Lưu ý khi dùng thuốc cho trẻ em
"Trẻ em không phải người lớn thu nhỏ". Điều này đúng trong mọi trường hợp và đặc biệt là vấn đề dùng thuốc điều trị.
Khi chưa đến tuổi trường thành, nhất là ở độ tuổi nhi đồng, đặc điểm sinh lý của trẻ em và các cơ quan nội tạng chưa phát triển hoàn thiện. Đặc biệt là chức năng thải độc của gan còn chưa đầy đủ, chức năng lọc của thận chưa hoàn chỉnh, cùng với một số men chuyển hóa chưa hoàn hiện và mức độ nhạy cảm của các cơ quan đối với thuốc rất cao… nên vấn đề gặp phải tác dụng phụ của thuốc cũng rất lớn. Về cơ bản, các tác dụng phụ của thuốc ở trẻ em và người lớn là như nhau, nhưng nguy cơ tác dụng phụ ở trẻ em thường để lại hậu quả nặng nề hơn.
Trẻ em chưa tự biết phòng ngừa các tác hại từ thuốc, do đó với người chăm sóc trẻ phải hết sức lưu ý:
- Không dùng thuốc trước khi có chỉ định của bác sĩ.
- Tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ.
- Tìm hiểu về tác dụng chính - tác dụng phụ của thuốc; liều lượng thuốc; thời điểm uống thuốc.
- Không được pha trộn các loại thuốc với nhau; không cho trẻ uống thuốc chung với sữa, nước trái cây.
- Trong quá trình dùng thuốc nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào cần thông báo cho bác sĩ ngay.
Ví dụ như kháng sinh - một loại thuốc mà trẻ hay phải sử dụng để điều trị nhiễm khuẩn, cần lưu ý có một số nhóm thuốc/thuốc không được dùng cho trẻ nhỏ:
- Nhóm phenicol (chloramphenicol…) có thể gây ức chế tủy xương, viêm thần kinh thị giác, hội chứng xanh xám đối với trẻ sơ sinh và trẻ dưới 6 tháng. Nếu dùng kéo dài có thể gây suy tủy, thiếu máu không hồi phục.
- Tetracyclin là kháng sinh không dùng cho trẻ dưới 8 tuổi, bởi thuốc làm chậm phát triển xương, làm cho răng vàng nâu vĩnh viễn.
- Nhóm aminoglycosid (streptomycin, gentamycin…) nếu dùng ở trẻ sơ sinh có thể gây độc thận, độc thính giác làm ảnh hưởng đến thính lực, thậm chí là điếc...
- Nhóm sulfamid không nên dùng cho trẻ nhỏ vì dễ gây buồn nôn, tiêu chảy, rối loạn hệ thống tạo máu, vàng da, sỏi thận, độc với thận và đái ra máu…
- Nhóm lincosamid nếu dùng cho trẻ dưới 2 tuổi có thể gây viêm đại tràng giả mạc.
- Nhóm quinolon không sử dụng cho trẻ dưới 16 tuổi vì tác động lên sự phát triển của sụn, khiến trẻ bị lùn.
- Một số tinh dầu chiết xuất từ thảo dược, được cho là lành tính nhưng cũng không dùng cho trẻ. Ngoài trẻ dễ bị kích ứng da, nếu vô tình để tinh dầu đi vào đường thở có thể gây đột ngột co thắt phế quản, gây suy hô hấp, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng cho trẻ em…
Ngoài ra, do khả năng hấp thu thuốc, phân bố, chuyển hóa và thải trừ thuốc khỏi cơ thể ở mỗi độ tuổi của trẻ cũng khác nhau. Chính vì thế, liều lượng và khoảng cách giữa các liều dùng ở trẻ em khác so với người lớn và cũng khác ở trẻ em ở mỗi độ tuổi. Đó là lý do vì sao không thể chia liều nhỏ của người lớn ra để cho trẻ em uống thuốc.
Lưu ý dùng thuốc ở người cao tuổi
Người cao tuổi thường mắc ít nhất 1 hoặc nhiều bệnh mạn tính, nên sẽ phải dùng nhiều loại thuốc khác nhau để điều trị.
Gan và thận là 2 cơ quan chuyển hóa và đào thải thuốc là chính. Ở người cao tuổi khối lượng cũng như chức năng gan và thận đều bị suy giảm; lượng máu đến các cơ quan này cũng giảm, do vậy ảnh hưởng tới chuyển hóa của thuốc, dễ dẫn đến tích lũy và gây độc.
Người cao tuổi cũng bị thay đổi đáng kể một số chức năng ở các cơ quan trong cơ thể, nên khả năng đáp ứng chậm hoặc đáp ứng mạnh quá với thuốc.
Do người cao tuổi nhu động ruột hoạt động kém, tuần hoàn đến ruột giảm… nên khả năng hấp thu cũng kém và chậm chạp hơn. Trong khi thuốc lưu lại trên đường tiêu hóa lâu hơn lại dễ gây nên các biến chứng trên đường tiêu hóa như nguy cơ chảy máu cao do dùng các thuốc chống viêm không steroid...
Hầu hết người cao tuổi bị giảm khối lượng các mô và khối lượng nước, trong khi đó khối lượng mỡ lại tăng, nên các thuốc tan trong nước sẽ bị tăng nồng độ; còn các thuốc tan trong mỡ sẽ bị chậm hấp thu, nhưng lại tăng thời gian tác dụng, dễ dẫn đến tích lũy gây độc.
Ví dụ, khi dùng các loại vitamin tan trong dầu như vitamin A, vitamin D... thì tác dụng chậm nhưng lại kéo dài. Do đó khoảng thời gian giữa các lần dùng lại phải xa nhau. Còn khi uống các loại vitamin tan trong nước như vitamin B, vitamin C thì người cao tuổi cần phải uống với một lượng nước nhiều hơn…
Để an toàn dùng thuốc cho người cao tuổi, phải hạn chế tối đa việc dùng thuốc, tránh lạm dụng thuốc, nhất là các thuốc được cho là "thuốc bổ", hay thực phẩm chức năng. Nếu phải dùng thuốc thì dùng càng ít loại càng tốt, chọn các loại thuốc ít độc với gan, thận. Trước khi dùng phải cân nhắc kỹ giữa lợi và hại trên từng người bệnh.
Ngoài ra người cao tuổi khi dùng thuốc điều trị bệnh phải đi khám định kỳ đúng hẹn để được theo dõi, kiểm tra, đánh giá thường xuyên về hiệu quả cũng như tác dụng phụ của thuốc, nhất là tác dụng phụ trên gan, thận. Với các loại thuốc phải dùng kéo dài, nếu có thể được nên có thời gian nghỉ thuốc xen kẽ, để tránh hiện tượng tích lũy thuốc.
Mời độc giả xem thêm video:
Giảm mỡ bụng theo 6 cách này giúp ngừa bệnh tật và giữ eo thon !