Hà Nội

Những lưu ý khi dùng thuốc trị bệnh nhược cơ

04-09-2015 16:19 | Dược
google news

SKĐS - Nhược cơ là một bệnh tự miễn mắc phải, liên quan đến tổn thương khớp nối thần kinh - cơ.

Nhược cơ là một bệnh tự miễn mắc phải, liên quan đến tổn thương khớp nối thần kinh - cơ. Là một bệnh hiếm gặp nhưng có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu tổn thương vùng hầu họng hoặc các cơ hô hấp. Hiện nay, việc dùng thuốc điều trị bệnh chỉ nhằm hạn chế các cơn nhược cơ, tùy từng giai đoạn của bệnh, ngoài ra khi dùng thuốc kéo dài cũng gặp không ít tác dụng phụ nguy hiểm. Bài viết này xin đóng góp một số lưu ý trong quá trình dùng thuốc điều trị bệnh...

Làm thế nào để biết mình mắc bệnh?

Bệnh cũng không có triệu chứng ban đầu rõ rệt, những dấu hiệu đầu tiên là ở mắt, biểu hiện bằng nhìn một thành hai (nhìn đôi) hoặc sụp mi mắt. Một số trường hợp khác bệnh biểu hiện bằng khó phát âm, khó nhai hoặc yếu cơ ở các chi. Sự yếu hoặc mệt mỏi cơ xuất hiện khi gắng sức và đỡ hơn khi nghỉ ngơi (đỡ về sáng sau khi ngủ dậy và nặng hơn vào buổi chiều) là đặc trưng của bệnh. Tuy nhiên trong trường hợp nặng, thậm chí khi nghỉ ngơi một thời gian dài nhưng bệnh cũng không đỡ. Bệnh có thể xuất hiện sau sang chấn tâm lý, bệnh nhiễm trùng, can thiệp ngoại khoa hoặc dùng các chất ức chế sự dẫn truyền thần kinh - cơ, có thai (trong 4 tháng đầu).

Dấu hiệu sụp mi trong bệnh nhược cơ.

Dấu hiệu sụp mi trong bệnh nhược cơ.

Thuốc trị bệnh và những lưu ý khi dùng

Để điều trị bệnh, cần phối hợp dùng thuốc điều trị triệu chứng và thuốc điều trị nguyên nhân gây ra bệnh. Tùy từng giai đoạn tiến triển của bệnh mà bệnh nhân sẽ dùng các phác đồ điều trị khác nhau. Các nhóm thuốc được dùng là:

Thuốc kháng cholinergic: Là thuốc được sử dụng ở tất cả các thể hoặc các giai đoạn của bệnh. Thuốc có tác dụng ức chế sự phân huỷ của Acetyl-cholin bởi men cholinesterase và tăng độ tập trung của Acetyl-cholin ở khớp nối thần kinh - cơ. Dù có tác dụng điều trị triệu chứng nhưng hiệu quả của thuốc giảm dần theo thời gian điều trị. Để thuốc có tác dụng tốt, cần phải uống thuốc trước bữa ăn từ 30 phút đến 1 giờ. Khi bệnh nhân có rối loạn nuốt hoặc bệnh ở giai đoạn cấp tính thì thuốc tiêm sẽ được chỉ định. Mỗi bệnh nhân, tùy vào cân nặng, tình trạng và giai đoạn của bệnh sẽ có liều lượng khác nhau. Thuốc được chỉ định từ liều thấp rồi tăng dần tới liều thuốc mang lại hiệu quả. Cần chú ý sự quá liều có thể dẫn đến thiếu sót vận động tăng lên và suy hô hấp vì sự nghỉ bù không hồi phục của tấm vận động. Hiện tượng này còn được gọi là cơn cholinergic, cần được phát hiện và xử trí sớm để tránh những hậu quả đáng tiếc.

Những triệu chứng của quá liều thuốc kháng cholinergic là vã mồ hôi, tăng tiết nước bọt và dịch phế quản, buồn nôn, chậm nhịp tim, tiêu chảy, đau bụng, co đồng tử, máy cơ, chuột rút.

Để giảm tác dụng không mong muốn của thuốc kháng cholinergic, người ta có thể sử dụng atropin nhưng gây nguy cơ che khuất triệu chứng của quá liều thuốc kháng cholinergic.

Corticoid: được chỉ định trong trường hợp tác dụng kém với thuốc kháng cholinergic và không đỡ sau cắt bỏ tuyến ức. Thuốc cũng được chỉ định liều dùng từ thấp để tránh nguy cơ nặng lên tạm thời lúc đầu điều trị. Sau đó tăng liều dần tới liều tấn công, sau đó giảm liều dần và duy trì ở liều thấp có hiệu quả trong nhiều tháng. Khi dùng thuốc này cần được bổ sung kali và canxi, thuốc bảo vệ dạ dày, hạn chế ăn muối... do tác dụng phụ của thuốc. Hiệu quả điều trị sẽ đạt được sau 2 - 4 tuần và hiệu quả tối ưu sau 6 tháng đến một năm.

Việc dùng corticoid phải hết sức thận trọng và được giám sát chặt chẽ bởi corticoid là một ví dụ điển hình về con dao 2 lưỡi.

Các tác dụng phụ phổ biến và nguy hiểm của corticoid gây ra cho bệnh nhân khi buộc phải dùng thuốc dài ngày như tình trạng loãng xương, dễ bị gãy xương, lún xẹp cột sống; tích nước và muối gây phù và tăng huyết áp, nhất là huyết áp tâm thu; rối loạn dung nạp glucose hoặc đái tháo đường; viêm loét dạ dày, một số trường hợp bị chảy máu dạ dày; dễ bị nhiễm khuẩn do thuốc corticoid ức chế hệ miễn dịch của cơ thể. Đó là lý do tại sao khi dùng corticoid lại phải bổ sung các loại thuốc khác như đã khuyên ở trên. Các tác dụng nguy hiểm khác có thể gặp như suy thượng thận khi điều trị corticoid liều cao và kéo dài (trên 2 tuần) sẽ khiến tuyến thượng thận ngừng hoạt động, thậm chí bị teo và bệnh nhân sẽ bị rơi vào tình trạng suy thượng thận. Suy thượng thận là một trong những biến chứng thường gặp nhưng các triệu chứng không đặc hiệu và diễn biến âm thầm nên hay bị bỏ qua; da mỏng, dễ bị xuất huyết dưới da khi tiêm truyền hoặc va đập; các vết loét, vết mổ khó liền do corticoid ức chế quá trình liền vết mổ. Ngoài ra còn có thể gặp các tác dụng phụ khác như mất ngủ, rối loạn tâm thần, đục thuỷ tinh thể... Trẻ em dùng corticoid dài ngày dễ bị thấp lùn do corticoid ức chế tiết GH, làm giảm sự phát triển chiều cao.

Do vậy, để hạn chế những tác dụng phụ, bệnh nhân khi phải dùng corticoid để điều trị, cần chú ý:

- Tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ về liều lượng và thời gian sử dụng thuốc.

- Định kỳ kiểm tra huyết áp và đường huyết.

- Khám mắt sau điều trị 3 tháng.

- Thông báo ngay cho bác sĩ biết nếu có rối loạn về tâm thần.

- Tránh nằm hoặc ngồi tại chỗ quá lâu vì nó làm yếu cơ nhiều hơn và làm loãng xương nặng thêm. Với những người bị gãy xương thì sau khi được điều trị nên tập vận động trở lại sớm.

- Nếu bị suy giảm ham muốn tình dục cũng cần phải thông báo cho thầy thuốc để được điều trị.

- Không bao giờ được tự ngừng thuốc corticoid đột ngột, nhất là những trường hợp đang dùng liều cao hoặc đã dùng thuốc trong thời gian dài vì nguy cơ rất cao bị suy thượng thận cấp nặng, dễ bị tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Các biện pháp điều trị khác

Bệnh nhân sẽ được xem xét các chỉ định khác như cắt bỏ tuyến ức nếu bệnh nhân mắc nhược cơ thể toàn thân ở người trên 40 tuổi và không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Trong trường hợp u tuyến ức có xâm lấn, cần tiến hành điều trị tia xạ hoặc hoá chất chống ung thư phối hợp.

Các trường hợp bệnh nhân tác dụng kém với thuốc kháng cholinergic và không đỡ sau cắt bỏ tuyến ức thì sẽ được chỉ định dùng thuốc làm giảm phản ứng miễn dịch; thay huyết tương; truyền globulin...

Các biện pháp này được chỉ định đối với trường hợp bệnh ở giai đoạn muộn, không đáp ứng với biện pháp dùng thuốc và chỉ được thực hiện ở bệnh viện chuyên khoa, do đó không giới thiệu sâu trong bài viết này.

ThS. Nguyễn Vân Anh

 

 


Ý kiến của bạn