trong bài đã thay đổi)

Ý kiến của bạn