Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đều có quyền đề nghị khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo và khám bệnh, chữa bệnh không vì mục đích lợi nhuận tại Việt Nam. Tuy nhiên, để được thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo (theo từng đợt) thì cần tuân thủ 1 số điều kiện nhất định.
Theo đó, hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo theo đợt cần được thực hiện bởi người hành nghề y có giấy phép hành nghề đang còn hiệu lực, đúng quy định của pháp luật. Còn nếu đối tượng thực hiện khám chữa bệnh nhân đạo là các tổ chức, các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực y tế thì cũng cần là những cơ sở, tổ chức được phép hoạt động tại Việt Nam.
Ngoài ra, để có thể thực hiện khám chữa bệnh nhân đạo thì các cá nhân, tổ chức cần có nguồn tài chính đảm bảo cho việc khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo và miễn phí toàn bộ chi phí thăm khám, điều trị cho người được khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo.
Cuối cùng, yếu tố quan trọng để có thể thực hiện khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo theo đợt là cần có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Chính phủ.
Cũng giống như các cơ sở khám chữa bệnh thông thường, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không vì mục đích lợi nhuận nếu muốn hoạt động cũng cần có giấy phép hoạt động.
Cụ thể, bên cạnh việc đáp ứng các yêu cầu để cấp giấy phép hoạt động như bình thường, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo phải có nguồn tài chính cho việc tổ chức khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo và miễn phí toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người được khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoạt động không vì mục đích lợi nhuận cũng phải cam kết hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn; phần thu nhập hằng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia được sử dụng để tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó.
Việc cam kết phải được ghi nhận trong quyết định về thành lập hoặc chuyển đổi loại hình cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Luật cũng quy định các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không vì mục đích lợi nhuận sẽ được hưởng chế độ ưu đãi theo đúng quy định của pháp luật khi chính thức thành lập.
Theo đó, bên cạnh việc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không vì mục đích lợi nhuận vẫn thực hiện chế độ tài chính, kế toán, kiểm toán, thuế, định giá tài sản và công khai tài chính theo quy định của pháp luật. Nhưng trong phần thu nhập không chia của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không vì mục đích lợi nhuận không phải nộp thuế.
Khi thực hiện hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo, người hành nghề vẫn cần chủ động thực hiện đầy đủ các nội dung về chuyên môn kỹ thuật, trong đó đặc biệt lưu ý đến phòng ngừa sự cố y khoa tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Theo quy định, việc phòng ngừa sự cố y khoa được thực hiện trên cơ sở nhận diện, báo cáo, phân tích tìm nguyên nhân, đưa ra các khuyến cáo, giải pháp phòng ngừa, tránh tái diễn sự cố y khoa để nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, an toàn cho người bệnh. Các khuyến cáo, giải pháp phòng ngừa sự cố y khoa được công bố công khai trên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Việc phòng ngừa sự cố y khoa tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở và người làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Xem thêm video được quan tâm:
5 nhóm đối tượng được quỹ Bảo hiểm Y tế chi trả 100% chi phí khám bệnh.