Những lưu ý khi mắc sỏi thận

08-12-2017 10:05 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Sỏi thận được hình thành bởi các chất khoáng có trong nước tiểu, lắng đọng lại lâu ngày kết tụ lại tạo thành sỏi.

Sỏi thận có thể gây những biến chứng nguy hiểm do không được phát hiện và điều trị kịp thời. Nhưng ngay cả khi đã được điều trị, vẫn có khoảng 30% người bị sỏi thận tái phát vì không biết chế độ dinh dưỡng như thế nào để phòng tránh.

Khi bị sỏi thận, đối với những viên sỏi nhỏ thì có thể tự ra ngoài theo đường nước tiểu, còn những viên sỏi lớn thì sẽ tụ lại ở trong thận. Theo thời gian các viên sỏi sẽ càng lớn hơn và gây tắc đường tiết niệu làm suy giảm chức năng của thận và có khả năng lớn gây ra suy thận. Và sỏi có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm sau đây:

Tắc đường nước tiểu

Các viên sỏi được hình thành  trong đường nước tiểu như: bể thận, đài thận đều có thể rơi vào niệu quản hoặc niệu đạo và gây ra tắc đường nước tiểu. Trong khi đó, niệu quản sẽ cố gắng co bóp mạnh để tống các viên sỏi ra khỏi chỗ bị tắc nghẽn. Việc này sẽ tạo ra những cơn đau quặn thận tại những vùng như mạng sườn, hông và có thể lan tỏa tới tận háng. Ngoài ra, sỏi thận còn gây ra những hiện tượng như niệu quản ứ nước hay thận ứ nước. Nếu những viên sỏi được lấy ra kịp thời thì hiện tượng đau này sẽ bị mất đi. Còn nếu không được lấy ra sau một thời gian thận bị ứ nước kéo dài thận sẽ bị suy giảm chức năng không có khả năng phục hồi nữa nên dù đã khỏi bệnh thận vẫn sẽ bị ứ nước ở cấp độ một hoặc hai, và cuối cùng là có hiện tượng bí tiểu.

Sỏi thận có thể gây tắc đường tiểu.

Sỏi thận có thể gây tắc đường tiểu.

Nhiễm trùng đường tiết niệu

Niệu đạo là nơi các vi trùng tập trung và phát triển nên các viên sỏi nằm trong hệ niệu sẽ gây ra nhiễm trùng. Với những trường hợp bị nhiễm trùng nhẹ, các triệu chứng có thể là đau lưng, tiểu dắt, xét nghiệm nước tiểu có thể thấy bạch cầu đơn nhân hoặc đa nhân. Những trường hợp nhiễm trùng nặng hơn thì người bệnh có thể sẽ bị đi tiểu ra mủ, sốt cao. Nếu người bệnh vừa bị tắc đường nước tiểu và nhiễm trùng thì thận có thể bị ứ mủ hoặc hóa mủ (viêm mủ bể thận).

Bệnh nhân mắc bệnh sỏi thận nếu không được phát hiện sớm dẫn đến bị nhiễm trùng thì việc chữa bệnh sỏi thận sẽ gặp rất nhiều khó khăn và thời gian kéo dài. Ở giai đoạn đầu tiên, các bác sĩ chỉ đặt ống dẫn lưu vào thận để dẫn lưu mủ ra ngoài, chờ sau khi tình trạng nhiễm trùng giảm đi, bệnh nhân khá hơn thì mới có thể điều trị tiếp.

Suy thận cấp và mạn tính

Những trường hợp hai quả thận của bệnh nhân đều bị suy cùng một lúc dẫn đến tình trạng không có một giọt nước tiểu nào trong bàng quang, kéo dài trong vài ngày bệnh nhân có thể bị tử vong. Việc nhiễm trùng và bị ứ nước lâu ngày người bệnh có thể bị hủy hoại nhu mô thận.

Mất khoảng 50% đơn vị thận người bệnh vẫn có thể sống khỏe mạnh bình thường, nhưng nếu mất 75% đơn vị thận tình trạng bị suy thận sẽ xuất hiện. Lúc này người bệnh phải dùng các biện pháp tốn kém để duy trì tính mạng như chạy thận hay ghép thận.

Vỡ đáy đài thận

Trường hợp bị vỡ đáy đài thận xảy ra khi thận bị ứ nước nhiều mà vách thận lại mỏng. Tuy nhiên đây là trường hợp hiếm gặp.

Người bệnh bị sỏi thận cần phải được thăm khám và phát hiện sớm để điều trị bệnh kịp thời. Để tránh những biến chứng của suy thận, cần phải điều trị sớm và dứt điểm để phục hồi các chức năng của thận. Trong quá trình điều trị, người bệnh cũng cần phải ăn uống cẩn thận để tránh sỏi thận tái phát.

Những lưu ý với người mắc sỏi thận khi ăn uống

Sỏi thận có nhiều loại, trong đó sỏi canxi chiếm 80-90%, gồm có sỏi canxi oxalat, canxi phosphat và canxi oxalat phosphat. Ngoài những loại sỏi phổ biến trên thì còn nhiều loại sỏi ít gặp như sỏi struvit, sỏi acid uiric, sỏi cystin. Hầu hết các bệnh nhân bị sỏi thận chính là sỏi canxi nên chỉ cần kiêng ăn các chất có nhiều canxi là có thể tránh được sỏi thận. Nhưng hậu quả là cơ thể bị thiếu canxi sẽ gây ra loãng xương, rụng tóc và suy nhược thần kinh....

Do đó, mọi người không nên kiêng cữ quá mức các thực phẩm có nhiều canxi vì như thế sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Đối với người trưởng thành bình thường, mỗi ngày cần 1.000mg canxi. Trong các giai đoạn phát triển, nhu cầu canxi có thể sẽ nhiều hơn như:

Người bệnh đã và đang mắc bệnh sỏi thận nên giới hạn lượng canxi mỗi ngày cần khoảng 900mg là đủ.

Hiện nay, có nhiều người mắc bệnh sỏi thận vì muốn tốt cho xương nên vẫn sử dụng các loại sản phẩm có nhiều canxi. Nhưng các loại thuốc có canxi ở dạng đặc nên cơ thể rất dễ hấp thụ dẫn đến thừa canxi. Người bệnh nếu đã bị sỏi thận canxi thì nên tránh xa các sản phẩm chứa nhiều canxi mà nên bổ sung canxi tự nhiên từ các thực phẩm ăn uống hàng này, và người bệnh cần phải kiểm tra định kỳ lượng canxi có trong máu và siêu âm thận thường xuyên. Các thực phẩm có nhiều canxi bao gồm: xà lách, hạt dẻ, quả ô-liu, các loại sữa, đậu tương, đậu trắng, sôcôla, các loại hải sản như ngao, sò, ốc, hến, tôm, cua, ghẹ, các loại hoa quả như vải, mận, hạnh nhân...

Trong quá trình giảm ăn, người bệnh chỉ cần giảm các món từ sữa như sữa, bơ, kem, pho mát vì chúng sẽ làm cơ thể tăng hấp thu canxi khoảng 20 lần qua đường ruột. Các loại hải sản như tôm, cua ghẹ... thỉnh thoảng ăn cũng không sao.

Các loại thực phẩm người bệnh cần phải hạn chế

Loại thực phẩm có nhiều chất oxalat: rau muống, củ cải, củ niễng, dưa chuột, cà phê, trà đặc, chocolate, dâu tây, me chua.

Loại thực phẩm có nhiều chất phosphat: đậu nành, đậu Hà Lan, ca cao, đậu tương, các loại gan, các loại bơ...

Không được tự ý bổ sung vitamin D trừ khi có sự chỉ định của bác sĩ.

Người bệnh cần phải có chế độ dinh dưỡng riêng.


BS. Lê Sĩ Trung
Ý kiến của bạn