Nhiễm khuẩn là tình trạng vi khuẩn có hại xâm nhập, nhân lên và lây nhiễm vào cơ thể. Khi bị nhiễm vi khuẩn, có thể gặp các triệu chứng toàn thân như sốt, ớn lạnh và mệt mỏi.
Nhiễm trùng do vi khuẩn khác nhau từ các bệnh nhẹ như viêm họng, nhiễm trùng tai... đến nghiêm trọng như nhiễm trùng não (viêm màng não, viêm não). Một số vi khuẩn có hại gây nhiễm trùng bao gồm Streptococcus, Staphylococcus và E.coli...
Thuốc kháng sinh là thuốc chống nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra bằng cách tiêu diệt vi khuẩn hoặc kìm khuẩn.
1. Tác dụng của thuốc kháng sinh cefixime
Cefixime thuộc nhóm kháng sinh cephalosporin, là thuốc điều trị ngắn hạn nhiều loại bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Cefixime ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn bằng cách ngăn chặn sự hình thành lớp vỏ bảo vệ rất quan trọng cho sự phát triển của vi khuẩn.
Cefixime có thể được chỉ định điều trị các bệnh: Nhiễm trùng tai, mũi, họng, viêm phế quản, viêm phổi, viêm đường tiết niệu... do vi khuẩn gây ra. Ngoài ra, cefixime cũng được kê đơn để điều trị bệnh lậu.
2. Những lưu ý khi dùng thuốc
- Tác dụng phụ của thuốc: Khi dùng thuốc, có thể gặp các tác dụng phụ phổ biến như tiêu chảy, buồn nôn, phân lỏng, đau bụng, khó tiêu và nôn. Hầu hết các tác dụng phụ này không cần chăm sóc y tế và sẽ hết dần theo thời gian. Tuy nhiên, nếu những tác dụng phụ này không hết cần thông báo cho bác sĩ để được ứng phó thích hợp.
- Mẫn cảm với thuốc: Không dùng thuốc nếu bị dị ứng với cefixime, các loại kháng sinh cephalosporin khác hoặc bất kỳ thành phần nào khác của thuốc này.
- Không tự ý dùng thuốc: Chỉ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Việc tự dùng thuốc có thể dẫn đến điều trị không hiệu quả, tình trạng kháng thuốc kháng sinh nguy hiểm.
- Tương tác thuốc: Cefixime có thể tương tác với một số loại vaccine (vaccine viêm gan BCG, vaccine dịch tả, vaccine thương hàn), thuốc chống đông máu (warfarin) và thuốc chống co giật (carbamazepine)...
3. Những đối tượng cần cẩn trọng khi dùng thuốc kháng sinh cefixime
- Phụ nữ mang thai: Cefixime không nên được sử dụng trong thời kỳ mang thai trừ khi thật cần thiết. Bác sĩ sẽ cân nhắc lợi ích và rủi ro tiềm ẩn trước khi kê đơn.
- Bà mẹ đang cho con bú: Chỉ nên dùng cefixime cho các bà mẹ đang cho con bú nếu lợi ích của việc điều trị được đánh giá là lớn hơn những rủi ro có thể xảy ra đối với trẻ sơ sinh. Do đó, tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
- Người mắc bệnh gan: Cần thận trọng khi dùng thuốc, đặc biệt nếu có tiền sử bệnh/tình trạng gan.
- Bệnh thận: Cần thận trọng khi dùng cefixime, đặc biệt nếu có tiền sử bệnh/tình trạng thận.
4. Lưu ý về ăn uống khi dùng thuốc
- Sau khi dùng đủ liệu trình cefixime, nên dùng men vi sinh để phục hồi hệ vi sinh lành mạnh trong ruột. Dùng men vi sinh sau khi điều trị bằng kháng sinh có thể làm giảm nguy cơ tiêu chảy liên quan đến kháng sinh. Một số thực phẩm lên men như sữa chua, phô mai, dưa cải bắp, kombucha và kim chi có thể giúp phục hồi vi khuẩn tốt trong ruột.
- Bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất xơ như các loại ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì nguyên hạt và gạo lứt trong chế độ ăn uống, vì thực phẩm giàu chất xơ có thể giúp phục hồi vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh sau một đợt kháng sinh.
- Tránh dùng quá nhiều canxi, thực phẩm và đồ uống giàu chất sắt vì nó có thể ảnh hưởng đến hoạt động của thuốc.
- Không sử dụng đồ uống có cồn với cefixime vì có thể làm mất nước và ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
Những sai lầm kinh điển về dinh dưỡng cha mẹ hay mắc phải