Những mảng sáng tối

19-01-2013 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

Xem xét tổng thể, đời sống văn học Việt Nam năm 2012 có nhiều sự kiện sôi động nhưng cũng là một năm khá “sóng gió”.

Xem xét tổng thể, đời sống văn học Việt Nam năm 2012 có nhiều sự kiện sôi động nhưng cũng là một năm khá “sóng gió”. Xoay quanh giải thưởng năm, hội thảo, báo chí có những mảng sáng tối, ít nhiều thu hút sự quan tâm của dư luận. Chứng tỏ: Văn học nghệ thuật vẫn là nhu cầu thiết yếu, là sự thể hiện khát vọng chân thiện mỹ của nhân dân.
Những mảng sáng tối 1
 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ các nhà thơ quốc tế dự liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương.
1. Liên hoan thơ châu Á-Thái Bình Dương lần thứ nhất (2/2-6/2/2012) - Ðiểm sáng của đời sống văn học trong năm

Với sự có mặt của gần 80 nhà thơ quốc tế đến từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ, 50 nhà thơ Việt Nam đại diện cho các vùng miền trong cả nước, với chủ đề Thơ ca vì một châu Á - Thái Bình Dương đoàn kết, hữu nghị, hợp tác đồng thuận và phát triển, Liên hoan thơ châu Á-Thái Bình Dương lần thứ nhất đã thành công tốt đẹp. Dù khác quốc tịch, ngôn ngữ, văn hóa nhưng các nhà thơ tham gia Liên hoan đều bày tỏ nguyện vọng tha thiết góp phần củng cố nền hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa các nước và vùng lãnh thổ châu Á - Thái Bình Dương. Nhà thơ Hữu Thỉnh, trong diễn văn khai mạc Liên hoan đã nồng ấm bày tỏ: Với thơ ca, hòa bình là một niềm say mê, một cảm hứng sáng tạo vô hạn trong tình yêu con người. Có bao nhiêu con đường đến với thơ ca thì có bấy nhiêu sáng kiến để bảo vệ và củng cố hòa bình. Không ít nhà thơ đề cao tính dân tộc trong thi ca; Nikolai Preiaxlov đến từ Nga nói: Giữ gìn thơ ca dân tộc - đó không chỉ đơn giản là bảo toàn văn hóa khỏi sự vứt bỏ và sự xói mòn bởi những trào lưu văn học mốt mới. Giữ gìn thơ ca dân tộc - đó còn có nghĩa là bảo tồn tâm hồn của chính nhân dân, bởi vì chính trong thơ ca đã in dấu các truyền thống sinh hoạt và nghi lễ của nhân dân, những bài ca, những anh hùng ca, huyền thoại và đạo lý nhiều thế kỷ của cha ông...

Chúng ta nghĩ tới điều gì về thơ ca từ những phát biểu như thế. Phải chăng nó gần với sự lo toan của nhiều người yêu thơ ca Việt về khả năng đứt gãy truyền thống hiện nay trong thể loại văn học này.

2. Cuộc thi Truyện ngắn trên báo Văn nghệ và Trại sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng của tạp chí Văn nghệ Quân đội là những điểm nhấn của đời sống văn học trong năm

Theo nhà văn Nguyễn Trí Huân - Tổng biên tập báo Văn nghệ thì diện mạo và không khí truyện ngắn dự thi phản ánh rõ nét 2 xu hướng lớn trong văn chương nước nhà hiện nay là quan tâm đến những vấn đề xã hội đương đại và khai thác những câu chuyện lịch sử.

Đọc truyện ngắn dự thi Văn nghệ, ta thấy rõ trên hướng tập trung vào vấn đề xã hội đương thời phần đông các tác giả viết về những thân phận éo le của con người trong bối cảnh đầy bất trắc khó khăn của đời sống xã hội đang chuyển đổi dữ dội với cái tốt, cái xấu đan xen, cài cắm vào nhau thành những mảng sáng tối tương phản gay gắt. Ở hướng khác, một số tác giả khai thác chất liệu lịch sử thông qua lăng kính của con người hiện đại nhằm gửi gắm những thông điệp nào đó về xã hội bây giờ, là những ẩn dụ của văn xuôi về đời sống đương thời hay là những lý giải về một hoài nghi lịch sử còn tồn đọng. Tuy nhiên, như nhiều người nhận xét thì nền của cuộc thi khá vững, song chưa có đỉnh như mong muốn. Dù vậy, những cái tên tác giả như Uông Triều, Chu Thị Minh Huệ, Chu Thùy Anh, Hoàng Hải Lâm, Thu Trân... cho bạn đọc những hy vọng tốt đẹp về cuộc thi này.

3. Giải thưởng văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010 và 2011 (trao vào đầu năm 2012) cho các tác phẩm thơ gây nhiều tranh luận

 Sau một thời gian dài mất mùa thơ (không được trao giải hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam) thì đầu năm 2012, 4 tác phẩm của 4 tác giả được trao giải thơ cho 2 năm 2010 và 2011. Đó là: tập thơ Bầu trời không mái che của Mai Văn Phấn, Sóng và khoảng lặng của Từ Quốc Hoài (năm 2010) và Ngày linh hương nở sáng của Đinh Thị Như Thúy, Hoan ca của Đỗ Doãn Phương. Việc trao giải cho các tập thơ trên phản ánh sự ủng hộ xu hướng thơ “cách tân” của Hội đồng Thơ và BCH Hội Nhà văn Việt Nam. Xung quanh các tập thơ được giải này có những luồng khen chê khác nhau, nhất là với tác phẩm Hoan ca của Đỗ Doãn Phương.

Xu hướng đa dạng hóa văn chương, hình thành các trường phái, các nhóm gần gũi nhau về quan điểm sáng tác đã được dự báo từ trước và đã trở thành hiện thực ở nước ta. Cách tân, sáng tạo là quy luật tự nhiên, tự tại của thơ ca. Tuy nhiên, cách tân như thế nào có lẽ cũng nên bàn luận cho thấu đáo.

4. Hội thảo bình thường và bất bình thường

Không thể hồ đồ cho rằng mọi cuộc hội thảo văn học gần đây ở nước ta là vô bổ và tốn kém. Việc trao đổi, thảo luận về các vấn đề nóng hổi của văn học hiện nay cũng như các tác giả, tác phẩm ít nhiều đã cung cấp cho bạn viết, bạn đọc những thông tin, cách nhìn nhận, thẩm định, đánh giá khác nhau. Qua đó, chúng ta có cơ hội hình dung, nắm bắt đầy đủ hơn ở cả bề rộng và chiều sâu tình hình văn học nước nhà với những mảng sáng tối, đậm nhạt, hay dở của nó để tự điều chỉnh cho phù hợp trong sáng tác và thưởng thức theo hướng tích cực. Trong năm 2012, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức được nhiều cuộc hội thảo bổ ích như hội thảo kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Châu, Hàn Mặc Tử; các cuộc hội thảo về Văn học thiếu nhi, về Văn học dịch, về nhà văn Lê Minh với đề tài cách mạng và kháng chiến; đặc biệt là Hội thảo Sáng tạo văn học về đề tài lịch sử...

Tuy nhiên, lại có những cuộc hội thảo không bình thường gây bức xúc rất nhiều trong đội ngũ nhà văn và công chúng.

Cuộc hội thảo bất thường được dân cư mạng nhắc tới nhiều nhất là Hội thảo Hoàng Quang Thuận với non thiêng Yên Tử. Hoàng Quang Thuận là hội viên mới kết nạp đầu năm 2012 của Hội Nhà văn Việt Nam. Tác phẩm đưa ra hội thảo là Thi vân Yên Tử không biết vì sao lại được một số nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận phê bình nổi tiếng tụng ca hết lời. Cũng có người phê phán, đặt câu hỏi: Thơ như thế đã được gọi là thơ thiền chưa? Việc khen chê một tác giả, tác phẩm là chuyện rất bình thường trong các cuộc hội thảo văn học. Nhưng chúng ta thử nhìn lại xem mấy cuộc hội thảo văn học nói chung và thơ gần đây, rất ít nếu như muốn nói là không có những bài viết phản biện, trái chiều với dòng tụng ca ngút trời được cất lên. Rất nhiều lời có cánh được tung ra mà dựa vào đó người ta tưởng như đã xuất hiện những hiện tượng kỳ vĩ, những ngôi sao chói lọi trên bầu trời thi ca Việt Nam.

Khép lại một năm, trong tôi vẫn là những băn khoăn cũ, hy vọng cũ hướng tới 365 ngày mới.

  Nguyễn Hữu Quý


Ý kiến của bạn