Những lưu ý khi nội soi đại tràng

26-05-2022 09:37 | Y tế
google news

SKĐS - Để giúp đại trực tràng sạch hơn, khoảng 2 ngày trước khi nội soi, bạn nên ăn thức ăn nhẹ, ít chất xơ, dễ tiêu hóa. Đây là một trong những lời khuyên bác sĩ Bệnh viện K đưa ra trước khi bệnh nhân nội soi đại tràng.

Không ít người được chẩn đoán ung thư đại tràng khi bệnh đã vào giai đoạn muộn, gây khó khăn trong điều trị trong khi hiệu quả không cao và tốn kém chi phí.

Giai đoạn đầu, ung thư đại tràng đa phần không có biểu hiện rõ rệt. Chỉ khi các khối u phát triển và lây lan, chèn ép các bộ phận khác trong cơ thể, bệnh mới xuất hiện các triệu chứng rõ ràng.

Bên cạnh đó, một số biểu hiện có thể thường gặp ở các bệnh lý tiêu hóa khác nên mọi người chủ quan không đi khám, đợi bệnh tự khỏi.

Theo các bác sĩ Bệnh viện K, ung thư đại tràng thường có thể được ngăn ngừa qua việc sàng lọc thường xuyên, nhằm phát hiện polyp trước khi phát triển thành ung thư.

Theo hướng dẫn của các bác sĩ Bệnh viện K, một người nên bắt đầu quá trình sàng lọc sớm hoặc sàng lọc với tần suất thường xuyên hơn nếu có yếu tố như:

- Tiền sử mắc ung thư đại trực tràng hoặc polyp lành tính; Tiền sử mắc viêm đại tràng mãn tính.

- Tiền sử gia đình mắc ung thư đại trực tràng hoặc polyp; Tiền sử gia đình mắc hội chứng ung thư đại trực tràng di truyền, ví dụ như bệnh đa polyp gia đình FAP3, hội chứng Lynch4, hoặc các hội chứng khác...

Một người với nguy cơ mắc bệnh nên bắt đầu sàng lọc sớm hơn ở tuổi ngoài 30.

Phương pháp tầm soát ung thư đại tràng

- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu để xác định chất chỉ điểm ung thư CEA. CEA tăng cao khi ung thư đại tràng đã lan ra các bộ phận khác. Đây không phải xét nghiệm chính xác tuyệt đối tuy nhiên, đây vẫn là biện pháp có hiệu quả theo dõi sau điều trị cho những người ung thư trực tràng.

- Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân: Bình thường trong phân không có máu nhưng khi bị ung thư thì tình trạng tăng sinh mạch nhiều, các mạch máu dễ tổn thương khi có phân đi qua.

Ngoài ra, đây có thể là dấu hiệu của khối polyp hay viêm loét ở đường ruột. Chính vì vậy, xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân có độ nhạy cao, có giá trị gợi ý làm các thăm dò khác sâu hơn.

- Nội soi đại tràng: Phương pháp này giúp quan sát toàn bộ đại tràng thông qua ống nội soi có gắn camera. Sau đó tiến hành lấy sinh thiết bệnh phẩm nếu có nghi ngờ hoặc điều trị loại bỏ khối polyp khi có chỉ định.

- Chụp X-quang đại tràng có cản quang: Cho hình ảnh dễ quan sát để phát hiện sự hiện diện của các khối u nếu có.

- Siêu âm, chụp CT/MRI: Xác định vị trí, kích thước và các tổ chức xung quanh khối u, hỗ trợ việc chẩn đoán ung thư đã di căn sang các bộ phận khác chưa và giúp bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

- Sinh thiết: Sinh thiết được thực hiện trong quá trình nội soi đại tràng hoặc phẫu thuật.

tam_soat_ung thu.jpeg

Lưu ý khi nội soi đại tràng

Trước khi nội soi

Người bệnh cần làm một số xét nghiệm cũng như nhận thuốc để làm sạch đại tràng tại nhà. Vì vậy, bạn nên đặt khám trước với bác sĩ để tiết kiệm thời gian.

Dù chọn phương pháp nội soi đại tràng nào, bạn cũng nên yêu cầu người nhà đi cùng để đưa về sau khi thực hiện nội soi.

Để giúp đại trực tràng sạch hơn, khoảng 2 ngày trước khi nội soi, bạn nên ăn thức ăn nhẹ, ít chất xơ, dễ tiêu hóa.

Một ngày trước khi nội soi đại tràng, nên uống nhiều nước, nhưng tránh xa các loại nước có màu xanh, đỏ, tím.

Đêm trước khi nội soi, bạn cần dùng thuốc nhuận tràng để làm sạch đường tiêu hóa. Kể từ khi uống thuốc cho đến khi tiến hành nội soi, bạn sẽ phải nhịn ăn hoàn toàn nhưng có thể uống nước đường nếu cảm thấy đói bụng.

Trong quá trình nội soi

Trong quá trình nội soi, bạn sẽ có cảm giác khó chịu, bị chướng hoặc đau bụng. Trường hợp cảm thấy quá đau, bạn cần giữ bình tĩnh, cố gắng nằm im và thông báo với bác sĩ ngay.

Sau khi nội soi đại tràng

Sau nội soi đại tràng, bạn nên nghỉ ngơi, thư giãn cho đến khi hết cảm giác khó chịu ở bụng;

Bạn có thể sẽ bị đau âm ỉ ở bụng, chướng bụng, thường xuyên mót rặn nhưng không đi cầu được. Tuy nhiên, những cảm giác này sẽ dần biến mất và bình phục vào ngày hôm sau;

Cần thông báo ngay cho bác sĩ và ở lại bệnh viện 1 – 2 tiếng sau nội soi đại tràng để theo dõi sức khỏe nếu có biến chứng nghiêm trọng đau nhiều, sốt...

Các dấu hiệu cảnh báo ung thư đại tràng

Ung thư đại tràng có biểu hiện bất thường ở các bộ phận liên quan đến đường tiêu hóa nên sẽ xuất hiện các dấu hiệu như: ợ chua, tức vùng bụng trước hoặc sau khi ăn, đau quặn bụng, đau râm ran, chán ăn, khó tiêu,...

Các rối loạn liên quan đến bài tiết phân như: đi lỏng hoặc đi táo thất thường, mót rặn, khó chịu khi đi ngoài, phân hình lá lúa, kích thước phân mỏng, hẹp hơn so với bình thường, xuất hiện máu trong phân, mệt mỏi, suy nhược cơ thể và giảm cân bất thường... đều là các triệu chứng của người ung thư đại tràng có thể gặp phải.

Ngoài ra, khi bệnh đã vào giai đoạn muộn thì có thể sờ thấy khối u xuất hiện dưới da bụng, bụng to dần,...

Bệnh nhân nữ 35 tuổi tránh được nguy cơ ung thư đại tràng nhờ nội soi tiêu hóaBệnh nhân nữ 35 tuổi tránh được nguy cơ ung thư đại tràng nhờ nội soi tiêu hóa

Tình cờ phát hiện polyp kích thước lớn trong một lần kiểm tra sức khỏe định kỳ kết hợp nội soi tiêu hóa, chị T.T.H. Nhung (35 tuổi) may mắn thoát khỏi nguy cơ ung thư đại tràng.


T.Nguyên (TH)
Ý kiến của bạn