;
Tập cho trẻ ăn với số lượng tăng dần
Khi bắt đầu ăn bổ sung, hệ tiêu hóa của trẻ cần có thời gian để thích nghi với thức ăn mới và trẻ cần được tập ăn và học cách ăn bằng cách cho trẻ ăn với số lượng tăng dần. Để cung cấp đủ năng lượng cho trẻ, bên cạnh bữa ăn chính, cần cho trẻ ăn thêm bữa phụ. Bữa ăn phụ tốt là phải đảm bảo cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng cho trẻ, như sữa chua, các sản phẩm của sữa, bánh mỳ, bánh qui, mật ong, trái cây, bánh đậu xanh,khoai tây nấu chín.
Lưu ý các thực phẩm giàu chất đường không thay thế được các thực phẩm khác trong khẩu phần ăn, vì vậy cho trẻ ăn kẹo, bánh quy và nước uống có đường không phải là bữa ăn phụ của trẻ. Khi trẻ lớn hơn thì phải tăng thêm lượng thức ăn, cho trẻ ăn đủ nhu cầu, cần động viên, khuyến khích khi trẻ ăn.
Các thức ăn chính (nhóm thức ăn cung cấp chất bột) đều cung cấp protein và các chất dinh dưỡng khác nhưng không thể có đủ tất cả các chất dinh dưỡng, khoáng chất, vitamin...cần thiết cho sự phát triển toàn diện của trẻ, vì vậy bên cạnh thức ăn chính trẻ cần được cung cấp thêm nhiều loại thức ăn khác.
Bữa ăn hàng ngày của trẻ phải đảm bảo có đủ thành phần 4 nhóm thức ăn cơ bản và nhiều hơn thế, ngoài tinh bột một số thành phần thức ăn cần lưu ý như: Thức ăn nguồn gốc động vật là thành phần quan trọng trong khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ; Các loại rau xanh sẫm, củ và quả màu vàng; Thức ăn bổ sung sự thiếu hụt sắt và năng lượng cho trẻ: Có thể cho trẻ ăn thêm thức ăn chế biến sẵn có bổ sung sắt để đáp ứng nhu cầu của trẻ. Nếu không có thức ăn giàu sắt thì gia đình cho trẻ uống bổ sung viên chứa sắt và yếu tố vi lượng.
Đặc điểm của thức ăn bổ sung tốt cho trẻ ăn hàng ngày là: Thức ăn giàu năng lượng, giàu protein và các vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là sắt, kẽm, vitamin A, vitamin C...; Thức ăn đảm bảo sạch và an toàn cho trẻ (không có tác nhân gây bệnh, không có các hóa chất độc hại, không có xương hoặc các vật cứng có thể gây tổn thương cho trẻ); Thức ăn không quá nóng, không quá cay, mặn và phù hợp với trẻ; Thức ăn sẵn có ở địa phương, giá hợp lý, thuận lợi cho việc chuẩn bị và chế biến món ăn cho trẻ.
Cho trẻ ăn bổ sung đúng cách
Số lượng thức ăn, tùy tuổi, loại thức ăn để cho trẻ ăn phù hợp. Với trẻ từ 6- 8 tháng tuổi có thể cho ăn bổ sung bột đặc, thức ăn nghiền, 2-3 bữa chính, 1-2 bữa phụ, bú mẹ thường xuyên. Khi bắt đầu tập ăn 2-3 thìa 10ml rồi tăng dần lên 1/2 bát 250 ml.
Đối với trẻ từ 9 -11 tháng có thể ăn bột hoặc cháo, thức ăn thái hoặc nghiền nhỏ với 3-4 bữa chính, 1-2 bữa phụ và vẫn bú mẹ. Đối với trẻ từ 12-24 tháng có thể cho ăn thức ăn chung với gia đình nhưng thái nhỏ hoặc nghiền nếu cần, ăn 3-4 bữa chính và 1-2 bữa phụ, duy trì bú mẹ. Lượng thức ăn trên tính cho trẻ bú mẹ, nếu trẻ không được bú mẹ cho trẻ uống thêm 1-2 cốc sữa 250ml/ngày và ăn thêm 1-2 bữa/ngày, tăng dần theo độ tuổi của trẻ.
Tất cả các loại thức ăn đều cung cấp năng lượng, nhưng không một loại thức ăn nào có thể cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ, vì vậy cần cho trẻ đa dạng, nhiều loại thức ăn khác nhau.
Cho trẻ ăn bổ sung đủ số lượng cho mỗi bữa theo nhu cầu từng lứa tuổi; Cho trẻ ăn bổ sung đủ số bữa cho mỗi ngày phù hợp với từng lứa tuổi; Cho trẻ ăn đủ năng lượng hàng ngày theo nhu cầu của từng trẻ; Cho trẻ ăn các loại thức ăn giàu năng lượng và giàu dinh dưỡng; Cho trẻ ăn hàng ngày đa dạng nhiều loại thức ăn và đầy đủ thành phần 4 nhóm thức ăn cơ bản và nhiều hơn thế. Cho trẻ ăn thức ăn giàu sắt, và giàu vitamin A hàng ngày; Cho trẻ ăn cá, thịt (nhất là thịt gia cầm) hàng ngày.
Độ đậm đặc của thức ăn bổ sung
Dạ dày của trẻ rất nhỏ. Tại thời điểm 8 tháng tuổi, dạ dày của trẻ mỗi bữa có thể chứa khoảng 200 ml. Các loại thức ăn lỏng và loãng nhanh chóng chiếm đầy thể tích dạ dày của trẻ khi trẻ chưa nhận đủ năng lượng. Vì vậy, cần quan tâm đến độ đậm đặc của thức ăn cho trẻ ăn bổ sung.
Độ đậm đặc hợp lý của thức ăn bổ sung sẽ giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của trẻ và phù hợp với sức chứa của dạ dày trẻ. Ở các nước phát triển, đậm độ năng lượng của thức ăn bổ sung thường là 2 kcal/1g, trong khi đó ở các nước đang phát triển chỉ là 1 kcal/1g, đó là lý do gây nên tình trạng thiếu năng lượng kéo dài.
Sữa mẹ là một thức ăn lỏng, nên trẻ đang bú sữa mẹ khi chuyển sang giai đoạn ăn bổ sung, thức ăn cho trẻ phải chuyển dần từ dạng lỏng sang dạng sền sệt rồi đặc dần. Bát bột nấu xong khi còn nóng ở dạng lỏng, càng nguội càng đặc lại. Nếu pha thêm nước để đạt độ lỏng thích hợp thì sẽ làm giảm đậm độ năng lượng, nên sẽ không đảm bảo nhu cầu năng lượng của trẻ.
Đối với bột hay các lương thực khác, nấu với ít nước và làm bột đặc hơn. Không nên nấu bột quá loãng; Rang ngũ cốc trước khi xay thành bột. Hạt bột rang không to lắm nên chỉ cần ít nước trong khi nấu.
Đối với các loại thức ăn đậu, đỗ, rau, thịt, cá, nghiền hoặc băm nhỏ cho trẻ ăn cả cái thay vì chỉ cho trẻ ăn phần nước. Bổ sung thêm các loại thức ăn giàu năng lượng và dinh dưỡng vào trong bột, cháo: Cho thêm một thìa sữa bột sau khi nấu; Trộn bột đậu, đỗ với bột ngũ cốc trước khi nấu; Khuấy bột sệt lại với bột lạc hay vừng; Thêm một thìa dầu ăn, mỡ, bơ.
Trộn bột vào các hạt nảy mầm: đậu xanh, ngô vàng, lúa… vào thức ăn của trẻ để tăng độ hòa tan, làm bột lỏng ra, vì vậy có thể tăng số lượng bột lên, giảm độ nhớt, trẻ dễ dàng ăn hết suất. Ngoài ra hạt nảy mầm còn cung cấp thêm các vitamin, các vi chất dinh dưỡng cho trẻ. Nếu bổ sung 10% bột thì lượng bột có thể tăng gấp 3 đến 4 lần trong cùng một thể tích nước.
Tùy điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của mỗi gia đình, có thể lựa chọn loại thức ăn phù hợp để thay thế trong nhóm thức ăn bổ sung của trẻ: Nếu không có gạo có thể thay bằng ngô, khoai; Nếu không có thịt, trứng có thể thay bằng tôm, cua, cá; Nếu không có sữa bò có thể thay bằng sữa đậu nành; Nếu không có đạm động vật (Thịt, trứng , sữa, tôm, cua, cá) có thể thay thế bằng đạm thực vật (Đậu tương, đậu xanh, đậu đen, vừng, lạc).
(Theo Tài liệu Nuôi dưỡng trẻ nhỏ, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế)