Hà Nội

Những lý do dẫn đến thoái hoá khớp và cột sống khiến bạn phải giật mình

PGS.TS. Kiều Đình Hùng

PGS.TS. Kiều Đình Hùng

Trưởng khoa Ngoại BV Đại học Y Hà Nội, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo và chuyển giao công nghệ trường Đại học Y Hà Nội,

20-11-2018 15:23 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - PGS.TS Kiều Đình Hùng, Trưởng khoa Ngoại thần kinh cột sống và chấn thương Chỉnh hình, BV Đại học Y Hà Nội cho biết, trước đây thoái hóa khớp thường xảy ra ở người già tuy nhiên, hiện nay những người khoảng hơn 20 tuổi đến 30 tuổi đã bị thoái hóa khớp.

Vì sao người trẻ tuổi đã thoái hóa khớp và cột sống?

Thoái hóa khớp và cột sống là hậu quả của quá trình cơ học và sinh học làm mất cân bằng giữa tái tạo và phá hủy sụn khớp và tổ chức xương ở dưới sụn. Giai đoạn đầu xương bị mất nước, dần phá hủy sụn, hậu quả là gây ra đau đớn, cứng khớp, hạn chế đi lại.

PGS. Kiều Đình Hùng  cho biết, trước đây, thoái hóa khớp và cột sống xảy ra ở người già, người lớn tuổi, nhưng gần đây xuất hiện cả ở những 30 tuổi, thậm chí có người hơn 20 tuổi cũng đã bị thoái hóa hóa khớp và cột sống. Đối với người già người cao tuổi là do hậu quả của quá trình sinh học, nhưng đối với những người trẻ tuổi là do nhiều nguyên nhân như quá trình ăn uống, dinh dưỡng , quá trình tập luyện thể thao, các tư thế làm việc không phù hợp gây ra hậu quả như vậy.

PGS. Kiều Đình Hùng cũng cho biết thêm, nguyên nhân hay gặp nhất là tư thế làm việc, ví dụ  ngồi quá lâu ở một tư thế cũng gây ra thoái hóa. Gần đây các bác sĩ hay gặp ở các bạn trẻ những nhân viên văn phòng bị thoái hóa rất nhiều do ngồi quá nhiều. Hay các cháu học sinh đang ở lứa tuổi học đường do tư thế ngồi học không đúng hoặc ngồi lỳ liên tục.

PGS.TS Kiều Đình Hùng, Trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh cột sống và Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Bên cạnh đó, những sai lầm mà dễ dẫn đến bệnh thoái hóa khớp ở người trẻ đó là  tập thể thao không đúng, đặc biệt là ở những người tập tạ, chúng tôi quan sát có đến 70-80% người tập tạ bị ảnh hưởng cột sống vì sức nặng đè lên cột sống. Ngoài ra, những người lao động làm việc quá sức và mang vác đồ nặng sai tư thế. Bình thường cột sống của chúng ta chỉ chịu mức độ khoảng 60-70kg nhưng nhiều người lại mang vác nặng và bê đồ. Khi mang vác đồ nặng để lưng thẳng thì không sao nhưng để lưng còng, cột sống cong thì rất nguy hiểm.

Ngoài ra gần đây chúng tôi còn ghi nhận tỷ lệ thoái hóa khớp và cột sống ở những người béo phì rất  sớm và  rất nhiều.

Cùng quan điểm này, Ths.Bs Nguyễn Thị Thanh Huyền cũng cho biết thêm, tại khoa PHCN bệnh viện Đại học Y Hà Nội  mỗi ngày tiếp nhận khoảng 50-60 bệnh nhân, hầu hết trong số đó có vấn đè về cơ xương khớp. Đáng lưu ý cơ cấu tuổi thời gian gần đây đã có sự thay đổi, các bác sĩ gặp nhiều bệnh nhân là người trẻ tuổi  chiếm khoảng 30-40%.

Cá biệt, có các cháu có lứa tuổi học đường, học sinh sinh viên bị bệnh. Điều này là do liên quan nhiều đến tư thế làm việc lao động...

Dấu hiệu nào cho thấy bạn đã bị thoái hoá khớp và cột sống?

PGS. Kiều Đình Hùng cũng bật mí, dấu hiệu thoái hóa khớp gặp đầu tiên sớm nhất là mỏi khớp, sau đó thì đau nhưng không phải đau thường xuyên mà là thỉnh thoảng đau khớp.Đến giai đoạn sau tức là muộn rồi thì khớp đã sưng. Về thoái hóa cột sống thì đau vùng cổ và lưng.

Trong bệnh thoái hóa khớp thì khớp gối bị nhiều nhất, còn với thoái hóa cột sống thì ở cột sống thắt lưng và cột sống cổ.

PGS. Hùng khuyến cáo, những người bị thoái hóa khớp gối tránh động tác làm cho khớp chịu tải như chạy, nhảy, chơi cầu lông, bóng chuyền. Nếu thoái hóa ở  cột sống thắt lưng thì không được chơi những môn thể thao mà để cột sống phải chịu tải.

Với những người béo phì đang có một nghịch lý là phải giữ được cân cho tốt, nhưng nếu giữ cân tốt thì tình trạng béo lại tăng lên, khi mà béo phì tăng lên thì nguy cơ thoái hóa lại cao, vì vậy  những người này phải chọn được môn thể thao phù hợp như bơi lội và các động tác mà không ảnh hưởng đến cột sống.

Do đó, theo PGS. Hùng để phòng bệnh này thì trước mắt phải loại bỏ nguyên nhân gây ra bệnh,  ví dụ hay ngồi nhiều thì bây giờ ngồi ít hơn, kiểm soát cân nặng, tập luyện môn thể thao phù hợp có chế độ dinh dưỡng phù hợp.

Thoái hoá khớp và cột sống đang gia tăng ở người trẻ tuổi và dân văn phòng

Nói về hậu quả của bệnh thoái hóa khớp, Ths.Bs Nguyễn Thị Thanh Huyền chia sẻ, khớp và cột sống là khung xương chịu lực giúp cơ thể chúng ta có thể vận động và di truyền hàng ngày đều nhờ vào xương và khớp. Vì vậy trong trường hợp thoái hóa khớp nếu không được phát hiện sớm hoặc  chữa trị kịp thời dẫn đến hậu quả khớp đó mất khả năng chịu lực và hạn chế vận động của các khớp. Dẫn đến teo cơ hoặc co rút cơ khớp và bệnh nhân sẽ có đau. Từ đó tạo ra vòng xoắn bệnh lý, khi mình đau thì mình sẽ càng hạn chế vận động, từ hạn chế vận động  sẽ dẫn đến sự tái cấu trúc lại và các biến đối cấu trúc của toàn hệ cơ xương khớp. Điều đó lại càng hạn chế vận động của mình hơn. Hậu quả là người bệnh không thể thực  hiện được hoạt động di chuyển đi lại như người bình thường, thậm chí không có khả năng thực hiện những sinh hoạt hàng hàng ngày. Và theo đó có thể gây lên những rối loạn tâm lý, tình trạng đau mạn tính và có thể sẽ tàn tật suốt đời.

Điều trị thoái hoá khớp và cột sống cách nào?

Theo PGS. Kiều Đình Hùng, để điều trị bệnh thoái hoá khớp và cột sống các bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng bệnh nặng hay nhẹ. Trước mắt là cần bổ sung can xi và các chất cần thiết cho xương, sụn khỏe, ngoài ra nếu bị thoái hoá ở giai đoạn đầu thì có thể dùng thuốc giảm đau chống viêm. Nếu viêm nặng quả phải dùng thuốc Corticoid nhưng tuyệt đối không được lạm dụng.

Và nếu khi đã thực hiện điều trị thông thường bệnh không khỏi thì phải tiêm khớp. Nếu nặng hơn thì phải phẫu thuật rửa khớp lấy sụn bị bong hỏng. Nặng hơn nữa thì phải thay khớp. Hiên nay các bác sĩ đã thực hiện nhiều ca phẫu thuật thay khớp và cho thấy kết quả rất tốt.

Còn với bệnh thoái hóa  cột sống:cũng cần phải có chế độ dinh dưỡng và thực phẩm bổ sung. Và điều quant rọng là mình phải điều trị ngay ở giai đoạn sớm. Bởi khi thoái hoá cột sống sẽ gây ra thoát vị đĩa đệm, với bệnh này thì 70% - 80%  bệnh nhân có chỉ định dùng thuốc, và 20% thì phẫu thuật.

"Mỗi kỹ thuật phẫu thuật đối với từng bệnh nhân như thế nào thì bác sĩ phải thăm khám và xác định tình trạng bệnh nhân và từ đó bác sĩ sẽ có những lựa chọn thích hợp nhất cho từng bệnh nhân". PGS. Kiều Đình Hùng nói.


H.Nguyên
Ý kiến của bạn