Thay răng ở trẻ thường xảy ra ở độ tuổi từ 5 - 12, có những trường hợp thay răng sớm hoặc muộn. Vậy yếu tố nào ảnh hưởng đến sự thay răng của trẻ. Dưới đây là những lý do ảnh hưởng đến tuổi thay răng của trẻ mà cha mẹ cần biết.
Một số lý do ảnh hưởng đến tuổi thay răng của trẻ
Yếu tố di truyền
Các nhà nghiên cứu cho rằng, thay răng muộn hoặc sớm hơn bình thường có yếu tố gia đình. Nếu lúc nhỏ bố mẹ thay răng sữa chậm hoặc nhanh hơn bình thường thì con cũng có thể gặp phải tình trạng tương tự.
Yếu tố dinh dưỡng
Chế độ ăn uống của người mẹ trong quá trình mang thai rất quan trọng, vì sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ sau này, trong đó có răng của trẻ.
Với các trẻ sinh non, mẹ mang thai kiêng khem quá nhiều hoặc chế độ dinh dưỡng hàng ngày của trẻ thiếu cân đối, không đầy đủ dinh dưỡng cũng có thể khiến trẻ thay răng muộn hơn so với lứa tuổi.
Yếu tố thiếu mầm răng vĩnh viễn
Trong một số trường hợp trẻ thiếu mầm răng vĩnh viễn hoặc răng vĩnh viễn mọc ngầm, nên tuy răng sữa đã rụng đi nhưng răng vĩnh viễn mãi không thấy mọc lên thay thế.
Yếu tố lợi xơ hoá
Ở một số trẻ nếu chấn thương răng sữa hoặc nhổ sớm do sâu răng theo thời gian, lợi có thể xơ hóa làm răng vĩnh viễn khó mọc lên.
Thời gian thay răng sữa và mọc răng vĩnh viễn ở trẻ
Thông thường, thời gian thay răng sữa của trẻ sẽ diễn ra trong khoảng từ 5 đến 12 tuổi. Các răng sẽ không thay cùng một lúc mà lần lượt và thường theo một thứ tự nhất định: Răng cửa giữa rồi đến răng cửa bên, sau đó là răng nanh và răng hàm sữa.
Đôi khi một số trẻ sẽ có thứ tự hơi thay đổi, giữa việc thay răng nanh với răng hàm sữa và điều này ảnh hưởng không đáng kể.
Thay răng cũng có sự khác biệt giữa các răng hàm trên và hàm dưới. Răng hàm dưới thường thay trước và cũng thường kết thúc xong trước.
Răng hàm trên thay muộn hơn một chút và kết thúc sau. Quá trình thay răng của hàm trên và hàm dưới sẽ sắp xếp xen kẽ nhau tương ứng trình tự trên.
Các mốc thời gian thay răng của trẻ như sau:
- Từ 5 - 7 tuổi các răng cửa giữa vĩnh viễn mọc, thay các răng cửa giữa sữa.
- Từ 7 - 8 tuổi các răng cửa bên vĩnh viễn mọc, thay các răng cửa bên sữa.
- Từ 9 - 10 tuổi các răng cối nhỏ thứ nhất mọc, thay các răng hàm sữa thứ nhất.
- Từ 10 - 11 tuổi thay các răng nanh sữa.
- Từ 11 - 12 tuổi các răng cối nhỏ thứ hai mọc, thay các răng hàm sữa thứ hai.
Cha mẹ cần làm gì khi trẻ thay răng?
Phần lớn trẻ sẽ thay chiếc răng đầu tiên là răng cửa giữa sữa ở hàm dưới. Biểu hiện của việc đã đến lúc thay răng là chiếc răng sẽ lung lay dần dần và ngày một nhiều. Các bậc cha mẹ có thể cho trẻ đi tới bác sĩ khám và kiểm tra xem với mức độ lung lay răng như vậy đã có thể nhổ chưa và tiến hành nhổ cho trẻ.
Tuy nhiên, một số trẻ lại không có hiện tượng lung lay răng, nhưng răng vĩnh viễn thay thế đã mọc lên ở phía trong và đẩy vào răng sữa phía ngoài. Trường hợp này, cha mẹ nên cho con đến bác sĩ để được nhổ răng sữa đó, tạo chỗ cho răng vĩnh viễn thuận lợi về đúng chỗ.
Nếu nhận thấy đã đến thời điểm thay răng của trẻ nhưng trẻ vẫn chưa có dấu hiệu nào, cha mẹ nên đưa trẻ đến nha sĩ để xác định nguyên nhân, kiểm tra xem trẻ có mầm răng hay không, để từ đó có biện pháp khắc phục.
Đồng thời cha mẹ cũng nên đưa trẻ khám răng định kỳ tại cơ sở y tế nha khoa uy tín để được theo dõi và kịp thời phát hiện bất thường.
Mời độc giả xem thêm video:
Một ngày bạn nên ăn bao nhiêu hộp sữa chua để không bị tăng cân-