Những lưu ý khi dùng thuốc viên

06-09-2017 14:54 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Theo dữ liệu của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), cứ trong 100 trường hợp được chỉ định dùng thuốc thì có khoảng 50% dùng thuốc không đúng như chỉ định ban đầu.

Bên cạnh việc thay đổi thuốc, sử dụng thuốc không đúng thời điểm thì việc sử dụng thuốc không đúng cách cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến giảm hiệu quả điều trị và nghiêm trọng hơn có thể gây nguy hiểm trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người sử dụng.

Các dạng bào chế khác nhau của thuốc đường uống

Các chế phẩm thuốc đang lưu hành trên thị trường có thể được phân loại thành nhiều loại khác nhau tùy theo đường dùng như thuốc dùng đường uống, thuốc tiêm truyền, thuốc dùng ngoài, thuốc đặt vào các hốc tự nhiên trong cơ thể hoặc có thể phân loại theo thể chất như thuốc ở dạng rắn (thuốc bột, viên nén, viên nang, viên hoàn…), thuốc ở dạng thể mềm (thuốc mỡ, gel, cao thuốc…), thuốc ở dạng thể lỏng như (dung dịch, hỗn dịch, nhũ tương, siro thuốc).

Có thể nói rằng đường uống là đường đưa thuốc vào cơ thể đơn giản và thuận tiện nhất cho người sử dụng. Chính vì vậy, các thuốc dùng bằng đường uống rất đa dạng như dạng bào chế (thuốc bột, thuốc viên, dung dịch, hỗn dịch, nhũ tương) cũng như cách dùng (ngậm, nhai, đặt dưới lưỡi…). Đặc biệt, đối với thuốc viên, về mặt hình dạng, các thuốc này tương đối giống nhau và khó phân biệt mặc dù cách dùng thuốc khác nhau. Các dạng thuốc khác nhau được thiết kế và bào chế với các mục đích và cách dùng khác nhau. Việc dùng thuốc không đúng cách có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho người sử dụng. Dưới đây là một số lưu ý khi sử dụng một số dạng thuốc viên đặc biệt đang được lưu hành trên thị trường.Khi dùng thuốc, cần sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa để đạt hiệu quả cao nhất. Ảnh: TM

Khi dùng thuốc, cần sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa để đạt hiệu quả cao nhất. Ảnh: TM

Những lưu ý khi dùng dạng thuốc viên

Thuốc viên nén, viên bọc đường: Đây là các dạng thuốc viên thông thường nhất và đang rất phổ biến trên thị trường. Người sử dụng cần nuốt nguyên viên và dùng kèm với một lượng nước đủ để đưa thuốc xuống dạ dày dễ dàng hơn. Một số trường hợp người bệnh nuốt trực tiếp thuốc mà không dùng kèm với nước có thể gây tổn thương niêm mạc ống tiêu hóa do tính háo nước của dược chất và tá dược; bên cạnh đó, quá trình hòa tan cũng đòi hỏi một lượng dung môi nhất định, điều này có thể dẫn đến việc mất nước của tế bào niêm mạc ống tiêu hóa khi tiếp xúc trực tiếp với dạng bào chế.

Thuốc nhai: Nhiều loại thuốc được thiết kế đặc biệt ở dạng thuốc nhai ví dụ như viên nhai aspirin và một số thuốc kháng acid dạ dày. Thông thường, kích thước của viên thuốc nhai thường lớn hơn kích thước của các loại thuốc viên khác, do đó bắt buộc người sử dụng cần phải nhai kĩ thuốc trước khi nuốt xuống dạ dày. Nếu người bệnh dùng loại thuốc này bằng cách nuốt nguyên viên như các loại thuốc uống thông thường khác, nhiều nguy cơ có thể xảy ra như bị nghẹn, khó thở do viên thuốc có kích thước lớn bị mắc lại ở thực quản. Bên cạnh đó, việc nuốt nguyên viên còn làm giảm đáng kể hiệu lực của thuốc do khả năng giải phóng và hấp thu của thuốc thay đổi khi thuốc không được nhai và chia nhỏ trong khoang miệng.

Thuốc bao phim: Dạng thuốc này có hình dáng tương tự như các viên nén thông thường, tuy nhiên, dược chất được bao phủ thêm bởi một lớp màng được gọi là màng bao tan trong ruột. Chức năng của màng này là để bảo vệ hoạt chất bên trong không tiếp xúc với acid dịch vị trong dạ dày. Lớp màng này sẽ tan ra tại ruột non và giải phóng thuốc cho quá trình hấp thu. Các loại thuốc gây kích ứng dạ dày hoặc bị phân hủy bởi acid thường được bào chế ở dạng thuốc này tiêu biểu như các thuốc kháng sinh beta-lactam và các thuốc kháng viêm. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp người bệnh tự ý chia đôi thuốc, nghiền nhỏ hoặc nhai thuốc; khi đó, cấu trúc của lớp màng bảo vệ bị phá vỡ, dẫn đến mất tác dụng của thuốc do thuốc bị phân hủy và còn có thể gây kích ứng dạ dày cà tác dụng không mong muốn.

Thuốc viên nang: Cũng tương tự như thuốc bao phim, vỏ nang cũng có tác dụng bảo vệ hoạt chất bên trong khỏi các tác nhân trong quá trình hấp thu. Do đó, người dùng không nên tháo bỏ vỏ nang khi dùng thuốc.

Thuốc viên tác dụng kéo dài: Một số loại thuốc điều trị các bệnh mạn tính như thuốc điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường được bào chế ở dạng đặc biệt để kéo dài thời gian giải phóng thuốc và giảm số lần dùng thuốc trong ngày. Trong đó, dạng thuốc này thường chứa lượng dược chất lớn hơn so với các viên nén thông thường và được thiết kế phức tạp để kiểm soát tốc độ giải phóng dược chất vào cơ thể. Chính vì vậy, nếu cấu trúc của thuốc bị thay đổi do bị nghiền nhỏ hoặc bẻ đôi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ giải phóng dược chất và gây ra các tác dụng không mong muốn và nguy cơ ngộ độc do quá liều. Đối với dạng thuốc này, người dùng tuyệt đối không được nhai thuốc, bẻ đôi thuốc hoặc chia nhỏ thuốc khi sử dụng.

Viên đặt dưới lưỡi: Viên đặt dưới lưỡi là một dạng bào chế đặc biệt, viên thuốc sẽ rã nhanh khi đặt dưới lưỡi và dược chất sẽ dễ dàng được hấp thu vào cơ thể và cho tác dụng nhanh chóng (như thuốc điều trị tăng huyết áp). Dạng thuốc này chỉ phát huy hiệu quả điều trị mong muốn khi được đặt đúng vị trí và không được nuốt viên thuốc vào hệ tiêu hóa. Do đó, đối với dạng thuốc này, người dùng không nên uống kèm với nước hoặc các thuốc khác.

Lời khuyên của thầy thuốc

Việc dùng thuốc đúng cách ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả điều trị của thuốc. Chính vì vậy, trước khi sử dụng bất kì loại thuốc nào, người dùng thuốc cần biết rõ dạng thuốc và cách dùng để đạt được kết quả tốt nhất. Bên cạnh đó, ứng với mỗi dạng thuốc của các chế phẩm trên thị trường đều được tối ưu hóa thiết kế với cách dùng thuốc tương ứng. Do đó, người sử dụng không nên tự ý chia nhỏ thuốc, nghiền nhỏ thuốc hoặc sử dụng không đúng như hướng dẫn sử dụng. Trong nhiều trường hợp gặp khó khăn trong sử dụng thuốc như đối với trẻ em hoặc người cao tuổi, cần có sự tư vấn của cán bộ y tế để điều chỉnh hoặc thay thế các dạng thuốc sao cho phù hợp với từng đối tượng cụ thể để thu được hiệu quả điều trị cao nhất.


DS. BÙI ĐỨC TRÍ
Ý kiến của bạn