Để giảm nguy cơ làm ảnh hưởng đến quá trình chỉnh nha, hãy cố gắng tuân theo những lời khuyên đã được tư vấn khi bắt đầu điều trị liên quan đến việc làm sạch và chăm sóc răng miệng trong cả quá trình chỉnh nha.
Cần phải làm gì?
Nên nhai, vận động hàm nhẹ nhàng; Tránh ăn thức ăn cứng và dính; Hãy nhớ cắt nhỏ các loại thực phẩm như táo, cà rốt và bánh mì giòn trước khi ăn chúng; Giữ cho răng sạch sẽ bằng cách thực hiện thói quen chăm sóc răng miệng kỹ lưỡng tại nhà: Đánh răng ít nhất hai lần một ngày, mỗi lần ít nhất 3 phút. Dùng chỉ nha khoa. Súc miệng với nước súc miệng không cồn có chứa Fluoride hàng ngày.
Một số vấn đề chỉnh nha có thể gặp tại nhà
Sâu răng, viêm lợi
Trong khi đeo niềng răng, có thể có nguy cơ mắc các bệnh về lợi hơn, do việc vệ sinh xung quanh mắc cài sẽ khó khăn hơn. Bệnh nhân có thể bị viêm, chảy máu hoặc kích ứng do vi khuẩn bị mắc kẹt quanh mắc cài và răng, lợi. Triệu chứng có thể thấy rõ nhất là lợi sưng đỏ, chảy máu, có những trường hợp lợi viêm phì đại che phủ một phần mắc cài, và điều đó khiến cho nguy cơ sâu răng của bạn tăng cao, đồng thời gây khó khăn cho bác sĩ khi điều trị.
Nên tuân thủ hướng dẫn vệ sinh răng miệng mà bác sĩ đã trao đổi và cố gắng lấy sạch thức ăn giắt trên răng và mắc cài. Điều này cũng giảm được đáng kể tình trạng hôi miệng khi đang chỉnh nha.
Đau nhức, kích ứng
Nếu cảm thấy kích ứng bên trong môi khi miệng quen với mắc cài mới, có thể làm một số điều sau: bôi sáp lên vùng gây kích ứng, súc miệng với các dung dịch dự phòng sâu răng, viêm lợi theo chỉ định của bác sĩ.
Nếu cơn đau nghiêm trọng hơn, không thuyên giảm thông qua các phương pháp này hoặc kéo dài hơn một vài ngày, vui lòng gọi cho bác sĩ nha khoa.
Bong mắc cài
Nhiều bệnh nhân có thể bị bong mắc cài. Khi ăn thức ăn cứng như các loại hạt, chân gà, bánh mỳ giòn… mắc cài có thể bị bung ra. Việc giữ lại được mắc cài là rất tốt, nếu dây cung là dây lớn, có thể để lại trên miệng mà không gây ra nhiều khó chịu (trong trường hợp này nếu lấy mắc cài ra có thể sẽ làm tình trạng các răng khác xấu đi); với những dây cung nhỏ, việc bong mắc cài sẽ làm cho mắc cài xoay, nếu điều này xảy ra, nên gọi cho nha khoa để được hướng dẫn.
Dây cung bị dài, bị đứt
Khi răng di chuyển, đặc biệt với tình trạng ban đầu khấp khểnh, việc dây cung dài và thừa ra phía sau là có thể, dây có thể thừa ở cả hai bên hoặc một bên do lệch dây cung.
Để giúp thoải mái hơn cho đến khi có thể tái khám, nên sử dụng sáp nha khoa, đặt nó xung quanh và trên đầu dây bị dài (sáp sẽ bám tốt hơn nếu khu vực khô). Trong trường hợp dây dài (thường là dây cung nhỏ) có thể sử dụng bấm móng tay, tốt nhất là dạng kìm bấm để luồn ra phía sau và cắt đoạn dây thừa đi.
Nếu dây bị lỏng và không thể qua khám, dây có thể được cố định tạm thời vào mắc cài bằng cách sử dụng chỉ nha khoa để buộc dây vào một mắc cài gần đó.
Nếu dây cung bị trượt nhiều, có 2 cách để xử lý tình trạng này: Có thể dùng 1 cái gắp thông thường, kéo dây di chuyển về vị trí mà bạn thấy dây dễ chịu hơn (với những dây cung không quá lớn, dây cung lớn đôi khi phải hỗ trợ với những chiếc kìm mỏ nhỏ và được sát khuẩn), cách thứ 2 có thể dùng tẩy hoặc đuôi tẩy trên bút chì, đưa ra phía sau của mắc cài trong cùng nơi dây bị chạy, và ấn nó sang phía còn lại, cách này có thể áp dụng với 1 vài dây cung lớn hơn.
Các thiết bị khác bị lỏng lẻo
Nhiều vấn đề có thể được giải quyết đơn giản tại nhà, tuy nhiên cần đến tái khám bác sĩ theo lịch hẹn nếu có thể.
Nếu gặp bất kỳ điều gì trong quá trình điều trị mà cảm thấy bị hỏng hoặc "không ổn", chỉ cần gọi cho bác sĩ để được tư vấn. Có thể đó là những đoạn dây thép buộc bị lỏng, hay chun chuỗi bị tuột... bác sĩ sẽ hướng dẫn xử trí, có thể là siết lại, hoặc tháo nó ra tùy vào tình trạng thực tế.