Hà Nội

Những lưu ý khi cúng ông Công ông Táo 2023 nhất định phải biết

12-01-2023 14:36 | Đời sống
google news

SKĐS - Làm thế nào để lễ cúng ông Công ông Táo năm 2023 đúng ý nghĩa là boăn khoăn của nhiều gia đình khi chuẩn bị cho ngày lễ quan trọng này.

Cúng ông Công ông Táo - một tín ngưỡng đẹp

Theo tín ngưỡng cổ truyền Việt Nam, ngày 23 tháng Chạp Âm lịch hàng năm là ngày cúng ông Công ông Táo (còn gọi là Táo quân) cưỡi cá chép vàng lên trời báo cáo với Ngọc Hoàng tất cả những điều tai nghe mắt thấy ở trần gian.

Chính vì thế, để mong cầu thần Bếp báo cáo những lời hay, ý đẹp với Ngọc Hoàng thì hàng năm vào ngày 23 tháng Chạp, mỗi gia đình đều chuẩn bị lễ cúng Táo quân long trọng, tiễn Táo về trời.

Không ai biết chính xác tục cúng ông Công, ông Táo có từ bao giờ, chỉ biết rằng nó tồn tại từ rất lâu, đi vào tiềm thức của người dân Việt Nam nhiều thế hệ.

Những lưu ý khi cúng ông Công ông Táo 2023 nhất định phải biết - Ảnh 1.

Ngày 23 tháng Chạp hằng năm, người dân Việt Nam lại chuẩn bị mâm cơm cúng tiễn ông Công ông Táo về trời.

Theo truyền thuyết kể lại, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo là ba vị đầu rau trông coi việc bếp núp. Vào hàng năm, cứ vào ngày 23 tháng Chạp, các vị thần này lại cưỡi cá chép lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong suốt một năm qua để Thiên đình định đoạt công, tội.

Do đó, trong quan niệm của người Việt, ông Công và ba vị Thần Táo (hay vua Bếp) là những vị thần định đoạt cát hung, phước đức cho gia đình. Tất nhiên, phước đức này đến từ việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà.

Với mong muốn cho gia đình mình được nhiều may mắn, nên hằng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người ta lại làm lễ tiễn ông Công ông Táo lên chầu trời.

Cúng ông Công ông Táo cần những gì?

Ba chiếc mũ ông Công, ông Táo: Theo phong tục cổ truyền của người Việt, để "lấy lòng" các vị Táo quân, người dân sẽ chuẩn bị các lễ vật và mâm cỗ cúng tiễn họ về trời. Lễ vật không thể thiếu để tiễn ông Công ông Táo là ba chiếc mũ gồm hai chiếc mũ ông Táo có cánh chuồn, một chiếc mũ bà Táo không có cánh chuồn. Màu sắc của mũ, áo thay đổi hàng năm theo ngũ hành. Những món đồ này sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp.

Hia ông Táo, tiền vàng: Ngoài bộ áo mũ dành cho Táo quân, cần mua thêm hia ông Táo, tiền vàng, giấy vàng, giấy bạc hoặc loại vàng nén để hóa cho ông Công ông Táo làm lệ phí đi đường.

Những lưu ý khi cúng ông Công ông Táo 2023 nhất định phải biết - Ảnh 2.

Cách sửa soạn bày mâm cỗ cúng ông Công ông Táo của mỗi gia đình đều khác nhau, nhưng vẫn đầy đủ lễ nghi.

Mâm cơm cúng: Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo trong truyền thống bao gồm đĩa gạo, đĩa muối, thịt lợn luộc, canh mọc, đĩa xào thập cẩm, giò, xôi gấc, hoa quả, hoa tươi. Tùy điều kiện và hoàn cảnh, các gia đình có thể chuẩn bị mâm cỗ không nhất thiết phải quá cầu kỳ.

Hiện nay do cuộc sống bận rộn nên mâm cỗ cúng đơn giản hơn, không nhất thiết phải có đầy đủ các món mặn theo truyền thống.

Cá chép: Theo quan niệm dân gian, cá chép không chỉ là "phương tiện" để các Táo quân lên chầu trời mà còn là biểu tượng cho tinh thần vươn tới thành công, thịnh vượng. Theo truyền thống, người Việt Nam hay chuẩn bị ba chú cá chép đỏ sống, để trong chậu nước sạch để cúng ông Công ông Táo.

Việc cúng cá chép không chỉ thể hiện sự trang trọng đối với người coi sóc cho gia đình trong suốt một năm qua hay hy vọng thành công may mắn với tích "cá chép hóa rồng" mà còn mang ý nghĩa nhân đạo cầu mong sự sống nảy mầm sinh sôi.

Cúng ông Công ông Táo năm 2023 vào thời điểm nào?

Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Thắng, năm nay ngày ông Công ông Táo (23 tháng 12 âm lịch) vào thứ Bảy ngày 14/1/2023 dương lịch, đúng tiết tiểu hàn. Các gia đình hoàn toàn có thể cúng ông Công ông Táo trước ngày 23 tháng Chạp khoảng 1 - 2 ngày, tùy vào điều kiện từng gia đình. Tuy nhiên, theo truyền thống người Việt, thời điểm cúng ông Công ông Táo đẹp nhất năm nay là vào khoảng 7h sáng đến 12h trưa ngày 23 tháng Chạp.

Không nên cúng muộn hơn 12h trưa vì theo quan niệm giờ Ngọ là giờ ông Công ông Táo sẽ bay về trời. Tuyệt đối không được cúng sau ngày 23. Bởi theo quan niệm, mỗi năm chỉ có một ngày Ngọc hoàng nghe các Táo báo cáo, do đó Táo quân cần phải lên thiên đình đúng giờ để kịp vào chầu. Nếu Táo nào lên thiên đình sớm thì phải chờ đến ngày thiết triều và táo nào lên muộn thì không tham gia được. Chính vì thế, các gia đình không nên cúng muộn sau ngày 23.

Những điều cần chú ý trong lễ cúng ông Công ông Táo

Dưới đây là những điều cần lưu ý khi cúng ông Công ông Táo mọi người cần biết khi thực hiện nghi lễ quan trọng này:

Cúng ông Công ông Táo phải thành tâm

Nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Đình Hải, chủ nhà khi cúng Táo quân phải thành tâm điểm lại những sai lầm, việc xấu đã phạm phải trong năm, đã xảy ra trong gia đình; kiểm điểm, sám hối, hứa quyết tâm sửa đổi lỗi lầm và cầu xin Táo quân tấu báo những điều tốt đẹp, mong Ngọc hoàng ban phúc cho gia đình.

Trước đây nhiều gia đình khi cúng Táo quân gọi hết con cháu đến nghe lời khấn, để cùng kiểm điểm với bố mẹ, cùng sám hối và biết phấn đấu, tu dưỡng trong năm mới. Hoặc trong bữa cơm sau lễ cúng Táo quân, ông bà, cha mẹ kể lại sự tích Táo quân và căn dặn con cháu phải ăn ở phúc đức, chăm ngoan, không được làm việc xấu, trung thực. Đây là điểm quan trọng nhất trong lễ cúng Táo quân vì nó mang tính giáo dục, tinh thần hướng thiện sâu sắc.

Những lưu ý khi cúng ông Công ông Táo 2023 nhất định phải biết - Ảnh 3.

Sau khi cúng ông Công ông Táo mọi người nên thả cá chép đúng cách để ông Táo lấy "phương tiện" lên trời báo cáo.

Không ném cá chép từ trên cao

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng trị sự, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, phóng sinh cá đúng cách mang ý nghĩa công đức rất lớn.

Tuy nhiên, cách phóng sinh cá chép cũng cần phải đúng cách. Khi thả cá nên dùng tay từ từ nghiêng miệng túi nilon hoặc đồ đựng cá xuống nước, để cá tự bơi ra. Hoặc đặt cá vào lòng bàn tay, thả nhẹ nhàng xuống nước.

Tuyệt đối không đứng ở thành cầu hay các điểm trên cao ném cá xuống. Hành động đó rất xấu xí và cá thả xuống có thể không sống được. Mặt khác người dân cũng không nên phóng sinh cá ở những nơi môi trường bị ô nhiễm vì cá sẽ ít cơ hội sống sót.

Không cúng tiền âm phủ

Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh cho rằng, khi cúng ông Công ông Táo, gia chủ tuyệt đối không đốt tiền âm phủ. Vì ông Công ông Táo là thần tiên, không phải là vong hồn người âm.

Ngoài ra, trong dịp này, nhiều gia đình cũng sẵn sàng bỏ hàng triệu đồng mua vàng mã về đốt. Họ tin rằng dâng mâm cao cỗ đầy sẽ được Táo quân ban nhiều phước lộc, bỏ qua những việc làm xấu trong năm.

Tuy nhiên, điều này không chỉ gây tốn kém tiền của, không có lợi ích mà còn ảnh hưởng đến môi trường.

Nên đặt mâm cúng ở nơi trang trọng

Theo dân gian, ông Táo là các vị thần bếp nên một số người cho rằng nên đặt mâm cơm và đồ lễ cúng ông Công ông Táo ở dưới bếp. Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia phong thủy, khi thực hiện lễ cúng ông Công ông Táo, nên thắp hương trên ban thờ của gia đình.

Về ý nghĩa tâm linh, ban thờ được coi là nơi kết nối giữa hai thế giới âm dương, giữa người trần với các vị thần linh, do đó khi tiến hành thờ cúng, gia chủ chỉ được phép dâng đồ lễ và cầu thỉnh tại chính bàn thờ của gia đình.


Như Hoa (t/h)
Ý kiến của bạn