Những sai lầm thường gặp
Theo Khuyến nghị dinh dưỡng trong 1000 ngày vàng của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, ăn bổ sung nghĩa là cho ăn thêm các thức ăn khác ngoài sữa mẹ. Các thức ăn và chất lỏng thêm này được gọi là thức ăn bổ sung vì chúng bổ sung cho sữa mẹ, chứ không hoàn toàn thay thế được sữa mẹ để cung cấp đủ chất dinh dưỡng. Thức ăn bổ sung phải là các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và đủ về mặt số lượng để trẻ có thể tiếp tục phát triển. Dưới đây là một số sai lầm các mẹ hay gặp phải khi cho bé ăn bổ sung:
Sử dụng thực phẩm giàu đạm không đúng: Sai lầm chủ yếu là cho trẻ ăn dưới dạng nước thịt (chỉ cho ăn nước, không dùng cái, sợ trẻ hóc), nước xương hầm… Không biết sử dụng nguồn chất đạm dồi dào khác ngoài thịt, cá như ăn trứng sợ trẻ đầy bụng, tôm, cua sợ trẻ ho và ỉa chảy. Không biết dùng các loại đậu đỗ, lạc, vừng là nguồn đạm thực vật, tuy giá rẻ nhưng cũng rất tốt.
Ít sử dụng dầu mỡ trong bữa ăn của trẻ: Vì cho rằng dầu mỡ khó tiêu hóa, gây ỉa chảy.
Không cho trẻ ăn các loại rau xanh: Thường các bà mẹ chỉ dùng nước rau luộc, ngay cả các loại củ như khoai tây, cà rốt cũng chỉ lấy nước ninh để quấy bột cho trẻ. Một số bà mẹ quan niệm sai lầm cho rằng trẻ không ăn được rau, và ăn rau dễ rối loạn tiêu hóa.
Cho trẻ ăn cơm quá sớm khi chưa có răng: Các bà mẹ cho rằng ăn cơm sớm trẻ sẽ cứng cáp, nhanh biết đi. Thực tế nếu cho trẻ ăn cơm quá sớm, trẻ chỉ nuốt chửng với nước rau luộc hoặc nước canh vì vậy bộ máy tiêu hóa phải làm việc quá sức. Khi ăn cơm thường là ăn chung với gia đình, trẻ ít được quan tâm, ưu tiên thức ăn nên bữa ăn của trẻ không được đảm bảo về số lượng cũng như chất lượng.
Cho trẻ ăn bổ sung đúng cách
Bắt đầu cho trẻ ăn bổ sung từ khi trẻ được 6 tháng (180 ngày), đồng thời tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi.
Cho trẻ ăn từ lỏng đến đặc (ngày đầu tập cho trẻ ăn bột loáng 1-2 thìa, tập cho bé từ 2-3 ngày rồi cho ăn đặc), tập cho trẻ ăn quen dần với thức ăn mới.
Mỗi bữa cho trẻ ăn từ ít đến nhiều, số lượng thức ăn tăng dần khi trẻ lớn lên. Tăng dần số lượng bữa ăn trong ngày của bé theo tuổi.
Ăn đa dạng các loại thực phẩm, thay đổi và kết hợp nhiều loại thức ăn khác nhau giúp trẻ ngon miệng. Chú ý đến khẩu vị của trẻ khi nấu thức ăn.
Đảm bảo thức ăn của bé giàu dinh dưỡng, đủ chất, mỗi bữa ăn của trẻ phải có đủ 4 nhóm thực phẩm gồm tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
Đảm bảo vệ sinh ăn uống và chế biến thức ăn cho trẻ. Sử dụng thực phẩm tươi và nước sạch khi nấu cho trẻ. Cần rửa sạch dụng cụ, tay sạch trước khi chế biến thức ăn và trước khi cho trẻ ăn. Sử dụng đồ sạch để đựng thức ăn cho trẻ.
Cho trẻ ăn nhiều bữa nhỏ hơn trong và sau khi bị ốm (bệnh). Cho trẻ uống nhiều nước hơn đặc biệt khi bị tiêu chảy và sốt cao. Cho trẻ ăn thức ăn mềm và đa dạng. Tăng cường cho trẻ bú mẹ thường xuyên hơn nếu bé còn bú mẹ. Sau khi trẻ ốm cần cho trẻ ăn nhiều hơn bình thường trong ít nhất 2 tuần để trẻ chóng hồi phục.
Không cho trẻ ăn bánh kẹo, uống nước ngọt trước bữa ăn vì làm trẻ chán ăn rồi ăn ít đi. Không cho trẻ uống nước chè, cà phê, nước ngọt có ga.
Khi cho bé ăn cần kiên nhẫn, luôn vui vẻ, khuyến khích để bé ăn tốt hơn.
Những món ăn dặm dễ làm
Theo TS Phan Bích Nga, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, theo truyền thống người Việt Nam và theo khuyến nghị ăn dặm cho trẻ là bắt đầu ăn dặm bằng bột gạo xay hoặc cháo xay nấu với thịt, trứng, rau. Có thể cho trẻ ăn bột ăn liền hoặc bột nấu trong những tháng đầu tiên tập ăn dặm. Cho bé ăn từ lỏng đến đặc dần.
Thông thường ở vùng nông thôn, miền núi gia đình phải tự nấu cho bé, khi đó bữa ăn dặm của bé cần phải đảm bảo đầy đủ 4 nhóm chất đạm, bột đường, dầu ăn và rau củ tươi các loại.
Khi bắt đầu nên cho bé ăn thức ăn nhuyễn hoàn toàn, khi bé đã ăn thuần thục thức ăn nhuyễn, hãy chuyển sang cho trẻ ăn thức ăn nghiền hay băm nhỏ để tập cho bé nhai. Nếu là bột ăn dặm đóng hộp, cần pha chế đúng theo hướng dẫn trên bao bì.
Khi bắt đầu cho bé ăn dặm, cần phải tuân theo nguyên tắc: cho bé ăn từ ít đến nhiều, từ loãng đến đặc, từ tinh đến thô, từ một loại đến nhiều loại. Chủng loại thức ăn trong một bữa ăn được tăng lên khi sức khỏe cùng với bộ máy tiêu hóa của bé bình thường. Khi mới tập ăn cần nấu bột lỏng, từ tháng thứ 9 bé có thể tập ăn cháo nghiền rồi chuyển sang cháo đặc.
Cho trẻ ăn nhiều bữa trong 1 ngày. Nghiêm chỉnh thực hiện đúng thời gian biểu cho ăn. Ban đầu cho ăn bổ sung có thể cho trẻ ăn nhiều bữa: 6 bữa, mỗi bữa cách nhau hơn 2 giờ. Trong 6 bữa này có thể 3 bữa sữa và 3 bữa cho ăn bột loãng. Sau đó rút dần còn 5 bữa, có thể với 2 bữa bú, 3 bữa bột sền sệt, tiến tới chỉ ăn 2 bữa bột đặc một ngày. Ăn bột xong có thể cho trẻ bú thêm nếu trẻ vẫn thèm bú.
Đối với trẻ nuôi bộ, không nên bắt ép trẻ ăn hết suất ăn theo quy định, mà nên gia giảm theo sức ăn của bé. Nếu cho trẻ ăn thêm hoa quả thì chỉ cần ăn vừa phải, ăn quá nhiều có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng trong thức ăn.
Giai đoạn này trẻ cần ăn bổ sung vì nhu cầu năng lượng tăng. Từ 6 tháng tuổi năng lượng từ sữa mẹ chỉ đủ cung cấp khoảng 450kcal/ngày, trong khi đó giai đoạn này trẻ cần khoảng gần 700kcal/ngày. Khi trẻ mới ăn dặm chỉ nên ăn thịt lợn thăn, cá quả, 3/4 lòng đỏ trứng gà và tăng dần các loại thực phẩm khác từ tháng thứ 7.
Các thực phẩm phải giàu năng lượng và giàu dinh dưỡng: đặc biệt là sắt, kẽm, canxi, vitamin A, C và folat (có nhiều trong thức ăn nguồn gốc động vật (thịt lợn, bò, gà...), hải sản (tôm, cua, cá,...), sữa....
Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo sạch và an toàn: Không có tác nhân gây bệnh (không có vi khuẩn gây bệnh hoặc các sinh vật có hại khác); không có các hóa chất có hại hoặc chất độc; không có xương (cá cần gỡ thịt, tôm cần say, băm nhuyễn, cắt râu) hoặc các miếng cứng có thể gây tổn thương cho trẻ.
Không cho trẻ ăn các loại thức ăn gia vị nóng, cay, mặn. Bên cạnh đó, lưu ý về vệ sinh thực phẩm vì tỷ lệ rối loạn tiêu hóa cao nhất ở lứa tuổi ăn dặm: cần chú ý rửa và giữ sạch dụng cụ làm bếp và bát đũa khi chuẩn bị thức ăn cho trẻ, cần cho trẻ ăn trong vòng hai giờ sau khi nấu.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bà Rịa - Vũng Tàu: Ghi Nhận 2 Trường Hợp Nhiễm Xoắn Khuẩn Vàng Da I SKĐS