Những lưu ý ở bệnh nhân sau phẫu thuật tim

SKĐS - Trên thực tế, số lượng bệnh nhân phải phẫu thuật tim mạch, như: Đặt stent, bắc cầu nối mạch vành hoặc thay van tim, hiện nay rất nhiều. Sau khi được phẫu thuật, hầu hết bệnh nhân có thể trở lại cuộc sống gần như bình thường. Nhưng giai đoạn đầu trong quá trình phục hồi cần lưu ý về cách chăm sóc cũng như chế độ sinh hoạt hằng ngày.

Hoạt động sau phẫu thuật

Sau khi hoàn thành phẫu thuật, người bệnh cần có sự giúp đỡ liên tục trong vài tuần đầu tiên. Vết mổ khó chịu, ngứa, đau thắt và/hoặc bị tê dọc theo vết rạch. Đây là hiện tượng bình thường, người bệnh có thể sẽ được bác sĩ kê đơn thuốc giảm đau trước khi xuất viện. Các triệu chứng đau, ngứa này có thể kéo dài từ vài tuần cho tới vài tháng (tùy từng phẫu thuật), nhưng bệnh nhân chỉ được sử dụng thuốc giảm đau theo đúng chỉ định của bác sĩ, không tự ý dùng thêm.

Đối với phẫu thuật bắc cầu động mạch vành, bệnh nhân có thể cảm thấy đau nhiều ở chân hơn so với xung quanh chỗ rạch ở vùng ngực (nếu tĩnh mạch chân được lấy làm cầu nối). Để giảm bớt khó chịu ở chân và cứng khớp, người nhà có thể động viên bệnh nhân đi bộ nhẹ nhàng và tham gia các hoạt động hằng ngày.

Phẫu thuật van tim là một trong những phẫu thuật lớn, cần sử dụng hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể, tim và phổi người bệnh ngừng hoạt động trong một thời gian để bác sĩ phẫu thuật. Do vậy, hồi phục sau phẫu thuật van tim là một thử thách không nhỏ cho bệnh nhân. Nhưng người bệnh cần phải chủ động vận động trong quá trình hồi phục sẽ tốt hơn là quá phụ thuộc vào người chăm sóc. Quá trình vận động cần bắt đầu sớm và tăng dần từng ít một. Đi bộ nhẹ nhàng rất có lợi cho tim và phổi, không nên để bệnh nhân nằm hoặc ngồi một chỗ quá lâu, mà nên bắt đầu đi chậm từng bước và tăng dần tốc độ. Và ngừng vận động khi có các dấu hiệu: Khó thở, chóng mặt hoặc đau ngực.

Những lưu ý ở bệnh nhân sau phẫu thuật timVận động để quá trình phục hồi tốt hơn ở bệnh nhân sau phẫu thuật tim.

Lưu ý đặc biệt

Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể thực hiện các hoạt động sinh hoạt hằng ngày như bình thường. Tuy nhiên cần lưu ý một số khuyến cáo như sau: Có thể làm việc nhà nhẹ nhàng nhưng không nên đứng tại chỗ quá 15 phút; không nhấc hoặc kéo đẩy vật nặng từ 2kg trong 3 tháng đầu tiên; có thể leo cầu thang một cách từ từ (trừ trường hợp bị hạn chế theo yêu cầu của bác sĩ), đi bộ hằng ngày; không thực hiện những động tác gây căng lồng ngực hoặc gây đau nhiều ở vết mổ (ưỡn người về phía sau, không để người khác kéo tay - thường gặp nhất là người chăm sóc giúp bệnh nhân ngồi dậy bằng cách nắm tay kéo lên); không lái xe ít nhất trong 4-6 tuần; nghỉ ngơi, không làm việc trong 8 tuần; không đi du lịch trong 4 tuần đầu; không làm các hoạt động cần giơ tay cao hơn đầu; có thể quan hệ tình dục trở lại sau 4 tuần (khi bệnh nhân có thể leo được cầu thang hoặc đi bộ 500m mà không bị mệt).

Thực hiện các động tác sau chậm rãi và cẩn thận như đánh răng, ngồi xuống ghế hoặc xuống giường, cúi người về phía trước. Luôn giữ tay gần với thân mình khi thực hiện các động tác này.

Khi thấy hiện tượng căng ở vết mổ hoặc ở vùng xương ức, nghe tiếng lục cục hoặc cảm thấy xương ức di chuyển bất thường khi vận động… cần ngưng hoạt động và liên hệ ngay với bác sĩ điều trị.

Khi tắm, tuyệt đối không được làm ướt sẹo mổ trong vòng vài tuần đầu tiên. Nếu sẹo mổ bị nhiễm trùng, cần tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn của bác sĩ điều trị trực tiếp. Thay băng vết mổ theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Tốt nhất nên đến các cơ sở y tế gần nhà để chăm sóc vết mổ cho đến khi lành hoàn toàn.

Tập thở theo hướng dẫn của bệnh viện trong ít nhất 4 - 6 tuần đầu tiên. Tiếp tục uống thuốc điều trị theo toa hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không được ngưng thuốc hoặc uống thêm thuốc nếu không có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa tim mạch.

Cần gọi bác sĩ ngay khi có một trong các biểu hiện: Khó thở hoặc đau ngực và triệu chứng không giảm khi nghỉ ngơi; đau vết mổ không cải thiện; mạch không đều, mạch chậm (dưới 55 lần/phút) hoặc nhanh (trên 120 lần/phút); nhức đầu nhiều, không cải thiện; ho nhiều ho ra máu hoặc ho ra  đờm có vướng máu; gặp phải tác dụng phụ khi uống thuốc tim mạch; tăng cân 1kg/1 hoặc 2 ngày liên tiếp; vết mổ đỏ, chảy dịch; sốt trên 38.5oC; nhiều vết bầm máu mới xuất hiện ở da; chảy máu mũi, chảy máu răng nhiều, không cầm; đi tiểu ra máu hoặc nước tiểu hồng; đi tiêu ra máu hoặc tiêu ra phân đen; nhức đầu, chóng mặt, nôn ói nhiều và yếu nửa người.

Chế độ ăn uống

Đa phần bệnh nhân thường có cảm giác chán ăn sau khi phẫu thuật, cần động viên người bệnh ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày. Nếu tình trạng chán ăn kéo dài trong vài tuần, cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị. Tuy nhiên, cũng không nên ép bệnh nhân phải ăn nhiều hoặc bồi bổ nhiều. Lúc này tim đang trong quá trình hồi phục, khi ăn no quá hoặc ăn nhiều chất dinh dưỡng sẽ làm cho người bệnh khó tiêu, tạo gánh nặng cho tim vì tim phải làm việc nhiều hơn để đưa máu dồn về hệ tiêu hóa hấp thu dưỡng chất. Một chế độ ăn phù hợp cho bệnh nhân sau phẫu thuật cần tuân theo nguyên tắc vừa đủ để đảm bảo dinh dưỡng mà không tạo thêm gánh nặng cho tim. Nên tuân thủ chế độ ăn theo hướng dẫn của bác sĩ (hoặc thực hiện chế độ ăn ở nhà tương tự như ở bệnh viện), không ăn uống tự do chiều theo sở thích cá nhân.

Những lưu ý ở bệnh nhân sau phẫu thuật timNên tuân thủ chế độ ăn theo hướng dẫn của bác sĩ.

Thực phẩm có lợi cho bệnh nhân sau phẫu thuật là nhóm thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng, bổ sung đầy đủ vitamin, chất béo có lợi, chất xơ và hạn chế chất béo có hại, như: Đậu Hà Lan, yến mạch, cà rốt, cam, táo, măng tây, dầu thực vật, cá hồi, quả óc chó; hạt chia, hạt lanh, hạnh nhân, chocolate đen. Các gia vị tỏi, nghệ, gừng, quế, hạt tiêu... cũng có lợi cho bệnh nhân tim mạch.

Một chế độ ăn phù hợp cho bệnh nhân sau phẫu thuật cần tuân theo nguyên tắc vừa đủ để đảm bảo dinh dưỡng mà không tạo thêm gánh nặng cho tim. Người bệnh cần chủ động vận động thì quá trình hồi phục sẽ tốt hơn.

Đa phần các bệnh nhân sau khi phẫu thuật tim mạch đều phải dùng thuốc chống đông. Trong chế độ ăn hằng ngày nên tránh ăn thực phẩm giàu vitamin K, như súp lơ xanh, rau cải, cần tây… ; không dùng sản phẩm có chứa cam thảo, nhân sâm vì làm tăng nguy cơ chảy máu, xuất huyết dưới da; không nên ăn bưởi hoặc uống nước ép bưởi vì làm tăng độc tính của nhóm thuốc hạ mỡ máu statin (nhóm thuốc hay được chỉ định sử dụng trong bệnh mạch vành); loại bỏ chất kích thích ra khỏi chế độ ăn uống (rượu, bia); không hút thuốc lá chủ động và thụ động. Không ăn thức ăn nhanh (gà rán, hamburger, đồ chiên, xào...); không ăn thực phẩm chế biến sẵn (thịt xông khói, xúc xích…); không ăn nội tạng động vật và da của gia cầm…

Giấc ngủ sau phẫu thuật tim mạch

Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể mệt mỏi, stress trong vài tuần đầu rồi hết, nhưng cũng có bệnh nhân bị trầm cảm kéo dài, dẫn đến mất ngủ, mệt mỏi khiến quá trình hồi phục chậm. Do đó, gia đình và bạn bè nên khuyến khích người bệnh tiếp tục các sở thích, hoạt động xã hội mà trước đây người bệnh từng tham gia; chia sẻ, tâm sự cảm xúc của mình với người khác; cố gắng nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc… Nếu bệnh nhân vẫn không thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực, hãy thông báo ngay cho bác sĩ.

Bệnh nhân có thể gặp tình trạng khó ngủ/mất ngủ sau phẫu thuật, tuy nhiên tình trạng này thường sẽ kết thúc trong vòng một vài tháng. Người thân có thể giúp bệnh nhân cải thiện giấc ngủ bằng một số biện pháp như sau: Nếu cảm thấy đau khi ngủ, có thể sử dụng thuốc giảm đau khoảng nửa giờ trước khi ngủ (theo hướng dẫn của bác sĩ); sắp xếp giường, chăn nệm và gối để người bệnh duy trì một tư thế thoải mái; nghe nhạc thư giãn; tránh sử dụng đồ uống có chứa caffein như chocolate, cà phê, trà… Nếu đã thực hiện các bước trên mà bệnh nhân vẫn thiếu ngủ thì cần thông báo cho bác sĩ điều trị.


TS.Hải Linh
Ý kiến của bạn