Sữa không thay thế được thực phẩm
Chất đạm (protein) của sữa rất quý vì thành phần acid amin cân đối và độ đồng hóa cao. Chất béo (lipid) của sữa giàu năng lượng, có nhiều vitamin tan trong chất béo nhất là vitamin A.
Sữa cũng là nguồn vitamin nhóm B, nhất là riboflavin (B2). Trong sữa chua lượng vitamin B1, B2 nhiều hơn ở sữa thường tới 20-30%. Trong sữa có nhiều canxi dưới dạng kết hợp với casein, tỷ lệ canxi/photpho thích hợp nên mức đồng hóa và hấp thu cao.
Chất béo (lipit)của sữa có giá trị sinh học cao vì ở trạng thái nhũ tương và có độ phân tán cao tạo điều kiện cho quá trình tiêu hóa và hấp thu dễ dàng. Lipit của sữa chứa nhiều axit béo chưa no cần thiết, có Lecithin là một photphatit quan trọng có vai trò trong chuyển hóa và kéo cholesterol ra khỏi cơ thể.
Do vậy sữa là thức ăn rất tốt cho mọi lứa tuổi. Với trẻ nhỏ sữa mẹ là thức ăn tốt nhất, cần cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Những tháng tiếp theo cần cho trẻ ăn bổ sung, trong khẩu phần của trẻ nên có thêm sữa (có thể là sữa bò, sữa trâu, sữa dê ) tuy nhiên nếu chỉ quan tâm cho trẻ uống sữa thì chưa đủ dinh dưỡng, cần cho trẻ ăn thêm các thức ăn đa dạng từ 4 nhóm thực phẩm mới cung cấp đủ dinh dưỡng giúp trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt.
Nhiều ông bố bà mẹ suy nghĩ "sữa là tốt nhất, nếu trẻ không chịu ăn thì cứ ép cho chúng uống sữa là đủ" do vậy cố gắng tìm mua các loại sữa đắt tiền và cho trẻ uống liên tục. Nhiều gia đình còn dùng sữa cho trẻ uống thay nước (khi nào khát là uống sữa). Sử dụng sữa cho trẻ như vậy là không đúng vì sẽ dẫn đến sự thừa một số thành phần mà lại thiếu hụt một số thành phần khác.
Thí dụ nhu cầu dinh dưỡng của trẻ từ 1-3 tuổi là 1.300 Kcal, 30 gam chất đạm(protein), 36 gam chất béo(Lipit), 195 gam chất đường bột(Gluxit) và 1.200ml nước. Để đảm bảo nhu cầu về năng lượng trẻ cần uống 2 lít sữa bò(đã pha theo công thức) /ngày, nhưng nếu uống đủ 2 lit sữa thì lượng đạm đưa vào cơ thể sẽ vào khoảng 42-45 gam(dư khoảng 10-12 gam), lượng mỡ đưa vào cơ thể khoảng 48- 50 gam(dư khoảng 12-14 gam).
Lượng dư ra của cả chất đạm và chất béo đều không tốt cho trẻ vì trong quá trình tiêu hóa sẽ tạo ra các sản phẩm trung gian độc hại cho cơ thể. Trên thực tế không cháu nào có thể uống được 2 lít sữa/ngày vì như vậy lượng nước đưa vào cơ thể sẽ quá nhiều làm tăng lưu lượng tuần hòan, tăng gánh nặng cho tim.
Nếu điều chỉnh lại cho phù hợp với nhu cầu chất đạm, chất béo của bé thì bé cần uống khoảng 1400ml sữa bò(đã pha theo công thức)/ngày và như vậy tổng năng lượng chỉ đạt 910 Kcal (thiếu khoảng 30%).
Các thành phần dinh dưỡng (các vitamin, muối khoáng được bổ sung trong sữa cũng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu hàng ngày của trẻ, chất xơ trong sữa rất ít nên nếu chỉ uống sữa các cháu sẽ bị táo bón.
Mặt khác nếu chỉ uống sữa trẻ sẽ không cần nhai, làm cho hệ thống răng và các cơ nhai không cần làm việc sẽ không gây cho trẻ cảm giác ngon miệng, không kích thích các tuyến tiêu hóa làm việc. Khi trẻ lớn đã có đủ răng trẻ cần được tập ăn nhai. Khi nhai răng cửa và răng hàm đều làm việc để cắt, nghiền thức ăn, các cơ hàm cũng cùng làm việc giúp hai hàm răng khít lại để cắt và nghiền thức ăn có hiệu quả.
Khi nhai sẽ kích thích sự bài tiết men tiêu hóa: tại miệng sẽ kích thích sự bài tiết nước bọt, trong nước bọt có men ptyalin, có tác dụng tiêu hóa tinh bột; tại dạ dày kích thích bàI tiết dịch vị trong đó có men pepsin có tác dụng tiêu hóa chất đạm. Ngòai các men tiêu hóa dịch vị còn có một thành phần rất quan trọng là axit clohydric.
Axit này có vai trò quan trọng tạo môi trường axit thuận lợi cho men pepsin(men tiêu đạm) hoạt động, có tác dụng sát khuẩn, (tiêu diệt các vi khuẩn có trong thức ăn, thủy phân xenlulose của thực vật(chất xơ trong các hạt , rau, củ, quả). Sau khi được tiêu hóa tại dạ dày thức ăn được chuyển xuống ruột. Tại ruột nhờ có men tiêu hóa của dịch tụy, dịch rụột, và muối mật giúp tiêu hóa nốt các thành phần của thức ăn đến giai đoạn cuối cùng.
Như vậy sữa là thức ăn rất tốt cho trẻ giúp cho chế độ ăn của trẻ cân đối hơn, giúp trẻ phát triển chiều cao tốt hơn nhưng chỉ tập trung cho trẻ uống sữa không là chưa đủ. Cần cho trẻ ăn đa dạng các thực phẩm tự nhiên thông qua việc chế biến bát bột, bát cháo, bát cơm của trẻ, như vậy mới có thể cung cấp đầy đủ các thành phần dinh dưỡng, đáp ứng nhu cầu phát triển của trẻ. Mỗi ngày trẻ từ 1-3 tuổi chỉ nên uống khoảng 500ml sữa bò (đã pha theo công thức); trẻ trên 3 tuổi chỉ nên uống khoảng 300-400ml là đủ.
Có phải uống nhiều sữa thì trẻ sẽ cao?
Một điều chúng ta dễ nhận thấy ở nước ta hiện nay đó là trẻ em ở thành phố cao hơn trẻ em nông thôn là do trẻ em thành phố được chăm sóc tốt hơn có chế độ ăn uống đầy đủ. Để có sự tăng trưởng chiều cao liên tục, cơ thể trẻ cần được nhận đầy đủ năng lượng cần thiết hàng ngày, trẻ có tăng cân tốt thì mới tăng chiều cao được.
Ngoài vấn đề năng lượng thì những vi chất dinh dưỡng đã được các nhà khoa học chứng minh là có liên quan đến tăng trưởng chiều cao đó là: Vitamin A, vitamin D, lysin, canxi, sắt, kẽm, iốt. Vitamin D có vai trò rất quan trọng trong chuyển hoá, canxi và phốt pho là hai khoáng chất quan trọng để phát triển xương. Nếu thiếu vitamin D thì ruột sẽ không thể hấp thu được canxi và phốt pho dẫn đến trẻ bị còi xương, mà còi xương ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển chiều cao.
Vitamin D có rất ít trong thức ăn, nguồn vitamin D chủ yếu là da tự tổng hợp được khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Vậy nên một đứa trẻ dù có uống nhiều sữa nhưng suốt ngày bị nhốt trong nhà không được tắm nắng để tổng hợp vitamin D thì canxi không thể hấp thu được, mà canxi là yếu tố quan trọng để phát triển chiều cao.
Vitamin A cũng giúp cho sự tăng trưởng của xương, giúp tăng cường miễn dịch trẻ ít bị ốm đau thì sẽ có cơ hội để cao lớn hơn. Một yếu tố vi lượng rất quan trọng để phát triển chiều cao của trẻ đó là kẽm, kẽm tham gia vào rất nhiều thành phần các enzyme trong cơ thể giúp tăng tổng hợp protêin, phân chia tế bào, thúc đẩy sự tăng trưởng, trẻ em thiếu kẽm thường biếng ăn, còi cọc và chậm lớn. Iốt là thành phần của nội tiết tố tuyến giáp, nội tiết tố này có vai trò thúc đẩy sự tăng trưởng của cơ thể, khi thiếu iốt trẻ sẽ bị thiểu năng tuyến giáp có thể bị lùn do suy giáp trạng.
Ngoài việc cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng trẻ muốn cao lớn còn phải được ngủ đủ giấc, nhất là giấc ngủ ban đêm. Hormon tăng trưởng do tuyến yên tiết ra cao nhất là vào ban đêm khoảng 11 – 12 giờ đêm khi mà trẻ đã ngủ say, cho trẻ em ngủ quá muộn, ngủ nhiều ban ngày thì lượng hormon tiết ra rất ít, trẻ thường chậm lớn, chậm phát triển chiều cao. Vì vậy vấn đề chăm sóc giấc ngủ cho trẻ đóng một vai trò rất quan trọng trong việc phát triển chiều cao.
Một số yếu tố khác cũng liên quan đến phát triển chiều cao đó là môi trường sống, bệnh tật và đặc biệt là vấn đề vận động thể lực. Một đứa trẻ không thể cao lớn được trong một môi trường sống ô nhiễm (khói thuốc lá, khói than tổ ong, khói xe, bụi...) thường xuyên bị bệnh tật ốm đau và suốt ngày bị giữ trong nhà.
Mặt khác sự tăng trưởng chiều cao của trẻ có 3 giai đoạn quan trọng nhất: Giai đoạn trong bào thai, giai đoạn dưới 2 tuổi và giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì (trẻ trai: 13 – 16 tuổi, trẻ gái 10 – 13 tuổi). Nếu trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai, đẻ ra nhẹ cân, thiếu chiều cao thì sau này cũng khó mà cao được. Hoặc giai đoạn dưới 2 tuổi trẻ bị suy dinh dưỡng nhất là suy dinh dưỡng thể thấp còi thì nguy cơ thấp chiều cao sau này là rất lớn (vì chiều cao của trẻ lúc 2 tuổi bằng # chiều cao của trẻ lúc trưởng thành).
Và giai đoạn dậy thì cũng rất quan trọng, ở giai đoạn này trẻ có thể tăng 10 – 15cm/ năm. Nếu trẻ được chăm sóc dinh dưỡng tốt và tập thể dục thể thao như: chạy, bơi lội, tập xà... thì có thể cải thiện được chiều cao rất tốt.
Như vậy có rất nhiều yếu tố liên quan đến sự phát triển chiều cao của trẻ, nếu chỉ quan tâm đến việc cho trẻ uống nhiều sữa để phát triển chiều cao thì chưa đủ. Sữa đúng là một thực phẩm rất tốt có chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng giúp trẻ tăng trưởng và phát triển chiều cao, sữa là nguồn cung cấp canxi quan trọng nhất là trẻ được nuôi bằng sữa mẹ thì có cơ hội cao lớn hơn những trẻ không có sữa mẹ. Vì canxi trong sữa mẹ dễ hấp thu hơn canxi trong sữa bò. Khi cai sữa mẹ trẻ cần được bổ sung các loại sữa bột công thức theo tuổi, hoặc uống sữa tươi khi trẻ đã lớn.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Sốt xuất huyết - Những sai lầm khiến bệnh chuyển nặng