Tử vong vì bơm gas bổ sung cho tủ lạnh
Ngày 9/1, thông tin từ UBND xã Ninh Phúc (TP.Ninh Bình, Ninh Bình) cho biết trên địa bàn xã này vừa xảy ra vụ tai nạn nổ khí gas khiến 1 người dân tử vong tại chỗ. Nạn nhân là anh P.V.C (41 tuổi, ngụ thôn Vĩnh Tiến, xã Ninh Phúc).
Vụ việc xảy ra vào khoảng 13 giờ ngày 8/1, khi anh C. đang sửa chữa tủ lạnh cho khách, trong quá trình bơm bổ sung gas vào tủ lạnh thì khí gas phát nổ. Hậu quả, vụ nổ khiến anh C. tử vong tại chỗ; một số vật dụng trong nhà bị hư hỏng.
Sau khi xảy ra vụ việc, chính quyền địa phương và Công an TP.Ninh Bình đã có mặt tại hiện trường, tổ chức khám nghiệm hiện trường điều tra, làm rõ nguyên nhân.
Vụ việc đau lòng như trên không phải là hy hữu. Trước đó nhiều vụ tai nạn khi lau dọn, vệ sinh tủ lạnh không đúng cách vẫn xảy ra. Theo các chuyên gia, không nên coi nhẹ việc bảo đảm an toàn điện khi vệ sinh tủ lạnh. Chập điện và rò rỉ gas là những nguy cơ dễ xảy ra với tủ lạnh.
Theo TS Nguyễn Việt Dũng, Đại học Bách khoa Hà Nội, cấu tạo của tủ lạnh gia đình gồm dàn lạnh, dàn nóng, bình gas, máy nén, các ống dẫn... Trong đó bình gas có chức năng bơm gas lên dàn lạnh phục vụ quá trình làm lạnh, máy nén giúp gas lưu thông trong tủ lạnh.
Khi tủ lạnh hoạt động, máy nén sẽ chuyển gas ở dạng khí sang dạng lỏng và đưa gas tuần hoàn làm lạnh khắp máy. Khí gas dùng trong tủ lạnh là một chất dễ cháy, dễ bắt lửa khi bị rò rỉ và nếu có nguồn lửa sẽ gây cháy tủ lạnh và cháy lây sang các vật khác trong nhà. Do vậy cần thiết phải dùng tủ lạnh đúng cách và bảo dưỡng bảo trì thường xuyên theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Việc bơm gas cho tủ lạnh cần đến các thiết bị chuyên dụng, không được tự ý thực hiện.
Một nguyên nhân khác gây tại nạn đáng tiếc khi dọn tủ lạnh là điện giật. Tủ lạnh bị rò điện là sự cố cực kỳ nguy hiểm nếu không phát hiện ra. Nguyên nhân tủ lạnh bị rò rỉ điện có rất nhiều có thể do tủ lạnh cũ, đường dây điện hở, để tủ lạnh nơi ẩm thấp, đầu phích cắm không đảm bảo chất lượng hay tủ lạnh cũ đã xuống cấp...
"Trường hợp phổ biến hay gặp ở tủ lạnh là lỗi chạm mát, nghĩa là sờ vào tủ thấy hơi tê tê chứng tỏ có một bộ phận bị rò rỉ điện. Do chi tiết bị hở đó có điện áp nhỏ nên không gây giật mà chỉ hơi tê. Tủ lạnh có phần vỏ bên trong bằng nhựa, được cách với lớp kim loại bên ngoài bằng lớp bảo ôn cách điện.
Tuy nhiên bên trong tủ lạnh vẫn có các chi tiết có thể gây rò rỉ điện như dây dẫn điện cho quạt gió, dây dẫn của đèn báo sáng… Cộng với các yếu tố như tay ướt, đồ lau dọn tủ có nước hay người dọn tủ đi chân đất… thì đều có thể dẫn đến bị điện giật", TS Nguyễn Việt Dũng cho biết.
Không chạm vào máy nén và giàn tản nhiệt
TS Nguyễn Việt Dũng cho biết, có một vấn đề mà nhiều người hay mắc phải khi vệ sinh tủ lạnh là quét, lau dọn ở bộ phận máy nén và giàn tản nhiệt, nằm ở phía sau của tủ lạnh. Do để lâu ngày, bộ phận này thường bị bám bụi. Tuy nhiên, đây chính là nơi tập trung các dây dẫn điện của tủ lạnh, chỉ người có chuyên môn mới xử lý được. Nếu quét, lau dọn bụi ở khu này, rất dễ dẫn đến tình trạng chập, cháy, thậm chí là gây nổ. Nếu tủ lạnh trong nhà đã quá cũ, nên thay tủ mới để đảm bảo an toàn.
Muốn lau dọn tủ lạnh, nguyên tắc đầu tiên theo TS Nguyễn Việt Dũng là phải rút nguồn điện, sau đó xả băng, lau sạch tủ, để khoảng 2 tiếng rồi cắm lại. Để lau tủ lạnh, bạn có thể sử dụng axit boric là một loại axit yếu thường được dùng làm chất sát trùng. Nếu không thích mùi hóa học, có thể dùng dấm pha loãng để lau cũng rất hiệu quả. Sau khi lau dọn, để khoảng 1-2 tiếng, mở cửa tủ lạnh cho thoáng khí rồi mới cho thức ăn vào tủ.
Về nguyên tắc an toàn, nên đặt tủ lạnh cách xa các nguồn nhiệt như bếp, lò than,… Khi tủ lạnh đang làm việc, nếu nhiệt độ xung quanh tăng cao 50C, điện năng tiêu thụ của tủ có thể tăng lên 25%. Ngoài ra, tủ lạnh đặt gần nguồn nhiệt cao cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Không nên cắm tủ lạnh chung ổ với các thiết bị điện tiêu thụ nhiều điện năng khác. Lý do là hai thiết bị điện cùng hoạt động, ổ cắm có thể không chịu được, dễ xảy ra hiện tượng đoản mạch gây cháy nổ.
Trước khi vệ sinh tủ lạnh chúng ta nên rút điện cho tủ vì trong quá trình vệ sinh không thể thực hiện nhanh mà phải kéo dài ít nhất là 5 phút. Nếu chúng ta không rút điện thì tủ vẫn hoạt động và hơi lạnh sẽ bay ra ngoài gây tốn điện. Hơn nữa, những tủ lạnh có cảm ứng ở ngoài ngăn tủ phát ra tiếng kêu bíp bíp.
Khi vệ sinh tủ lạnh thì nên lưu ý tháo tất cả các kệ kính trong ngăn tủ và rửa sạch những kệ kính này. Trước khi lắp các ngăn kệ kính này vào tủ thì chúng ta nên dùng khăn mềm để lau khô.
Để khử mùi hôi trong tủ lạnh chúng ta nên sử dụng dung dịch giấm chua và nước cốt chanh tươi. Hai dung dịch này có thể dùng tách biệt hoặc hoà trộn lại với nhau để vệ sinh bên trong tủ. Lúc này các mùi hôi khó chịu bên trong tủ sẽ biến mất hoàn toàn.
Để tiết kiệm điện khi sử dụng tủ lạnh, GS.TS Nguyễn Đức Lợi, Hội Khoa học và Công nghệ Nhiệt lạnh cho biết, điện năng tiêu thụ cho tủ lạnh phụ thuộc vào dung tích tủ và chế độ nhiệt độ làm việc của tủ.
Tủ lạnh bao giờ cũng có một giàn ngưng (giàn nóng) ở phía sau tủ. Vai trò của giàn ngưng là tỏa nhiệt của môi chất (ga lạnh) ra môi trường không khí. Việc trao đổi nhiệt giữa môi chất và không khí càng tốt thì việc làm lạnh càng đỡ tiêu hao điện năng.
Do đó, phải đặt tủ lạnh ở chỗ thoáng cách tường tối thiểu 10 cm để không khí phía sau có thể lưu thông được. Mùa hè muốn làm lạnh nhanh có thể đặt quạt thổi mát giàn ngưng phía sau. Cần phải bảo đảm giàn ngưng luôn được sạch sẽ không để bụi bẩn bám vào, vệ sinh định kỳ 2 lần/năm.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Vụ Tấn Công Nữ Caddie: Ông Nguyễn Viết Dũng Xin Thôi Làm Đại Biểu HĐND Vì Lý Do Sức Khỏe | SKĐS