Những lưu ý khi dùng thuốc chữa tiêu chảy

09-08-2008 11:13 | Dược
google news

Bệnh tiêu chảy xảy ra khá phổ biến hiện nay. Việc điều trị thường tùy tiện không có sự hướng dẫn của thầy thuốc nên dễ dẫn đến tai biến.

Bệnh tiêu chảy xảy ra khá phổ biến hiện nay. Việc điều trị thường tùy tiện không có sự hướng dẫn của thầy thuốc nên dễ dẫn đến tai biến. Mặt khác lại có nhiều loại thuốc chữa tiêu chảy không cần đơn của thầy thuốc, người bệnh hoặc gia đình tự mua về để trị bệnh, kể cả người bán cũng không quan tâm đến tác dụng phụ có hại của thuốc, cũng như mặt hạn chế của nó trong điều trị tiêu chảy.

Trong phạm vi bài này xin đề cập đến một loại thuốc chữa tiêu chảy hiện có bán nhiều trên thị trường dược, đó là thuốc chữa tiêu chảy cấp và mạn tính có chứa lopéramide.

 Khi sử dụng thuốc chữa tiêu chảy chứa lopéramide người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ bởi thầy thuốc chuyên khoa.
Thuốc lopéramide có hai loại là lopéramide oxide và lopéramide hydrochloride đều có chung một cơ chế điều trị tiêu chảy là làm chậm vận chuyển ở ruột. Tuy nhiên thị trường dược nước ta hiện nay có nhiều loại thuốc chữa tiêu chảy chứa lopéramide là những biệt dược như: arestal dạng viên nén, chứa hoạt chất lopéramide oxide monohydrate tương đương 1mg lopéramide khan. Ame modium chứa hoạt chất lopéramide hydrochloride 2mg. Apo-lopéramide dạng viên nén cũng chứa 2mg hoạt chất lopéramide hydrochloride. Hay dạng viên nang cũng đều chứa 2mg hoạt chất lopéramide hydrochloride như imodium, lopedium, loperamide, loidium capsules dạng viên nang chứa 2mg hoạt chất lopéramide hydrochloride. Meko modium dạng siro có chứa hoạt chất lopéramidé hydrochloride 21,5mg/100ml. Hay novo lopéramide và paremide cũng đều có dạng viên nang chứa hàm lượng 2mg hoạt chất lopéramide hydrochloride.

Với loại lopéramide oxide: Khi uống vào thì khoảng 20 – 30% thuốc được hấp thu. Trong vòng 30-60 phút sau uống, nồng độ lopéramide oxide được hấp thu tối đa vào huyết tương rồi giảm dần. Thời gian bán hủy là 60 phút. Phần lớn lopéramide oxide đi qua đoạn cuối của ruột non tới ruột già và ở đây nó được chuyển dần thành lopéramide. Bởi vậy nồng độ cao nhất của lopéramide đạt được sau khi uống lopéramide oxide là sau 5-8 giờ. Thời gian bán hủy là 20 giờ. Lượng lopéramide tới gan sau khi uống 1 viên lopéramide oxide 1mg chỉ bằng 25% so với uống viên lopéramide hydrochloride 2mg.

Thuốc được chỉ định sử dụng trong trị tiêu chảy cấp và mạn

Liều dùng: Đối với tiêu chảy cấp: Khởi đầu 2mg. Sau mỗi lần đi ngoài phân lỏng uống 1mg. Tối đa trong 24 giờ không uống quá 8mg. Khi thấy phân đặc thì ngừng uống thuốc.

Với tiêu chảy mạn: Khởi đầu uống 2mg. Liều trong 24 giờ cũng không được quá 8mg.

Với lopéramide hydrochloride: Cơ chế tác dụng của thuốc là ức chế nhu động ruột đẩy tới bằng tác dụng ngoại biên trực tiếp lên thành dạ dày, ruột. Thuốc được chuyển hóa hoàn toàn ở gan, thải trừ theo đường mật theo phân ra ngoài. Khi chức năng gan bình thường thì tỷ lệ thuốc vào máu rất nhỏ và được đào thải ra ngoài cơ thể theo đường nước tiểu, còn chủ yếu là đào thải theo phân ra ngoài cơ thể.

Thuốc được chỉ định sử dụng cho tiêu chảy cấp và mạn tính

Liều sử dụng cho tiêu chảy cấp: Khởi đầu 4mg, sau mỗi lần đi ngoài phân lỏng uống thêm 2mg. Liều tối đa trong 24 giờ là 16mg. Khi thấy phân đặc thì ngừng thuốc.

Liều sử dụng cho tiêu chảy mạn: Khởi đầu 4mg mỗi ngày, có thể chỉnh liều để đi ngoài có phân đặc (liều duy trì để điều chỉnh là từ 2mg – 16mg mỗi ngày). Liều tối đa trong 24 giờ là 16mg.

Những vấn đề cần lưu ý:

Tác dụng phụ: Đau bụng, gây rối loạn tiêu hóa, nặng có thể nôn, liệt ruột, hay táo bón, chóng mặt, khô miệng, mệt mỏi, da nổi mẩn đỏ. Đặc biệt nguy hiểm có thể xảy ra là gây viêm ruột non, ruột kết có khi hoại tử ruột hay nhiễm độc làm to ruột kết là nguy hiểm nhất.

Thận trọng không sử dụng thuốc cho người mang thai, trẻ em dưới 12 tuổi, nếu cần sử dụng phải theo dõi và chỉ dùng thuốc này trong 2 ngày trừ trường hợp có đơn của bác sĩ điều trị.

Chống chỉ định: Người mẫn cảm với thuốc lopéramide, trẻ em dưới 6 tuổi, người có tiền sử bệnh gan, đang bị táo bón hay sốt cao có thân nhiệt trên 38o, đang có mẫn cảm hay dị ứng khác, ức chế nhu động ruột, chậm vận chuyển trong ruột, có viêm loét đại tràng hay viêm loét đại tràng giả mạc, phân có nhầy máu (lỵ cấp).

Các trường hợp tiêu chảy cấp ở người lớn thường do nhiều nguyên nhân gây ra như do vi khuẩn, do nhiễm độc thức ăn, do sử dụng kháng sinh kéo dài, rối loạn tiêu hóa, hay đại tràng kém hấp thu, ruột tăng vận động... thì lopéramide không có tác dụng trị liệu hoặc kém tác dụng vì thuốc này chỉ sử dụng để chữa tiêu chảy cấp hoặc tiêu chảy mạn do ruột bị tăng vận động.

Tương tác của thuốc: Khi sử dụng các loại thuốc có chứa lopéramide tuyệt đối không được uống rượu và mọi chế phẩm có chứa rượu. Không sử dụng thuốc này cùng các thuốc ức chế thần kinh trung ương hoặc thuốc barbiturat.

BS. Hoàng Thanh Sơn


Ý kiến của bạn