Ở huyện vùng cao Mường Lát (Thanh Hóa), thời gian qua, tình trạng phụ nữ nhẹ dạ cả tin trở thành nạn nhân của những đường dây buôn người tàn nhẫn vẫn âm ỉ diễn ra. Nhiều người vĩnh viễn không trở về, để lại bao nỗi xót xa cho gia đình. Một số ít may mắn hơn, dù "thân tàn ma dại" vẫn tìm được đường về quê hương, mang theo những "vết sẹo" không bao giờ lành.
Những ngày đầu hè oi ả, trên đỉnh Cổng Trời (Mường Lát), cái nắng như thiêu đốt mọi thứ. Trong những bản làng người Mông yên bình, tĩnh lặng, ẩn chứa biết bao phận đời éo le. Ở bản Khằm 2, xã Trung Lý, trong căn nhà vách nứa xiêu vẹo, chị H.T.C. lặng lẽ cặm cụi chuẩn bị bữa cơm đạm bạc. Gánh nặng cuộc đời đã hằn sâu lên khuôn mặt khắc khổ của người phụ nữ mà tuổi tác thật khó đoán.

Mường Lát là huyện vùng biên xa nhất Thanh Hóa, cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn.
Chị C. kể về bi kịch đời mình bằng giọng trầm buồn. Năm 2008, chồng chị vướng vào vòng lao lý, một mình chị oằn lưng nuôi hai con nhỏ. Đúng lúc khốn khó ấy, một người lạ bất ngờ xuất hiện, rót vào tai chị những lời ngon ngọt về công việc nhàn hạ ở cửa khẩu Lào Cai, về một tương lai đủ đầy có thể gửi tiền về nuôi con. Không chút đắn đo, chị gửi hai con cho ông bà ngoại rồi khăn gói ra đi. Nhưng khi vừa đặt chân đến vùng đất lạ, chưa kịp hoàn hồn, chị đã bị đưa qua biên giới, giam lỏng trong một ngôi nhà người Mông, rồi bị bán sang Trung Quốc làm vợ cho một người đàn ông ở tỉnh An Huy.
Những ngày đầu, chị C. sống trong sự giám sát chặt chẽ, thậm chí bị bạo hành nếu có ý định bỏ trốn. Chỉ đến khi sinh được con trai cho nhà chồng, sự hành hạ mới vơi bớt. Nhưng chị vẫn phải làm thuê quần quật, toàn bộ số tiền kiếm được đều bị chồng và mẹ chồng lấy hết.
"Có lần được chủ cho tiền, tôi lén giấu đi thì bị họ dùng roi đánh đến kiệt sức…", chị C. nghẹn ngào nhớ lại.

Nhiều phụ nữ nhẹ dạ trở thành nạn nhân nơi đất khách quê người.
Sau nhiều lần trốn chạy bất thành, một đêm đông tháng 12/2018, giữa trời tuyết trắng xóa ở An Huy, chị C.—bụng mang dạ chửa, chân trần—quyết định bỏ trốn. Trên hành trình gian nan ấy, chị xin ăn, làm thuê qua ngày, cầm cự từng bước cho đến khi gặp được đồn công an. Cuối cùng, sau mười năm đằng đẵng nơi xứ người, chị được trở về Việt Nam, đoàn tụ với gia đình. Đứa con mang hai dòng máu giờ đã lên bảy, nhưng nỗi nhớ đứa con còn lại nơi xứ người vẫn day dứt trong tim chị.
Rời bản Khằm 2, chúng tôi tìm đến bản Tà Cóm. Gần một tháng nay, chiều nào anh T.A.G. cũng dắt năm đứa con thơ ra đầu dốc ngóng vợ. Mỗi bóng dáng phụ nữ thấp thoáng phía xa lại thắp lên hy vọng trong anh nhưng rồi lại vụt tắt, để lại sự thất vọng não nề. Khi bỏ đi, vợ anh chỉ nhắn lại một câu duy nhất: "Ra đi để mong có cuộc sống đỡ vất vả hơn". Đến giờ, anh G. vẫn không biết vợ mình đang lưu lạc nơi đâu.

Nhiều đứa trẻ bơ vơ khi mẹ đi làm nơi đất khách.
Lấy vợ từ năm 13 tuổi, vợ chồng anh G. đã có 5 người con. Từ ngày vợ bỏ đi, căn nhà vốn đã nghèo khó càng thêm tiêu điều. "Nó bỏ đi rồi, bố con khổ lắm! Mấy đứa nhỏ nhớ mẹ, đêm nào cũng khóc", anh G. nghẹn giọng.
Chị C. và vợ anh G. chỉ là 2 trong số rất nhiều phụ nữ Mường Lát nhẹ dạ, tin vào những lời hứa hão huyền để rồi lạc lối nơi xứ người.
Tình trạng phụ nữ bỏ chồng, con để vượt biên từng diễn ra phổ biến vào năm 2014 trở về trước, chủ yếu do hoàn cảnh kinh tế khó khăn và nhận thức hạn chế. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, tình hình đã được cải thiện đáng kể. Tuy vậy, nguy cơ tái diễn vẫn luôn tiềm ẩn.

Chị H.T.C. nạn nhân trở về sau 1 hành trình dài vất vả, cay đắng, tủi nhục.
Ông Ngân Văn Lon, Chủ tịch UBND xã Trung Lý không giấu được sự lo lắng cho biết, từ năm 2012 đến nay, toàn xã có 43 phụ nữ lấy chồng hoặc bị lừa bán sang Trung Quốc, trong đó có cả trường hợp đi hợp pháp lẫn bất hợp pháp.
“Trong ba năm từ 2012 đến 2014, phụ nữ Mường Lát bị dụ dỗ, bán sang nước ngoài rất nhiều. Cũng có người trốn thoát, nhưng đa phần không trở về. Có người còn bị bán qua tay nhiều lần,” ông Lon chia sẻ. “Để ngăn chặn, chúng tôi đã tăng cường tuyên truyền, định hướng việc làm cho người dân. Những năm gần đây, tình trạng này đã giảm đáng kể nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng. Nhận thức của bà con cũng được nâng lên rõ rệt".

Những năm gần đây, tình trạng phụ nữ bỏ chồng, con để vượt biên đã giảm rất nhiều do cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ. Nhận thức của bà con cũng đã được nâng lên.
Các nạn nhân mà những kẻ buôn người nhắm đến thường là phụ nữ trẻ ở vùng sâu, vùng xa – nơi nhận thức pháp luật còn hạn chế. Chúng đặc biệt nhắm vào những người từng chịu tổn thương tình cảm hoặc các cô gái mới lớn, thiếu trải nghiệm sống. Điều đáng lo ngại là thủ đoạn của những kẻ buôn người này ngày càng tinh vi. Thay vì tiếp cận trực tiếp, chúng lợi dụng mạng xã hội để giăng bẫy bằng những lời mời gọi đường mật: việc nhẹ lương cao, nhóm kín nhận con nuôi, mang thai hộ, hay viễn cảnh lấy chồng ngoại quốc giàu sang… Những lời hứa hẹn ấy khiến nhiều phụ nữ nhẹ dạ sập bẫy lúc nào không hay.
Câu chuyện buồn ở Mường Lát vẫn chưa có hồi kết. Những giọt nước mắt nơi rẻo cao vẫn âm thầm rơi, nhắc nhở về một thực trạng đau lòng: sự nhẹ dạ, thiếu hiểu biết có thể đẩy con người vào những bi kịch không lường trước được. Cần lắm những giải pháp căn cơ, bền vững để bảo vệ những phận đời phụ nữ nơi đây, để những mái nhà vùng biên không còn cảnh cha ngóng con, con ngóng mẹ ...