1. Thuốc ngủ và việc cẩn trọng khi kê đơn
Mất ngủ là một trong các triệu chứng đặc trưng của các bệnh tâm thần thuộc bệnh suy nhược thần kinh, bao gồm stress và các rối loạn lo âu. Bệnh nhân mất ngủ đến với bác sĩ thường đã vào giai đoạn mạn tính. Nhiều trường hợp đã được dùng hoặc tự dùng các loại thuốc ngủ nhưng không hiệu quả.
Thuốc ngủ luôn được biết đến là một con dao hai lưỡi, vừa có thể giúp cải thiện tình trạng giấc ngủ nhưng cũng có thể khiến người ta rơi vào những trạng thái nguy hiểm nếu không được sử dụng đúng cách. Vì thế việc kê đơn thuốc ngủ luôn phải thận trọng.
Chỉ định dùng thuốc phụ thuộc vào mức độ mất ngủ (cấp hoặc mạn). Mất ngủ thứ phát (khó khăn lúc bắt đầu ngủ hay duy trì giấc ngủ do bệnh lý kết hợp…). Mất ngủ nguyên phát, còn gọi mất ngủ tâm sinh lý rối loạn căng thẳng hoặc do học tập, do các hoạt động ban ngày...
Nhưng nếu chỉ dùng thuốc ngủ để cải thiện giấc ngủ là không đủ, bởi thuốc ngủ không thể chữa trị tận gốc chứng mất ngủ. Do đó, bệnh nhân cần được bác sĩ chuyên khoa thăm khám cẩn trọng, tìm ra nguyên nhân. Từ đó kết hợp sử dụng thuốc một cách hợp lý nhất mới mang lại hiệu quả. Cần lưu ý rằng sự kết hợp dùng thuốc để dễ ngủ ở nhóm bệnh nhân này rất dễ xảy ra tình trạng tương tác thuốc và sẽ để lại nhiều phiền phức.
Mỗi loại thuốc ngủ có thời gian bán hủy khác nhau và chỉ định cũng rất khác nhau, nên việc lựa chọn kê toa loại thuốc nào cần dựa trên đánh giá đặc trưng của triệu chứng mất ngủ.
Viện Hàn lâm giấc ngủ y khoa Hoa Kỳ đưa ra các khuyến cáo dùng cho bệnh nhân mới bị mất ngủ hay dùng duy trì giấc ngủ các loại thuốc ngủ thông dụng, gồm: Suvorexant, eszopiclone, zaleplon, zolpidem, triazolam, temazepam, ramelteon và doxepine.
Không sử dụng trazodone, tiagabine, diphenhydramine, melatonin, valerian và ramelteon cho bệnh nhân mới bị mất ngủ hay để duy trì giấc ngủ.
2. Cần dùng thuốc ngủ thế nào?
Thuốc ngủ chưa bao giờ là giải pháp tốt nhất trong việc điều trị chứng mất ngủ. Dùng thuốc ngủ không thể giải quyết các tình trạng mất ngủ kéo dài mà chỉ là một công cụ hỗ trợ đưa giấc ngủ quay trở lại chu kỳ vốn có.
Thực tế lâm sàng thường gặp bệnh nhân lạm dụng thuốc ngủ gây ra các tác dụng phụ như lệ thuộc thuốc; tình trạng rối loạn lo âu trở nên nặng nề hơn. Ngoài ra còn một số tác hại khác như tinh thần trì trệ, rối loạn cương dương ở nam giới, tăng cân…
Ngược lại, ở một số bệnh nhân lại có tâm lý lo lắng sẽ bị lệ thuộc thuốc hoặc tác hại lâu dài đến thần kinh nên không dám sử dụng thuốc hoặc dùng thuốc không đầy đủ…
Để an toàn và hiệu quả thì việc sử dụng thuốc phải được bác sĩ đã trải qua đào tạo chuyên sâu, có kinh nghiệm chỉ định. Bác sĩ chỉ kê đơn thuốc sau khi dùng các phương pháp pháp tâm lý trị liệu thích hợp mà không hiệu quả.
Nguyên tắc chung dùng thuốc là dùng liều thấp nhất có hiệu quả, thông thường dưới 7 ngày. Việc dùng thuốc dưới 7 ngày nhằm mục đích phá vỡ chu kỳ mất ngủ mãn và giúp bệnh nhân thích nghi với thời gian ngủ.
Trừ một số trường hợp đặc biệt phải dùng thuốc lâu dài hơn thì phải tuân thủ chặt chẽ theo chỉ định, không tự ý tăng/giảm liều. Với những bệnh nhân này, vào một thời điểm nhất định vẫn phải dừng việc sử dụng thuốc để giấc ngủ đến một cách tự nhiên. Trường hợp này khi ngừng thuốc phải theo liệu trình giảm liều dần dần để hạn chế các tác hại do thuốc gây ra.
Hầu hết các loại thuốc ngủ chỉ có hiệu quả trong vòng 8 giờ. Vì vậy, cần dùng thuốc đúng thời điểm để tránh tình trạng ngủ gật trong lúc đang làm việc hoặc tham gia giao thông.
3. Những điều không nên làm khi sử dụng thuốc ngủ
Tự ý dùng thuốc: Nếu tự ý sử dụng thuốc ngủ mà chưa được sự đồng ý hoặc chưa qua thăm khám điều trị tại cơ sở y tế uy tín thì không khác nào đang đánh cược cả tính mạng của bản thân.
Việc lạm dụng thuốc ngủ có thể gây ra tình trạng nghiện và nhờn thuốc. Chính vì điều này mà càng ngày số lượng thuốc muốn dùng sẽ càng lớn dần dần sẽ gây nguy hiểm.
Sử dụng chất kích thích: Thuốc ngủ và các chất kích thích nếu được kết hợp với nhau có thể làm tăng tương tác bất lợi. Nếu thời gian uống thuốc và thời gian sử dụng chất kích thích càng gần thì khả năng nguy hiểm sẽ càng tăng cao. Cần phải tránh xa các chất kích thích như: Rượu, bia, thuốc lá, cafein…
Ăn quá no: Ăn quá no sẽ khiến cơ thể khó chịu và tăng khả năng mất ngủ ở nhóm người phải dùng đến thuốc ngủ. Việc ăn no làm lượng đường máu tăng cao cũng làm cho cơ thể có thêm năng lượng dẫn đến khó ngủ. Bệnh nhân mất ngủ chỉ nên ăn khoảng 80% so với bình thường. Đặc biệt là buổi tối nên ăn nhẹ hơn.
Gia tăng stress: Khi căng thẳng quá mà dùng thuốc ngủ sẽ kém hiệu quả. Trường hợp stress cao, dẫn đến bồn chồn, lo lắng khó ngủ ngay cả khi đã dùng thuốc thì nên gặp bác sĩ để đổi liều hoặc sử dụng loại thuốc khác có hiệu quả hơn.
Sử dụng thuốc khác: Khi thời tiết giao mùa là lúc bệnh dị ứng, cảm cúm phát triển, stress gia tăng. Nếu dùng thuốc ngủ cùng với các loại thuốc cảm cúm không kê đơn cũng dễ dẫn đến tình trạng tương tác thuốc bất lợi, làm giảm hoặc gia tăng tác dụng của thuốc ngủ.
Mời độc giả xem thêm video:
Bắp cải -“Chiến binh bảo vệ sức khỏe con người | SKĐS