Hà Nội

Những lưu ý khi sử dụng thuốc trị táo bón cho bé

11-07-2020 16:04 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Táo bón ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của trẻ. Việc sử dụng thuốc đúng và thực hiện theo hướng dẫn của thầy thuốc sẽ giúp trẻ tránh gặp nhiều biến chứng nguy hiểm từ căn bệnh này.

Các thuốc dùng trong điều trị táo bón

Thuốc làm trống trực tràng: Đây là thuốc được sử dụng trong những ngày đầu điều trị nhằm làm trống trực tràng, giải phóng khối phân ùn ứ trước đó. Thuốc có thể sử dụng ở đường uống, thụt hậu môn hoặc kết hợp cả hai tùy thuộc vào lượng phân lớn hay không thông qua tiền sử đi cầu không thường xuyên hoặc sờ thấy khối phân lớn khi khám và quan sát hình ảnh khối phân trên phim chụp Xquang.

Lưu ý, không khuyến cáo sử dụng dung dịch xà phòng, nước máy, các loại thảo dược... để thụt tháo vì nguy cơ viêm đại tràng, thủng ruột, hoại tử ruột.

Thuốc nhuận tràng: Sau khi làm trống trực tràng, cần duy trì thuốc nhuận tràng hàng ngày đường uống để làm mềm phân. Vai trò của thuốc nhuận tràng rất quan trọng, giúp trẻ giảm sự khó khăn khi đi vệ sinh, giảm cảm giác sợ đi cầu và hành vi níu giữ phân ở trẻ. Việc này có ý nghĩa rất lớn, giúp trẻ tập luyện đi cầu đúng và thay đổi chế độ ăn, sinh hoạt khoa học thuận lợi hơn.

Không tự ý dùng thuốc trị táo bón cho trẻ khi chưa có chỉ định.

Không tự ý dùng thuốc trị táo bón cho trẻ khi chưa có chỉ định.

Khi bắt đầu sử dụng, tùy cơ địa mỗi trẻ, thuốc có thể chưa có tác dụng phân vẫn còn cứng hoặc tác dụng quá mức làm trẻ ỉa lỏng. Cha mẹ cần trao đổi với bác sĩ điều trị để chỉnh liều tăng lên hoặc giảm đi cho tới khi phân bé đạt đủ mềm và duy trì liều này suốt quá trình sau đó.

Thời gian uống thuốc nhuận tràng duy trì có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí là hàng năm, cho tới khi trẻ thành thục chủ động đi vệ sinh 1 - 2 lần hàng ngày, phân mềm, đồng thời đã có thói quen ăn uống và sinh hoạt khoa học không gây ra táo bón trở lại sau ngừng thuốc.

Theo khuyến cáo hiện nay, dùng thuốc nhuận tràng kéo dài khá an toàn, không gây ra tác dụng phụ đáng kể nào ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, dùng thuốc tối thiểu 6 tháng và có ít nhất 1 tháng trước đó trẻ đã đi vệ sinh tốt. Điểm mấu chốt dẫn tới thất bại điều trị là thuốc nhuận tràng chỉ để giúp mềm phân trong thời gian chờ đợi trẻ tập được các thói quen tốt. Cha mẹ tự ý dừng thuốc khi thấy phân trẻ mềm mà chưa thay đổi được các thói quen tốt kể trên dẫn đến trẻ táo trở lại hoặc khó khăn khi trẻ chưa hợp tác tập luyện mà bỏ cuộc chấp nhận trẻ táo bón và hy vọng trẻ lớn sẽ hết. Phần lớn là không tự hết mà rơi vào vòng xoáy bệnh lý: Táo bón - điều trị sai cách - táo bón nặng hơn.

Men vi sinh: Không được khuyến cáo sử dụng trong điều trị táo bón vì không có hiệu quả rõ ràng. Thực tế một số loại được gắn mác “men vi sinh” trên thị trường có giúp làm mềm phân hơn thực tế là có thêm các thành phần như chất xơ hoặc sorbitol - một dược chất làm nhuận tràng, không phải là tác dụng của các probiotic (lợi khuẩn).

Chất xơ: Chỉ nên sử dụng trong trường hợp trẻ không đủ khả năng ăn đủ nhu cầu qua việc ăn uống thông thường và không được khuyến cáo bổ sung thường quy để điều trị táo bón, thêm nữa làm cha mẹ quên đi ý nghĩa quan trọng của thay đổi thói quen ăn uống đủ nước, chất xơ... và sinh hoạt một cách khoa học.

Việc bổ sung chất xơ có thể cần thiết trong giai đoạn dừng điều trị bằng thuốc nhuận tràng. Chất xơ làm khối lượng phân tăng lên trong trực tràng sẽ kích thích làm trẻ có nhu cầu đi tiêu, tuy nhiên mặt trái của khối phân lớn hơn cũng có thể tăng sự khó chịu ở trẻ bị ứ đọng phân, cản trở khả năng cảm nhận cần thiết phải đi đại tiện sớm hơn của trẻ. Hơn nữa, nếu không uống đủ nước có thể gây khối phân lớn và khô.

Lưu ý khi sử dụng

Táo bón là một trong những vấn đề phổ biến ở trẻ em, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của trẻ. Trẻ bị táo bón có thể bị phân cứng, to, khô làm trẻ bị đau hoặc phải gắng sức nhiều khi đi cầu thậm chí gây chảy máu do nứt kẽ hậu môn. Điều này làm trẻ sợ đi cầu hoặc níu giữ phân, lâu dần trẻ ngày càng nặng hơn, trẻ bị són phân lỏng ra quần gây mất tự tin, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển tâm sinh lý của trẻ. Mặt khác trẻ bị táo bón nặng hoặc để quá lâu gây khó khăn điều trị hoặc nhiễm độc do tái hấp thu chất độc ở trực tràng.

Việc điều trị táo bón thành công cần kết hợp nhiều yếu tố: Sự hiểu biết và kiên nhẫn của cha mẹ, dùng thuốc đúng, đồng thời tập các thói quen đi vệ sinh đúng cách, ăn uống, sinh hoạt khoa học. Thời gian điều trị có thể kéo dài, không bao giờ được tự ý dừng thuốc hay ngừng tập luyện thói quen tốt, trẻ sẽ táo bón trở lại. Cho trẻ đi khám định kỳ. Nếu chưa có kết quả tốt nhất, các bác sĩ sẽ tư vấn và hướng dẫn cụ thể.


BS.Trần Đồng - BS. Kim Ngân
Ý kiến của bạn