Hà Nội

Những lưu ý khi sử dụng thuốc đặt âm đạo

22-04-2010 07:43 | Dược
google news

Đối với các thuốc dùng đặt trong âm đạo, người dùng cần dùng đúng chỉ định, đúng cách. Nếu không sẽ không đạt hiệu quả mà còn gây hại...

Đối với các thuốc dùng đặt trong âm đạo, người dùng cần dùng đúng chỉ định, đúng cách. Nếu không sẽ không đạt hiệu quả mà còn gây hại...

Các loại và dạng thuốc đặt

Thuốc đặt âm đạo gồm các chất kháng các tác nhân gây bệnh,  hay các chất làm thay đổi môi trường âm đạo nhằm trị các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục:

- Loại chứa hormon estrogen làm cho niêm mạc âm đạo phát triển để có độ dày,  độ mềm mại cần thiết và tiết ra dịch âm đạo, làm cho giao hợp có hứng thú, không đau. Estrogen còn tạo ra lượng glycogen dồi dào, làm cho vi khuẩn lactobacillus phát triển, tiết ra acid lactic giữ cho môi trường âm đạo có tính acid (pH=3,5-4,5). Trong môi trường đó vi khuẩn có lợi phát triển, vi khuẩn có hại bị hạn chế. Người mãn kinh, lượng estrogen giảm sút, gây trở ngại cho sinh hoạt tình dục, làm cho các tác nhân gây bệnh dễ thâm nhập phát triển. Thuốc đặt chứa  estrogen nhằm chống lại các biểu hiện này.

- Loại chứa một kháng sinh dùng để đặc trị một tác nhân gây bệnh cụ thể. Ví dụ, thuốc trứng chứa metronidazol 500mg đặc trị trùng roi, viên đặt chứa  clotrimazol đặc trị nấm Candida...

- Loại chứa nhiều kháng sinh để kháng cùng  lúc nhiều tác nhân gây bệnh. Ví dụ, tergynan chứa ternidazol (trị trùng roi), nystatin (diệt nấm), neomycin (kháng khuẩn); flagystatine chứa metronidazol (trị trùng roi),  nystatin (trị nấm); neo penotrean chứa miconazol (trị nấm), metronidazol (trị trùng roi)...

Yêu cầu của thuốc đặt âm đạo là hoạt chất tan ra được, tác dụng tại chỗ, lý tưởng nhất là giữ được môi trường âm đạo trong khoảng pH=3,5-4,5. Các dạng thuốc đặt gồm: viên trứng; viên nhét có que nhét, chuyên đặt âm đạo; viên nén có loại chuyên đặt âm đạo như tergynan, nhưng một số có dùng đặt âm đạo nhưng chỉ là loại viên uống thông thường như viên chlorocid,  metronidazol...

Thuốc trứng - một dạng thuốc để đặt âm đạo.

Dùng thế nào cho an toàn  và hiệu quả?

Viêm âm đạo thường do một tác nhân chính gây ra. Mỗi tác nhân gây ra  các triệu chứng điển hình  có thể nhận biết qua khám, cấy dịch tiết âm đạo, soi tươi xác định sự có mặt tác nhân đó. Đa phần là soi tươi, dễ làm và ít tốn kém. Hầu hết tại cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên đều làm được, khi cần thiết mới dùng kỹ thuật xét nghiệm khó, đắt tiền ở tuyến cao. Ví dụ, người nhiễm trùng roi (trichomonas vaginalis) có khí hư màu vàng, loãng, có mùi hôi, nếu có bội nhiễm thì ngả sang màu xanh, bị rát bỏng nhất là khi giao hợp, khi lau sạch khí hư thấy âm  đạo, cổ tử cung có những chấm đỏ không đều, bôi lên dung dịch lugol (iod) sẽ thấy bắt màu rất rõ. Tuy nhiên những dấu hiệu trên chưa đặc hiệu. Cần làm thêm xét nghiệm giúp cho chẩn đoán như soi tươi, cấy dịch tiết âm đạo cho kết quả chính xác 60-70%. Khi cần, mới dùng các kỹ thuật thăm dò AND, tìm kháng thể đơn dòng có độ chính xác đến 99,8% nhưng khó, ít có cơ sở làm được.  Sau khi có kết quả khám xét nghiệm ở tuyến dưới có độ chính xác tương đối (60-70% như trên) có thể chọn khởi đầu thuốc trứng metronidazol. 

Khi không có điều kiện khám, xét nghiệm phân biệt, trước đây được coi là viêm âm đạo "không điển hình" dùng các biệt dược có nhiều kháng sinh (kháng nấm kháng khuẩn). Có người còn dùng viên đặt "đa năng" với quan niệm là "bắn một mũi tên trúng nhiều đích". Tuy nhiên, ngày nay nhiều thầy thuốc khuyên không nên lạm dụng loại thuốc này vì dễ gây nên tình trạng kháng thuốc.

Cần dùng đủ liều, trong khoảng 7-10 ngày, không nên dùng quá 14 ngày. Khi đã dùng đúng thuốc mà không đáp ứng thì có thể thay thuốc. Không nên dùng tùy tiện (kéo dài hoặc không đủ liệu trình điều trị) vì dễ sinh kháng thuốc.

Khi bệnh nặng, nếu dùng thuốc đặt không hiệu quả, có thể kết hợp thêm thuốc uống. Ví dụ, bị viêm âm đạo do Candida khởi đầu dùng thuốc bôi, thuốc đặt  clotrimazol, khi cần mới dùng kết hợp với thuốc phổ rộng, mạnh hơn là fluconazol.

Viêm âm  đạo có khi tái đi tái lại (do nhiễm lại từ bên ngoài, do tự nhiễm từ chính mình). Lần đầu tiên nên chọn một thuốc đặc hiệu, có tác dụng vừa phải, rẻ tiền; chỉ khi  không đáp ứng mới dùng một thuốc đặc hiệu khác mạnh hơn, đắt tiền hơn. Ví dụ nhiễm trùng roi, khởi đầu đặt metronidazol, nếu không đáp ứng có thể chuyển sang đặt ternidazol.

Với loại thuốc viên: Trước tiên cần làm ẩm (nhưng không nhũn hay rã) bằng cách nhúng viên vào nước 20-30 giây hay đặt viên thuốc lên một miếng gạc sạch đã làm ẩm. Sau đó, đặt viên thuốc vào âm đạo. Cần chú trọng kỹ thuật đặt: nên đặt vào buổi tối trước khi đi ngủ. Nếu không đặt vào buổi tối thì sau khi đặt phải nằm nghỉ vài giờ (khá bất tiện). Cách đặt: rửa sạch tay, kẹp viên thuốc giữa hai ngón tay đưa vào âm đạo. Dùng ngón tay đẩy thuốc vào bên trong. Khi đặt cần ở tư thế nửa nằm nửa ngồi, ngồi xổm hay đứng gác một chân lên ghế thấp. Người trẻ tuổi chưa từng tự đặt bao giờ nên nhờ thầy thuốc hay một người khác quen đặt hướng dẫn. Tránh giao hợp trong thời gian dùng thuốc nhằm làm cho thuốc có hiệu quả và tránh sự lây nhiễm từ người mình giao hợp.

Trong quá trình đặt thuốc nếu xảy ra dị ứng nên trao đổi cụ thể với thầy thuốc để có hướng xử trí phù hợp. Một vài trường hợp nhất thiết không nên lạm dụng thuốc đặt kháng sinh như trường hợp huyết trắng sinh lý, trường hợp viêm âm đạo không đặc hiệu (do các chất kích thích mà không do nhiễm khuẩn). Lạm dụng không chỉ gây nên sự kháng thuốc mà còn có thể làm mất cân bằng sinh thái hệ vi sinh, gây bội nhiễm các tác nhân gây bệnh khác.

DS.  Hà Thủy Phước


Ý kiến của bạn