Hà Nội

Những lưu ý khi dùng thuốc để giảm đau họng

21-11-2023 14:46 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Đau họng là triệu chứng rất thường gặp, đặc biệt khi giao mùa và thời tiết lạnh. Vậy có thể dùng thuốc nào và cần lưu ý gì khi sử dụng?

1. Thuốc gì giảm đau họng?

Đau họng không phải là một bệnh lý mà là một triệu chứng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Đau họng thường gặp do nhiễm virus, như cúm, viêm phế quản hoặc viêm amidan... 

Tiếp xúc với các chất kích thích như khói, ô nhiễm, hóa chất cũng có thể gây kích ứng, viêm và gây đau họng. 

Những lưu ý khi dùng thuốc để giảm đau họng- Ảnh 1.

Đau họng là triệu chứng rất thường gặp.

Nếu bị đau họng, có thể dùng thuốc paracetamol để giảm đau, kết hợp súc miệng bằng nước muối ấm, nghỉ ngơi và uống nhiều nước. 

Nếu bị dị ứng với paracetamol, có thể sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen hoặc aspirin. Tuy nhiên, những loại thuốc này tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn nên khi sử dụng thuốc cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

Ngoài ra có thể dùng dung dịch súc miệng hoặc viên ngậm có chứa các chất kháng khuẩn, kháng viêm và chất gây tê cục bộ để giảm đau họng. 

Thuốc kháng sinh chỉ được sử dụng trong trường hợp đau họng do nhiễm khuẩn khi có chỉ định của bác sĩ.

2. Lưu ý khi dùng thuốc giảm đau họng

- Khi bị đau họng có thể dùng thuốc giảm đau, hạ sốt paracetamol. Tuy paracetamol là một loại thuốc an toàn khi sử dụng đúng liều lượng, nhưng quá liều có thể gây tổn thương gan nghiêm trọng, không thể phục hồi. 

Thuốc cũng có chống chỉ định trong trường hợp dị ứng với paracetamol. Người có vấn đề về gan cần dùng thận trọng.

Paracetamol nên được sử dụng ở liều thấp nhất có hiệu quả và trong thời gian ngắn nhất có thể và cần lưu ý:

+ Liều dùng từ 10-15mg/kg. Khoảng cách giữa các liều ít nhất 4 đến 6 giờ.

+ Liều tối đa mỗi ngày không vượt quá 3g/ngày, trừ khi có lời khuyên khác của bác sĩ. 

+ Không uống rượu trong khi điều trị.

Nếu đang sử dụng các loại thuốc khác, cần kiểm tra xem thành phần có chứa paracetamol không để tránh sử dụng quá liều. 

- Đối với nhóm NSAID, nên dùng theo chỉ định của bác sĩ. Lưu ý, với trẻ em/thanh thiếu niên không được dùng aspirin vì nó liên quan đến hội chứng Reye – tình trạng hiếm gặp nhưng có khả năng đe dọa tính mạng.

- Người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng để dùng đúng liều, và sử dụng đúng cách.

Những lưu ý khi dùng thuốc để giảm đau họng- Ảnh 2.

Nếu bị đau họng, có thể dùng thuốc paracetamol để giảm đau.

Để giảm đau họng, ngoài việc dùng thuốc, có thể áp dụng các biện pháp sau:

- Tránh thức ăn hoặc đồ uống quá nóng vì có thể gây kích ứng cổ họng. Nên ăn thức ăn mềm và uống nước mát hoặc ấm.

- Tránh hút thuốc và môi trường nhiều khói thuốc.

- Thường xuyên súc miệng bằng nước muối ấm để giảm sưng, đau

- Uống đủ nước...

Ngoài ra, một số phương pháp tự nhiên cũng có tác dụng rất tốt trong việc giảm đau họng là sử dụng trà thảo mộc mật ong và chanh. Chanh có đặc tính sát trùng và cung cấp vitamin C cho cơ thể. Mật ong có tác dụng chống viêm họng nhờ đặc tính làm dịu và sát trùng.

3. Đau họng khi nào cần đi khám bác sĩ?

Trong một số ít trường hợp, đau họng có thể là triệu chứng của một căn bệnh tiềm ẩn nghiêm trọng như trào ngược dạ dày thực quản, ung thư, một số bệnh tự miễn như xơ cứng bì… Vì vậy, cần thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa, nếu:

- Đau họng kéo dài hơn một tuần, bệnh nhân là người hút thuốc 

- Đau họng có liên quan đến rối loạn nuốt, khó thở, ho dai dẳng, ho ra máu, sưng cục bộ ở cổ ( hạch bạch huyết ) hoặc tăng tiết nước bọt.  

6 cách phòng ngừa viêm họng, đau họng khi trời lạnh6 cách phòng ngừa viêm họng, đau họng khi trời lạnh

SKĐS - Viêm họng, đau họng xuất hiện nhiều hơn khi thời tiết giao mùa, trở lạnh. 6 cách phòng ngừa sau sẽ giúp bạn bởi nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ chuyển thành mạn tính và có thể gây nhiều biến chứng.

Mời xem thêm video được quan tâm:

Những lý do khiến bạn đau họng và cách điều trị



Ds. Dương Khánh Linh
Ý kiến của bạn